Hợp tác cùng phát triển
Khi nói về mối quan hệ giữa báo chí và DN, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng nhấn mạnh: “Mối quan hệ hợp tác giữa báo chí và DN có tầm quan trọng đặc biệt trong tiến trình sản xuất, kinh doanh của DN nói riêng và góp phần vào sự phát triển kinh tế đất nước nói chung. Báo chí là cầu nối giữa DN và Nhà nước; thông tin từ báo đài giúp Chính phủ và các cơ quan nhà nước lắng nghe ý kiến của DN, từ việc thực hiện chủ trương, chính sách để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành”.
Những năm qua, nền kinh tế của nước ta có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, đặc biệt là ngành GTVT đã có nhiều bước tiến mới. Từ đó, nhu cầu thông tin về chính sách, thị trường trở thành một nhu cầu cơ bản của các DN. Đặc biệt, báo chí trở thành cầu nối giúp các DN phản ánh tâm tư, nguyện vọng đến Chính phủ về các chính sách pháp luật, các rào cản trong thủ tục hành chính gây khó khăn cho DN. Ngoài ra, báo chí còn cung cấp những thông tin, đưa ra những dự đoán chuyên sâu nhằm giúp DN có cái nhìn tổng quát hơn về thị trường, việc làm để xây dựng chiến lược phát triển…
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cũng khẳng định rằng: “Cộng đồng DN sẽ không có được sự phát triển như ngày hôm nay nếu không có sự đồng hành của báo chí. Quan hệ giữa báo chí và DN là quan hệ máu thịt. Báo chí là đối tác, đồng hành với doanh nhân trong quá trình phát triển”.
Thực tế thời gian qua, báo chí đã lên án những việc làm sai trái của một số DN về việc lợi dụng kinh doanh đa cấp để lừa đảo hay gian lận để chế biến thực phẩm không an toàn; làm hàng giả, hàng nhái của DN khác dẫn đến vi phạm bản quyền; trốn thuế, trốn đóng bảo hiểm xã hội… Bên cạnh đó, qua các DN, báo chí đã chứng minh một số chính sách ban hành gây cản trở cho sự phát triển của DN, một số thủ tục hành chính làm ảnh hưởng đến DN…
Qua các phản ánh của báo chí, Chính phủ, các bộ, ngành nắm bắt được bức tranh toàn cảnh của các DN để đưa ra đề xuất, cải cách môi trường đầu tư kinh doanh. Chính vì vậy, mối quan hệ giữa cộng đồng DN và báo chí sẽ ngày càng mật thiết hơn. Báo chí luôn là người bạn đồng hành của cộng đồng DN, doanh nhân Việt Nam trên con đường phát triển và hội nhập.
Ông Lê Ngọc Nam - Giám đốc Công ty TNHH X.E Việt Nam cho rằng: “Trong bối cảnh hội nhập, các doanh nhân rất cần thông tin, do đó những thông tin trên báo chí, đặc biệt là thông tin về kinh tế rất quan trọng với giới doanh nhân. Chúng tôi thường xuyên theo sát những thông tin được đăng tải trên báo chí, báo chí có vai trò quan trọng đem lại cho DN nhiều thông tin giá trị. Giới doanh nhân cũng mong muốn những thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng cần cập nhật nhanh và sâu hơn”.
Ông Khúc Hữu Thanh Hải - Giám đốc Công ty Vận tải Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng cũng cho rằng: “Báo chí không chỉ có vai trò thông tin mà còn có chức năng giám sát, bảo vệ quyền lợi chính đáng của DN. Trong ngành GTVT, vai trò này lại càng rõ rệt bởi hiện nay do còn nhiều kẽ hở của chính sách pháp luật, tình trạng “xe dù, bến cóc” nở rộ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các DN vận tải làm ăn chân chính. Chính vì thế, để bảo vệ quyền lợi của DN, nhiều bài báo đã vạch trần các thủ đoạn tinh vi của các nhà xe chạy dù, chỉ mặt đặt tên các lực lượng chức năng có “liên quan” đến hoạt động này. Nhờ đó, tình trạng “xe dù, bến cóc” đã giảm, hạn chế các hoạt động vận tải trá hình, bảo vệ được các DN vận tải hành khách tuyến cố định”.
Từ góc độ báo chí, nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cũng nhận định, báo chí với DN từ trước đến nay và từ nay về sau vẫn là mối quan hệ hợp tác vì những mục đích chung, đó là phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“DN cần báo chí cung cấp những thông tin để nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng sức cạnh tranh, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm và mở rộng quan hệ hợp tác. Đó là những thông tin chính xác về hoạt động kinh doanh. Khi có những thông tin không chính xác thì DN mong muốn báo chí điều chỉnh, phản ánh đúng bản chất sự việc để bảo vệ uy tín cũng như thương hiệu DN”, ông Lợi nói.
Vì lợi ích chung của cộng đồng xã hội
Mối quan hệ của báo chí và DN là không thể tách rời, tuy nhiên có một thực tế đáng lo ngại, mối quan hệ này đang bắt đầu có những rạn nứt và cần phải có những biện pháp kịp thời để “giải cứu” mối nguy này.
Trước đây, các tờ báo rất đầu tư vào nội dung, thông tin trên báo chí khá trung thực và khách quan. Nhiều nhà báo nhiệt huyết khẳng định tên tuổi qua tác phẩm phóng sự điều tra, những bài bình luận sắc bén và những bản tin “nóng” trên trang nhất, là những cơ sở xác tín để người dân và cộng đồng doanh nhân tin cậy và tìm đọc mỗi ngày. Khi đó, công chúng tin vào bài báo và ngòi bút của các nhà báo, cũng như những người làm truyền thông cho DN tin rằng nếu được báo chí đăng tải thông tin thì sẽ có cơ hội củng cố niềm tin và sự thấu hiểu của khách hàng.
Tuy nhiên những năm gần đây, sự bùng nổ truyền thông với nền tảng công nghệ số đã kéo theo sự suy thoái về hoạt động thương mại của báo chí truyền thống. Thước đo thành công của một bài báo và tác giả phụ thuộc vào lượng người xem. Thực tế này khiến nhiều nhà báo phải lựa chọn những chủ đề câu khách, rẻ tiền, thậm chí cố tình gây scandal hay sai lệch thông tin, loại nội dung dễ dàng được cộng đồng dễ dãi chia sẻ trên mạng.
Nhưng nguy hiểm hơn cả là nhiều nhà báo cố tình truy vấn các sai sót của DN, đẩy vấn đề vượt quá phạm vi của nó hoặc chỉ đề cập đến vấn đề mà không đả động đến giải pháp khắc phục của DN, khiến công chúng hoang mang. Đó là chưa kể, sự xuất hiện những người làm báo nhưng không có nghiệp vụ, không có trình độ mà lại luôn kiếm cớ đe dọa DN, cá nhân để trục lợi. Tất cả những thực tế ấy khiến người dân nhiều thời điểm mất dần niềm tin vào báo chí.
Một DN trong lĩnh GTVT từng chia sẻ nỗi khổ khi được báo chí “quan tâm” quá đà. Đó là khi vào những dịp lễ, Tết, khi cả công ty đang gồng gánh các khoản thuế, các báo cáo tài chính và tăng cường chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách thì cũng là thời điểm hàng loạt các nhà báo tìm đến… mời quảng cáo. Điều đáng nói, nếu như không được chấp thuận, nhiều nhà báo tỏ ý không vừa lòng, thậm chí thẳng thắn đe dọa sẽ tìm hiểu về hoạt động kinh doanh của công ty. Có trường hợp chỉ đợi chờ công ty sơ suất điều gì đó trong kinh doanh, dù đã khắc phục hay giải trình thì luôn bị bêu rếu hình ảnh DN như một tội phạm nguy hiểm. Dù việc đó, đôi khi chỉ là một tai nạn hay việc đón, trả một hành khách chưa đúng nơi quy định…
Như vậy, để báo chí đồng hành cùng DN, làm bạn với DN không hề dễ dàng vì cần sự chia sẻ cả hai phía trên cơ sở tuân thủ pháp luật để làm việc một cách chân chính như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng chia sẻ: “Tôi mong rằng thời gian tới, báo chí và DN tiếp tục đồng hành, hợp tác, tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau vì lợi ích chung, vì thương hiệu DN, vì sản phẩm Việt, vì lợi ích của cộng đồng, vì sự phát triển của đất nước”
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.