Kẹt xe ở đường Rama IX, Bangkok. Ảnh: Reuters. |
Theo Bangkok Post, Cục Cảnh sát đô thị Bangkok và 53 ban ngành họp bàn để đưa ra các phương án tức thời và lâu dài.
Một số phương án phải kể đến như thành lập tòa án riêng chuyên xử lý các vụ vi phạm giao thông, nâng cao chất lượng cảnh sát, điều chỉnh giờ làm việc, tước bằng lái, tăng phạt gấp bốn lần và quy định ngày được lưu thông cho xe có biển số chẵn - lẻ.
Ngoài ra, các ban ngành còn đề xuất tập huấn cho phụ huynh đón rước con mình đi học nhanh hơn tránh gây kẹt xe và tăng làn xe buýt.
Ngoài ra, một lực lượng cảnh sát đặc biệt với đường dây nóng 1197 hoạt động 24/24 cũng được thiết lập để người dân có thể gọi cảnh sát bất cứ khi nào xảy ra vấn đề liên quan đến giao thông.
Một số dải phân cách có diện tích quá lớn được thu hẹp lại để lấy diện tích cho xe cộ lưu thông.
Kẹt xe ở Bangkok. Ảnh: Reuters. |
“Á quân” kẹt xe thế giới
Đây là nỗ lực mới nhất của Chính phủ Thái Lan trong cuộc chiến chống “căn bệnh mãn tính” kẹt xe. Thế nhưng nhiều người cũng bày tỏ sự hoài nghi bởi một tháng là thời gian quá ngắn để giải quyết tình hình hiện tại.
Nhiều năm qua Bangkok nằm luôn trong top những nơi có tình trạng kẹt xe nghiêm trọng nhất thế giới.
Trong bảng xếp hạng Traffic Index 2016 của Công ty TomTom chuyên về giao thông và dịch vụ dẫn đường của Hà Lan công bố hồi tháng 3 năm nay, thủ đô của Thái Lan chiếm giữ vị trí á quân, xếp sau Mexico City.
Theo bảng xếp hạng này, người tham gia giao thông ở Thái Lan phải mất thêm 57% thời gian cho việc đi lại do kẹt xe, tương đương 61 phút mỗi ngày. Trung bình mỗi năm người Thái ở Bangkok mất thêm 232 giờ cho việc đi lại do kẹt xe.
Tháng 10-2012, BBC cũng xếp Bangkok nằm trong nhóm 10 thành phố có tình trạng tắc nghẽn giao thông trầm trọng nhất thế giới.
Theo BBC, kẹt xe ở Bangkok trở nên trầm trọng từ khi chính phủ ban hành chính sách hoàn thuế cho người lần đầu mua xe hơi vào năm 2011 nhằm khuyến khích người có thu nhập thấp và trung bình chuyển từ xe máy sang xe hơi, giúp tạo thị trường cho ngành công nghiệp "xe sinh thái" mới nổi lúc đó.
Kết quả là Bangkok năm 2012 có hơn 5 triệu xe trong khi hạ tầng thành phố chỉ có thể đáp ứng cho không tới 2 triệu.
Kẹt xe ở Bangkok nghiêm trọng tới mức cảnh sát có hẳn một lực lượng đặc biệt giúp đưa phụ nữ mang bầu đến bệnh viện nhanh hơn trong giờ kẹt xe.
Trường hợp không thể đến kịp bệnh viện, lực lượng này còn được huấn luyện để có thể đỡ đẻ cho bà bầu với một hộp dụng cụ y tế chuyên dùng mang theo.
Hoạt động từ năm 1993, đến năm 2014 lực lượng này giúp đỡ đẻ cho 120 em bé và đưa hơn 2.600 bà bầu đến bệnh viện để sinh.
Hành khách sử dụng dịch vụ tàu "buýt" thử nghiệm trên kênh Khlong Phadung Krung Kasem. Ảnh: Bangkok Post. |
Đi trên trời, dưới nước, trong lòng đất
Hiện nay, hầu hết các trang web chia sẻ kinh nghiệm du lịch Bangkok và những người sống ở đây đều khuyên nên tìm cách “né” đi lại bằng đường bộ, đặc biệt là trong giờ cao điểm.
Hai phương tiện được hiều người ưa chuộng là metro (tàu điện ngầm) và skytrain (tàu điện trên không).
Trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp lâu dài cho nạn ùn tắc giao thông, lãnh đạo thành phố bắt đầu nghiên cứu hệ thống giao thông công cộng ngoài xe buýt từ cuối thế kỷ 20.
Khai trương vào cuối năm 1999, đến năm 2013 skytrain giải quyết nhu cầu đi lại cho khoảng 197,2 triệu người ở Bangkok mỗi năm.
Trong khi đó, hệ thống metro được đưa vào hoạt động từ năm 2004. Theo số liệu năm 2013 của Hiệp hội Quốc tế về giao thông vận tải công cộng UITP, hệ thống này phục vụ gần 84,5 triệu khách mỗi ngày.
Hiện Bangkok đang có kế hoạch tăng độ dài các tuyến skytrain và mở thêm nhiều tuyến metro, dự kiến có thêm bốn tuyến metro nữa vào khoảng năm 2020.
Ngoài xây dựng hệ thống giao thông công cộng trên trời và dưới lòng đất, chính quyền Bangkok còn đẩy mạnh việc tận dụng hệ thống sông ngòi.
Từ đầu tháng 9, Bangkok tiến hành thử nghiệm dịch vụ “xe buýt đường sông” miễn phí đi dọc kênh Khlong Phadung Krung Kasem từ Hua Lampong đến bến Thewet.
Hoạt động này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân. Sở Giao thông vận tải cho biết chỉ trong bảy ngày đầu tiên đã có khoảng 8.212 người sử dụng dịch vụ này.
Trước đó, Bangkok vẫn đang hoạt động các tuyến đường thủy phục vụ hành khách đi lại trên kênh rạch, trong đó tuyến kênh đông đúc nhất là Khlong Saen Saep với khoảng 40.000 khách mỗi ngày.
Với hơn 1.600 kênh rạch có tổng độ dài hơn 2.200km, Bangkok hi vọng vào giải pháp giao thông đường thủy để “giải cứu” tình hình giao thông hiện nay.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.