Do ảnh hưởng bởi đợt không khí lạnh tăng cường từ phía Bắc, Đà Nẵng đã xảy ra mưa lớn khiến nhiều nơi chìm trong biển nước. Trong đợt này, rất nhiều ô tô đã bị nước lụt nhấn chìm, trong đó có cả những chiếc xe đắt tiền như Land Rover, Mercedes-Benz, BMW…
Ngay khi cứu những xế cưng của mình ra khỏi nguy hiểm, nhiều chủ xe mang đi sửa chữa ngay lập tức. Hình ảnh xếp hàng chờ đợi ở các gara cũng là tâm điểm của ngày hôm nay, khiến nhiều người thấy thương cho số phận của những chiếc xe này.
Cùng chúng tôi tìm hiểu hậu quả mà mưa ngập gây ra cho ô tô để phòng tránh và bảo hiểm sẽ giải quyết như thế nào để giảm thiệt hại cho chủ xe.
Hậu quả của ô tô chìm trong nước
Những chiếc xe ngập nước thường sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ các bộ phận trên xe. Đồng thời ngay lập tức giảm giá trị và bị người mua hắt hủi. Chưa kể đến chi phí đắt đỏ để khắc phục những thiệt hai này.
Khi nước ngập sâu qua hút gió, bộ phận chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chính là động cơ. Nếu khắc phục không triệt để, nhẹ nhất cũng phải dỡ máy, thay tay biên và nặng là lốc máy vị vỡ, nứt thì phải thay động cơ. Đáng chú ý chính là chi phí dành cho việc này không hề rẻ.
Việc xe ô tô ngập nước cùng dẫn đến hệ thống điện bị ảnh hưởng. Thông thường, khi bị ngập hệ thống điện thì buộc phải thay thế hết các dây dẫn lẫn bộ phận quan trọng để tránh những trường hợp đáng tiếc như chập cháy sau này. Tuy nhiên, biện pháp này cũng chưa thực sự triệt để.
Với nhiều dòng xe, đặc biệt là xe Nhật, hệ thống điều khiển túi khí đặt ngay dưới sàn. Nước lọt vào có thể làm hỏng hoạt động của bộ phận này. Túi khí sẽ không bung khi có va chạm, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Ngoài ra, hệ thống truyền động cũng bị ảnh hưởng, bị nước làm gỉ sét dẫn đến hoạt động thiếu ổn định. Cùng với đó toàn bộ nội thất như ghế xe, trần, các tấm ốp đều bị ướt, dẫn đến biến dạng và không sử dụng được.
Tùy từng trường hợp, mức độ nặng, nhẹ mà đánh giá thiệt hại. Nhưng nói chung, xe đã bị ngập nước, để nước tràn vào khoang hành khách thì thiệt hại nhẹ nhất cũng khoảng 30% giá trị, còn ngập nặng tới nắp capo như đã nói, thì coi như khó có thể cứu vãn.
Bảo hiểm xử lý như thế nào trong trường hợp này?
Theo quy định của Bộ luật Dân sự: “Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, bên mua bảo hiểm hoặc bên được bảo hiểm phải báo ngay cho bên bảo hiểm và phải thực hiện mọi biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại”.
Bảo hiểm xe ô tô ngập nước là điều khoản quyền lợi bổ sung khi tham gia bảo hiểm vật chất xe ô tô. Khi tham gia gói bảo hiểm vật chất ngoài những quyền lợi chính mà chủ xe được hưởng thì chủ xe có quyền tham gia lựa chọn các điều khoản, quyền lợi bổ sung để bảo vệ xe toàn diện nhất.
Điều khoản này sẽ giúp bảo hiểm xe ô tô trước những thiệt hại tổn thất của động cơ xe khi hoạt động trong các khu vực ngập nước. Trường hợp ô tô bị ngập nước thường được bảo hiểm xếp vào dạng bảo hiểm thủy kích. Tuy nhiên, loại bảo hiểm này lại phân biệt thành hai trường hợp: ngập nước và thủy kích.
Ngập nước là trường hợp xe bị hư hỏng khi bị ngập nước, có 2 trường hợp ngập nước khi xe đang đỗ trong bãi đỗ xe hoặc ở garage nhà. Hay ngập nước khi xe đang đỗ ngoài đường.
Thủy kích là trường hợp xe bị hư hỏng khi đi vào vùng ngập nước. Có 2 trường hợp gây ra thủy kích đó là khi xe đang nổ máy và chạy vào vùng ngập nước. Nước vào động cơ khiến đông cơ bị hư hỏng. Hay xe đang nổ máy và chạy vào vùng ngập nước, xe bị tắt máy nhưng tài xế cố tình khởi động xe dẫn đến nước vào động cơ gây hư hỏng.
Tùy vào từng công ty, bảo hiểm có thể đền bù cả trong trường hợp xe bị ngập nước lẫn thủy kích, hoặc chỉ đền bù xe bị thủy kích. Do vậy, khi mua bảo hiểm, chủ ô tô cần tìm hiểu kỹ bảo hiểm thủy kích cụ thể sẽ bảo hiểm trong những trường hợp như thế nào.
Theo Điều 14 Nghị định 103/2008/NĐ-CP, khi chưa xác định đầy đủ thiệt hại thì “DN bảo hiểm phải tạm ứng ngay những chi phí cần thiết và hợp lý trong phạm vi trách nhiệm bảo hiểm nhằm khắc phục hậu quả” và “Mức bồi thường thiệt hại về tài sản được xác định theo thiệt hại thực tế”.
Vì vậy, bên cạnh việc sửa chữa để giải quyết kịp thời các xế cưng của mình thì các tài xế cũng nên củng cố lại hồ sơ, báo cáo thiệt hại để bảo hiểm có thể xử lí 1 cách nhanh chóng nhằm giảm bớt 1 phần thiệt hại.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.