Bao giờ uống rượu bia quay trở lại đúng giá trị văn hóa?!

Tác giả: Thùy Dương

saosaosaosaosao
Xã hội 24/06/2019 07:41

Lâu nay việc mời nhau theo kiểu ép buộc, uống đến mức say xỉn, không làm chủ được mình là những hành động rất đỗi bình thường trên các bàn nhậu. Điều này khiến văn hóa uống rượu bia của người Việt ngày càng lệch lạc, kéo theo nhiều hệ lụy.

 

Ruoubia_RZVR

Niềm vui hay nỗi ám ảnh

Trong văn hóa Việt Nam, từ xưa tới nay rượu bia là một thứ không thể thiếu trong mỗi cuộc vui và là một nét đẹp ẩm thực. Uống rượu và chúc rượu là một nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam. Trong quan niệm dân gian, chúng ta cũng thường biết đến câu nói “Vô tửu bất thành lễ”. Điều đó chứng tỏ rượu đã hằn sâu trong tâm linh, tín ngưỡng, văn hóa người Việt. Rượu dùng để dâng cúng thần linh vào những ngày lễ, Tết, rượu cũng được sử dụng trong những dịp hội làng, những ngày lễ tổ và cả trong sinh hoạt thường ngày. Chén rượu để kết bạn trăm năm, để tìm bạn tri kỷ…

Không thể phủ nhận tầm quan trọng của men rượu trong mỗi cuộc vui. Rượu bia giúp chúng ta phấn khích, góp phần làm cho bầu không khí thêm sôi động và giúp con người xích lại gần nhau hơn. Dần dà, rượu bia trở thành phương tiện giao tiếp xã hội hữu hiệu. Tuy nhiên, ngày nay văn hóa uống rượu bia trở nên xô bồ, kém văn minh và gây ra nhiều hệ lụy.

Thực tế hiện nay cho thấy, trong mỗi cuộc giao lưu ai cũng coi trọng việc uống, nhiều người còn lấy việc uống rượu bia để thể hiện đẳng cấp, phong độ. Nhiều nam giới tâm sự chuyện phải tiếp khách quá nhiều dẫn đến men gan cao, loét dạ dày, nhăn nhó khi nhắc đến rượu bia. Thế nhưng khi đi ăn thì họ vẫn chủ động uống nhiều như bất kỳ ai bởi lẽ nếu uống ít thì lập tức bị chê bai, dè bỉu hay sẽ bị cho là “coi thường người khác” nên không uống.

Thật ra, vấn đề này không có gì xa lạ với mỗi người đàn ông Việt Nam.Lúc không khỏe thì họ mong người khác cảm thông nhưng hôm nào uống được thì ngay lập tức “ý kiến” với những người uống ít hơn mình, hay cố ép người khác uống mặc kệ tình trạng sức khỏe, tửu lượng, sự an toàn khi tham gia giao thông sau buổi nhậu của họ.

Vì sợ bị coi là người không thật lòng, sợ bị cho là kém cỏi, vì sợ mất vui nên trên bàn nhậu ai cũng cố uống với nhau thật nhiều. Kỳ lạ thay, mỗi chén rượu, mỗi cốc bia nâng lên ai cũng chúc nhau vui vẻ, sức khỏe nhưng sau khi tàn cuộc thì chẳng mấy ai vui vẻ và khỏe mạnh ra về. Hầu hết ai trên bàn nhậu đều sợ phải uống nhiều, sợ hậu quả sau bữa nhậu, đôi khi đến hôm sau đi làm vẫn còn mệt mỏi, chia sẻ sự khổ sở vì uống nhiều với người khác thậm chí thề độc không bao giờ uống rượu bia nữa. Nhưng chỉ vài ngày sau đó, khi ngồi vào bàn nhậu thì đâu lại vào đấy. Mọi thứ như một cái guồng mà ai cũng tuân theo.

Từ một nét văn hóa truyền thống không thể thiếu trong mỗi cuộc vui, uống rượu bia đang trở thành nỗi ám ảnh của không ít đàn ông Việt Nam.

Thay đổi văn hóa “nhậu”

Văn hóa uống rượu bia có ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam. Ở nhiều nước phát triển, người dân cũng thường uống rượu bia trong những dịp gặp mặt, hội hè, lễ, Tết nhưng cách uống lại hoàn toàn khác nhau. Họ uống với tốc độ rất chậm, chủ yếu để cảm nhận hương vị và đặc tính của từng loại hoặc cùng nhau uống vài ly nhỏ để trò chuyện xã giao. Rượu bia chỉ là chất xúc tác để những buổi trò chuyện đó được vui vẻ, gần gũi hơn chứ không uống là phải say như ở Việt Nam.

Điển hình ở Đức, người dân ở đây quan niệm bia là loại đồ uống gần như thiết yếu, không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Họ uống bia ở khắp mọi nơi, trong những bữa tiệc, buổi gặp mặt bạn bè, sau giờ làm việc… Việc thưởng thức bia đối với họ là hết sức bình thường và không có sự ép buộc hay gượng ép. Thậm chí, việc thách thức hoặc ép nhau uống bia bị xem là hành động đáng khinh.

Nhìn nhận khách quan, bản chất rượu bia là không xấu, quan trọng là người uống biết điểm dừng và uống có trách nhiệm. Để sử dụng rượu bia là niềm vui chứ không phải nỗi sợ hãi, mỗi người khi uống hãy nhớ tới lúc mình không khỏe, lúc mình ra về để chia sẻ với người đối diện, bạn “nhậu” của mình. Nếu không muốn gây sức ép cho bản thân thì cũng đừng tạo sức ép cho người khác. Nếu mình không muốn khổ thì cũng đừng ép người khác phải khổ vì rượu bia.

Hơn hết, mỗi người phải có bản lĩnh từ chối rượu bia trên bàn nhậu. Điều này cực kỳ quan trọng, đừng để bản thân phải uống rượu bia vì người khác. Nếu bạn không muốn uống hãy giữ chính kiến của mình, dám nghĩ và dám làm những gì mình cho là đúng, phải biết nói không với rượu bia. Mỗi người nên tập trung làm tốt công việc của mình và hợp tác với nhau vì lợi ích chung hơn là lo nhậu nhẹt.

Và đến bao giờ, Việt Nam mới thay đổi được văn hóa uống rượu bia?!

Việt Nam được đánh giá là một trong những nước sử dụng bia nhiều nhất thế giới. Ở nước ngoài dùng bia ai có nhu cầu tự rót. Còn ở Việt Nam thì ép nhau uống, cụng ly là phải uống hết, một văn hóa kỳ lạ. Phải thay đổi văn hóa của người sử dụng, trước hết là từ truyền thông. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Ý kiến của bạn

Bình luận