Chuyên gia: Phát triển đô thị nén để giảm kẹt xe?

Ý kiến phản biện 10/10/2016 15:14

Nhiều người cho rằng muốn giải quyết nạn kẹt xe thì TPHCM cần giãn dân, phát triển đô thị vệ tinh, nhưng một chuyên gia lại lập luận ngược lại, rằng lúc này TPHCM nên phát triển đô thị nén, nâng mật độ dân đô thị, hạn chế giãn dân, thêm mật độ cao tầng khu trung tâm, tập trung phát triển vận tải hành khách công cộng.

 

Chuyên gia- Phát triển đô thị nén để giả

Ông Huỳnh Thế Du phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Văn Nam

Phát biểu tại Hội thảo Quản lý xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị TPHCM do Bộ Xây dựng và UBND thành phố tổ chức (7/10), ông Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng: xuất phát từ thực trạng kẹt xe và nhà ở đông đúc nên tâm lý chung là cần phải giãn dân và xây thêm đường.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm từ nhiều thành phố và nguyên lý đô thị thì TPHCM bây giờ nên làm hai việc ngược lại. Đó là làm cho mật độ dân số tăng lên và hạn chế xây đường, mở đường để tập trung nguồn kinh phí cho phát triển hệ thống giao thông công cộng.

“TPHCM nên theo triết lý phát triển đô thị nén gắn với vận tải giao thông công cộng. Giải pháp then chốt tôi thấy rằng cần tập trung người để nâng cao mật độ chứ không phải giãn dân để giảm mật độ, điều này đi ngược lại với nhiều người vẫn nghĩ nhưng đây mới chính là giải pháp cho bài toán giao thông đô thị thành phố”, ông Du đề xuất.

Ông Du dẫn ra kinh nghiệm từ nhiều thành phố trên các nước để minh chứng lập luận của mình là đúng.

Chẳng hạn như Hồng Kông có diện tích khoảng 1.100 km2 nhưng họ chỉ phát triển đô thị trong giới hạn chưa tới 200 km2.

Tương tự với thành phố Seoul (Hàn Quốc) diện tích 605 km2 nhưng phần phát triển của họ cũng rất nhỏ; Singapore cũng có hơn 700 km2 nhưng chỉ phát triển trong 250 km2 mà thôi, Tokyo (Nhật Bản) hơn 600 km2 nhưng cũng chỉ phát triển diện tích đô thị rất nhỏ. Diện tích phát triển đô thị của các thành phố nói trên rất nhỏ trong khi nòng cốt của họ là tập trung phát triển vận tải hành khách công cộng.

“Nếu so với TPHCM chúng ta sẽ thấy diện tích phát triển đô thị của ta rất lớn. Trong khi đó vận tải hành khách công cộng của ta lạc quan lắm cũng chỉ chiếm 10%”, ông Du phân tích và nhấn mạnh "ngay cả khu trung tâm thành phố hiện nay mật độ cao tầng vẫn chưa đủ và cần tiếp tục phát triển cao hơn nữa bởi cấu trúc nhà ở như TPHCM hiện vẫn bị coi là nữa nạc nửa mỡ, tức là mật độ dồn quá cao cho phương tiện vận tải cá nhân và diện tích đường quá ít, thành phố cần phải xem lại định hướng phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng."

Một số chuyên gia quy hoạch đô thị tham gia góp ý phát triển đô thị tại hội thảo sáng nay cũng có một số nét gần giống như đề xuất của ông Huỳnh Thế Du.

Theo ông Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, trong bối cảnh hiện nay, TPHCM cần chọn phương án chỉnh trang và phát triển đô thị theo hướng giữ nguyên các quy hoạch xây dựng đô thị được phê duyệt lâu nay. Không tăng dân số, khôngxây thêm công trình ở các khu vực có nền đất yếu, đã và sẽ bị ngập nước do biến đổi khí hậu, khu vực nào nền đất cứng cao ráo thì có thể phát triển dân cư nén chứ không theo kiểu “chia đều” như hiện nay.

Một số chuyên gia khác lại cho rằng TPHCM cần sớm có cơ chế khuyến khích đầu tư công trình xanh trước áp lực phát triển đô thị nhanh để góp phần “giảm nhiệt”, bớt ngột ngạt trong những khu đô thị nén.

Theo bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Khang, nếu so với các thành phố khác có tỉ lệ mảng xanh bình quân đầu người khá cao như Singapore hơn 30 m2/người, Seoul 41 m2/người, Berlin (Đức) 50 m2/người … thì TPHCM quá ít ỏi, nội thành chỉ 2,4 m2/người.

Trước mắt, bà Mẫu đề xuất chính quyền thành phố đề ra một số cơ chế khuyến khích đầu tư công trình xanh như ưu đãi về tài chính, vốn vay, thuế, thủ tục hành chính, đơn giá thiết kế xây dựng xanh…

TPHCM có diện tích 2.100 km2 bao gồm 24 đơn vị quận, huyện và về cơ bản đô thị này có hạt nhân là khu vực lõi trung tâm 930 héc ta và vùng trung tâm là 170 km2 của các quận nội thành (cũ). Nhưng từ năm 2008, chính quyền thành phố nhận thấy đô thị phát triển đơn cực (đại đô thị) như thế là bất lợi nên đã quyết định chuyển sang phát triển đô thị đa cực - vùng đô thị.

Ý kiến của bạn

Bình luận