Báo chí là “tai mắt” trên mặt trận bảo đảm trật tự ATGT

Tác giả: Hữu Minh

saosaosaosaosao
Xã hội 21/06/2018 09:45

Trong bất kỳ lĩnh vực nào của đời sống luôn có hơi thở của thông tin báo chí và GTVT cũng không nằm ngoài điều đó. Trong những năm qua, báo chí luôn đồng hành cùng lực lượng chức năng, xây dựng hình ảnh, phản biện và giám sát hoạt động, phát hiện và trợ giúp lực lượng chức năng xử lý vấn đề.

 

1

Những năm qua, Tạp chí GTVT luôn đồng hành cùng lực lượng CSGT, TTGT trong công tác bảo đảm TTATGT, phản ánh nhiều hoạt động của các lực lượng chức năng

Cuộc gọi lúc nửa đêm

Trong dịp Kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), tôi mong muốn được viết về những đồng chí CSGT, TTGT... đã và đang đồng hành cùng Tạp chí GTVT suốt chặng đường đã qua trong công tác đảm bảo TTATGT, giữ gìn an ninh, chính trị, xã hội.

Còn nhớ khi đó là thời điểm mùa đông lạnh giá, tôi nhận được cuộc gọi khẩn từ Phòng CSGT - Công an tỉnh Hải Dương “cầu viện” thông tin một tài xế “cố thủ” trên chiếc xe quá tải khiến công tác xử lý không thể thực hiện.

Tôi vẫn nhớ y nguyên cái đêm hôm đó Hà Nội rét như “cắt da cắt thịt”, cuộc gọi lúc nửa đêm làm tôi có chút bối rối. Nhưng vì công việc, tôi và một đồng nghiệp chẳng ngần ngại phóng một mạch xuống “điểm nóng” để tác nghiệp.

Đến nơi, chiếc xe quá tải khổng lồ nằm cạnh QL5 và chỉ còn một đồng chí Cảnh sát cơ động đang thực hiện nhiệm vụ canh gác bởi lái xe đã khóa cửa và bỏ đi… Tuy nhiên, để thực hiện cưỡng chế, lực lượng chức năng phải đảm bảo đúng quy trình, tránh xung đột, ảnh hưởng đến an ninh - chính trị. Đặc biệt, thời điểm đó nhiều lái xe vi phạm về quá tải hay tung các thông tin giả làm ảnh hưởng đến lực lượng CSGT khi tuần tra, kiểm soát và xử lý xe vi phạm.

Sau khi ghi nhận hiện trường và phỏng vấn công tác xử lý xe vi phạm, chúng tôi nhanh chóng phác thảo một bài viết chuyển về tòa soạn. Sáng ngày hôm sau, khi bài viết được đăng tải, các lực lượng chức năng đã phối hợp tiến hành “hạ tải” và đưa xe vi phạm về trụ sở để tiến hành xử lý vi phạm.

Tấm “gương phản chiếu”

2.

Lực lượng TTGT Hà Nội xử lý vi phạm sau phản ánh của Tạp chí GTVT

GTVT là một lĩnh vực đặc thù, khác biệt và sôi động hơn bất kỳ lĩnh vực nào. Cũng vì thế, những sai phạm trong lĩnh vực này cũng muôn hình vạn trạng… trong khi lực lượng CSGT, TTGT thì có hạn. Bởi vậy, báo chí sẽ là tấm “gương phản chiếu”, là “tai mắt” của lực lượng chức năng.

Tại một buổi họp báo mới đây, Đại tá Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục CSGT đã khẳng định điều này khi nói lời cảm ơn đến các cơ quan báo chí trong thời gian qua đã chia sẻ, đồng hành cùng lực lượng CSGT trong công tác tuyên truyền bảo đảm TTATGT, tháo gỡ, giải tỏa những thắc mắc của dư luận liên quan đến các quy định của pháp luật về TTATGT. PV các báo, đài đã sát cánh cùng lực lượng CSGT trong những vấn đề lớn như xử lý vi phạm quá tải trọng, vi phạm nồng độ cồn, vận động đội mũ bảo hiểm…, góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Đồng thời, Phó Cục trưởng Cục CSGT cũng nhấn mạnh, lực lượng CSGT luôn cần sự đồng hành của các nhà báo để ngăn ngừa các hành vi chống phá, bôi nhọ CSGT. “Báo chí sẽ là cầu nối để quần chúng nhân dân hiểu đúng và ủng hộ lực lượng CSGT trong quá trình thực thi nhiệm vụ, để những hy sinh và đóng góp của lực lượng CSGT trong công tác bảo đảm TTATGT, giữ bình yên cuộc sống không bị quên lãng”, Đại tá Đức chia sẻ.

Quả thật trong suốt những năm vừa qua, Tạp chí GTVT đã sản xuất hàng nghìn tin, bài có nội dung sâu sắc, chất lượng, góp phần truyền tải nhịp sống giao thông, pháp luật giao thông sâu rộng; đấu tranh, phản biện các quy định pháp luật chồng chéo ảnh hưởng đến việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng. Đặc biệt, nhiều bài phản ánh, điều tra sâu sắc về tình trạng lách luật, cạnh tranh không lành mạnh đã được đăng tải, qua đó bảo vệ quyền lợi chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp.

Trong đó, điển hình là loạt bài viết “Nở rộ xe dù hạng sang” tuyến Hà Nội đi các tỉnh của nhóm PV đã chỉ ra thủ đoạn “lách luật” của hàng loạt công ty vận tải hoạt động trên địa bàn TP. Hà Nội. Loạt bài đã chỉ ra góc khuất của sự phát triển loại hình xe Limousine kéo theo sự “chuyển dịch” hành khách từ các bến xe khách có luồng tuyến cố định sang hình thức “xe dù”. Thực trạng này đã đẩy hàng loạt doanh nghiệp vận tải tuyến cố định lâm vào tình cảnh bi đát, phải giải thể, cắt bớt luồng tuyến. Tất cả sự bộn bề này đã tạo nên bức tranh vận tải hành khách nói chung và giao thông nội đô Hà Nội nói riêng vốn đã u ám nay lại càng bế tắc hơn.

Sau khi các bài viết được xuất bản, các cơ quan chức năng đã nhanh chóng nắm bắt tình hình, chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý kịp thời. Ví dụ điển hình, việc “xe dù” của nhà xe Trường Sơn “chạy dù” chuyên tuyến sân bay Nội Bài - Nam Định sau khi được Tạp chí GTVT đăng tải, ngày 25/01/2018, Sở GTVT Hà Nội đã ra công văn số 542/SGTVT-QLVT yêu cầu Thanh tra Sở GTVT Hà Nội khẩn trương phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm.

Hay như việc các nhà xe Limousine Vân Anh, Đại Nam, Vĩnh Quang… “chạy dù” tuyến Hà Nội - Thanh Hóa sau khi bị phát giác, Tạp chí GTVT vào cuộc đã gây ra hiệu ứng lớn. Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đã nhanh chóng ra công văn số 1139/SGTVT-QLVT ngày 12/3/2018: “Yêu cầu Thanh tra Sở GTVT chỉ đạo Đội TTGT Thanh Xuân kiểm tra, xử lý vi phạm theo phản ánh của báo chí; xử lý dứt điểm và phối hợp với chính quyền địa phương duy trì không để tái diễn các địa điểm phát sinh hiện tượng “xe dù, bến cóc”; đồng thời yêu cầu đội trưởng các đội thanh tra GTVT chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở nếu còn để vi phạm kéo dài trên địa bàn mà không xử lý dứt điểm”.

Sau các chỉ đạo này, tình trạng “xe dù, bến cóc” tại khu vực Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, các khu đô thị, bến xe, các tuyến phố nội thành đã giảm rõ rệt. Một số địa điểm từng là điểm nóng “xe dù, bến cóc” được xử lý triệt để. Các cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu bảo kê, dung túng bị xử lý, kỷ luật.

Như vậy, báo chí luôn đồng hành, phối hợp, trở thành “tai mắt”, tấm “gương phản chiếu” của lực lượng chức năng. Như lời khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công an - Thượng tướng Tô Lâm trong một buổi gặp gỡ báo chí đã nói: “Báo chí có vai trò quan trọng trong đấu tranh đảm bảo an ninh trật tự và ổn định chính trị trong nước. Báo chí là cầu nối lực lượng Công an với người dân, là kênh để lực lượng Công an soi vào, qua đó thấy được những tồn tại của mình mà chỉnh sửa. Vì vậy, mỗi cán bộ Công an nhân dân cần nhận thức báo chí là người bạn gần gũi, cần phối hợp chặt chẽ trong công tác thông tin tuyên truyền và bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của PV trong tác nghiệp”

Ý kiến của bạn

Bình luận