Hàng viện trợ đã bắt đầu đến Vanuatu, nơi cây cối và các đường dây điện bị kéo đổ và nhiều tòa nhà bị phá hủy.
San phẳng hoàn toàn
Những hình ảnh chụp thủ đô Port Vila từ trên không cho thấy những ngôi nhà bị san phẳng hoàn toàn.
Tình hình trên những hòn đảo gần tâm bão hơn vẫn chưa được biết.
Ít nhất tám người được xác nhận là đã chết nhưng con số thương vong được cho là sẽ tăng lên khi nhân viên cứu hộ tiếp cận được những khu vực xa xôi.
Phát biểu ở Nhật Bản khi đang tham dự một hội nghị của Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Vanuatu Baldwin Lonsdale mô tả cơn bão là ‘tàn phá’.
“Tôi gọi nó là một con quái vật – quái vật. Đó là một bước lùi đối với chính phủ cũng như người dân Vanuatu”, ông nói. “Sau tất cả mọi sự phát triển của đất nước, giờ đây sự phát triển này đã bị xóa sạch.”
Tình trạng biến đổi khí hậu là một phần nguyên nhân dẫn đến thảm họa này, theo ông tổng thống.
Cơn bão với sức gió 300km/h đã đánh vào những khu vực đông dân cư khi nó đổ bộ vào Vanuatu vào sớm thứ Bảy ngày 14/3.
Sau đó nó đã di chuyển xuống dọc theo bờ biển phía đông của New Zealand nhưng đã suy yếu nghiêm trọng.
Ở Port Vila, các tòa nhà bê tông đã chống chọi với bão tốt hơn nhưng các nguồn tin cho biết ba phần tư nhà cửa ở thành phố này đã bị phá hủy hay hư hại.
“Có những ngôi nhà bị phá sạch, tức là chỉ còn vài cột gỗ trụ được,” bà Chloe Morrison thuộc tổ chức từ thiện trẻ em World Vision, nói với BBC.
Nỗ lực cứu trợ
Phóng viên Jon Donnison của BBC, người vừa tới Port Vila, cho biết không có căn nhà nào không bị hư hại.
Các trụ sở chính quyền, cầu và bệnh viện chính cũng bị tàn phá.
Ngoài ra cũng có lo ngại về những hòn đảo nằm ở phía nam, trong số đó có đảo Tanna vốn nằm ngay trên đường đi của cơn bão.
Ông Paolo Malatu, điều phối viên của Văn phòng Xử lý Thảm họa Quốc gia, nói với hãng tin AP rằng các máy bay và trực thăng đã được điều đến khu vực này để đánh giá tình hình.
Các máy bay quân sự chuyển hàng tiếp tế từ Úc và New Zealand đã bắt đầu đến Vanuatu và một số nước khác đã cam kết giúp đỡ. Các chuyến bay thương mại đã được nối lại vào thứ Hai ngày 16/3.
Ông Leigh Foster ở lực lượng không quân New Zealand nói với BBC rằng họ đang phân phát những mặt hàng cần thiết.
“Chúng tôi đã chuyển đến một xe cẩu của người Úc , chúng tôi có các nhóm y tế sẽ lên máy bay ngay bây giờ để đưa các công dân New Zealand về nước và chúng tôi cũng đã gửi nhân viên và thiết bị của các cơ quan cứu trợ chính phủ khác,” ông nói.
Trong một thông cáo hôm Chủ nhật ngày 15/3, tổ chức Oxfam Úc nói đây có thể là ‘một trong những thảm họa kinh hoàng nhất từng xảy ra trên Thái Bình Dương’.
Pam cũng gây ra những thiệt hại nghiêm trọng trên các hòn đảo khác như Kiribati và quần đảo Solomon. Tuvalu đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau khi cơn bão gây ra lũ quét ở nước này.
Theo BBC
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.