Bằng, CCCM giả - muốn là có
Thời gian quan, lực lượng Công an các tỉnh, thành ĐBSCL đã phát hiện, triệt phá một số đường dây tàng trữ, lưu hành bằng, CCCM điều khiển phương tiện đường thủy nội địa giả… Tuy nhiên, tình trạng sử dụng bằng giả hiện vẫn khá phổ biến.
Sà lan kẹt dưới cầu sắt Bình Lợi. Ảnh: H.H.. |
Cụ thể, thông qua công tác tuần tra, từ đầu năm 2015 đến nay, lực lượng Cảnh sát đường thủy (PC68) Công an TP Cần Thơ đã phát hiện, thu giữ trên 80 bằng thuyền trưởng, máy trưởng giả. Đại tá Nguyễn Hữu Lập, Trưởng phòng PC68 Công an Cần Thơ cho biết: “Đơn vị khá vất vả với hàng loạt công việc không tên bởi tình hình tội phạm sông nước phức tạp, trong đó có việc sử dụng bằng thuyền trưởng, máy trưởng giả”.
Ngày 12-6-2015, TAND TP Cần Thơ xử phúc thẩm đã bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm bị cáo Nguyễn Thanh Dũng (46 tuổi, ngụ xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) 1 năm 6 tháng tù; chấp nhận kháng cáo, sửa án sơ thẩm, phạt bị cáo Huỳnh Công Duyệt (41 tuổi) 9 tháng tù cùng về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Ngoài ra, tòa còn phạt bổ sung mỗi bị cáo 5 triệu đồng, buộc nộp sung công số tiền đã thu lợi bất chính gần 25 triệu đồng.
Theo hồ sơ vụ án, qua công tác tuần tra, Phòng PC68 Công an TP Cần Thơ phát hiện Dương Thành Nhân điều khiển sà lan chở cát quá tải trọng trên tuyến sông Hậu qua địa phận quận Ô Môn. Công an thu giữ bằng thuyền trưởng thì phát hiện là bằng giả. Nhân khai nhận, bằng thuyền trưởng của mình là do Dũng làm với giá 5 triệu đồng. Nhân không học, chỉ giao cho Dũng 4 tấm hình thẻ (3x4), một giấy CMND photo, sau đó 3 tuần, Dũng giao bằng thuyền trưởng giả cho Nhân.
Còn Dũng khai, năm 2006, anh ta lên TP Hồ Chí Minh thi bằng thuyền trưởng hạng 3 thì quen với Huỳnh Văn Cắt tự giới thiệu là giáo viên Trường Hàng Giang II (TP Hồ Chí Minh). Cắt “bật mí” có khả năng làm bằng thuyền trưởng, máy trưởng mà không cần qua học và thi; chỉ cần gửi ảnh, giấy CMND của người có nhu cầu, giá bằng từ 3 - 4,7 triệu đồng. Cắt rủ Dũng tham gia, nếu lấy giá cao hơn thì tiền chênh lệch Dũng hưởng.
Quá trình đi làm, Dũng thấy nhiều người bị phạt vì không có bằng nên đứng ra môi giới làm bằng giả với giá từ 3,5 - 5 triệu đồng/chiếc. Tổng cộng, Dũng đã môi giới cho Cắt 16 bằng giả; Duyệt môi giới lại cho Dũng 6 bằng và bản thân mua một bằng…
Nhiều bất cập trong việc cấp bằng, CCCM
Theo Đại tá Nguyễn Hữu Lập, việc cấp bằng, CCCM điều khiển phương tiện thủy nội địa hiện nay còn nhiều bất cập. Để được học, cấp bằng thuyền trưởng, máy trưởng, ngoài việc đảm bảo các tiêu chuẩn về sức khỏe, thời gian, người điều khiển phương tiện thủy nội địa phải có trình độ học vấn thấp nhất từ THPT trở lên.
Bằng thuyền trưởng giả bị Công an phát hiện, thu giữ. |
Tuy nhiên, do đặc thù cuộc sống sông nước, nên nhiều người dân ở ĐBSCL có trình độ học vấn thấp hoặc thời gian học và thi lấy bằng thuyền trưởng, máy trưởng quá dài, không thể theo học. Thậm chí, nhiều người không biết ký tên vào biên bản vi phạm… Từ đó, “cò” bằng thuyền trưởng, máy trưởng giả xuất hiện. Những người này dùng nhiều phương thức thủ đoạn, đưa ra cái lợi trước mắt là có được tấm bằng để đối phó với lực lượng chức năng... dụ dỗ người dân có nhu cầu lấy bằng.
Thực tế, Phòng PC68 đã mời nhiều người vi phạm đến làm việc, để tìm hiểu nguồn gốc bằng giả và xử phạt. Tuy nhiên, đến nay đơn vị chỉ mời được rất ít người, số còn lại do sống trên sông mua bán khắp nơi nên thư mời gửi đến nhưng người vi phạm không có ở địa phương. Có nhiều địa chỉ ghi trên bằng giả khi xác minh là địa chỉ “ma”. Một số người sử dụng bằng giả thừa nhận, họ không biết đâu là “cò”, đâu là nhân viên trung tâm đào tạo cấp bằng thuyền trưởng, máy trưởng cũng như bằng thật, bằng giả (!?).
“Cò” thường tự xưng là nhân viên Trường Cao đẳng GTVT 3 ở TP Hồ Chí Minh, Trường Hàng Giang II TP Hồ Chí Minh… muốn giúp bà con làm hồ sơ nhanh. Đơn cử như trường hợp của ông Ng.V.M (ngụ tỉnh Vĩnh Long) điều khiển sà lan trên sông Cần Thơ vi phạm chở quá tải, bị Phòng PC68 lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ bằng thuyền trưởng và phát hiện bằng giả. Ông M. thừa nhận mua bằng thuyền trưởng giả với giá 7,5 triệu đồng của một đối tượng không rõ lai lịch, địa chỉ ở TP Hồ Chí Minh…
Do tập quán người dân ĐBSCL điều khiển phương tiện thủy theo kiểu “cha truyền con nối”; trình độ dân trí thấp, kiến thức pháp luật về giao thông thủy còn hạn chế. Bên cạnh công tác quản lý nhà nước về TTATGT đường thủy còn nhiều bất cập, nhất là trong việc đào tạo cấp bằng, CCCM, đăng ký, quản lý phương tiện.
Thực trạng này là những khó khăn, thách thức không nhỏ đối với các ngành chức năng nói chung, lực lượng Cảnh sát đường thủy nói riêng. Tình trạng “5 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không bằng cấp chứng chỉ chuyên môn, không đảm bảo điều kiện an toàn kỹ thuật...) còn diễn ra khá phổ biến.
Đây là những nguy cơ vừa tiềm ẩn, vừa hiện hữu dẫn đến TNGT đường thủy. Trong đó, vụ tàu kéo SG-3745 đẩy sà lan SG-5984 chở theo 800 tấn cát đi từ Tiền Giang đến TP Biên Hòa (Đồng Nai) đâm sập cầu Ghềnh lúc 11h30, ngày 20-3, gây thiệt hại vô cùng lớn là minh chứng rõ nét nhất.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.