Bão số 12 "đổ bộ" vào Tây Nguyên gây thiệt hại nặng nề

Tác giả: Phạm Trọng Nghị

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 05/11/2017 06:18

Bất ngờ chuyển hướng với sức gió mạnh cấp 6-7 giật cấp 10, đến cuối giờ chiều nay bão số 12 đã gây thiệt hại nặng nề đối với các tỉnh Tây Nguyên.

Tại tỉnh Kon Tum, ít nhất đã có một trường hợp bị tử vong do bị đất đá sạt lở vùi lấp. Theo thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum. Trường hợp tử vong là cháu bé gái Y Nga (10 tuổi), học sinh lớp 5, trú làng Bê Rê, xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei. Trong lúc bé Y Nga, đang đi chăn bò thì bất ngờ bị đất đá sạt lở vùi lấp gây tử vong.

Đến 16h chiều, mưa to gió lớn đã làm tốc mái 5 nhà dân một trụ sở UBND xã, một trường cấp 2 ở huyện Đăk Glei và Kon Rẫy. Ngoài ra, mưa lớn cũng gây thiệt hại đối với hệ thống giao thông trên đèo Lò Xo, đoạn qua huyện Đăk Glei, bị tê liệt hoàn toàn, do mưa lớn kéo dài khiến hai điểm ở khu vực đèo bị sạt lở nghiêm trọng tại Km1411+200 và Km1411+400.

Thiếu tá Đỗ Huy Hùng, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Kon Tum cho biết, “Lượng đất đá cũng như cây to trên núi đổ xuống mặt đường nhiều, điểm sạt lở rất nguy hiểm vì trước đó điểm này cũng đã bị sạt lở do mưa lớn”.

Bên cạnh đó, hiện mực nước ở tất các sông, Kon Plong (xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy) là 592,68m, cao hơn múc báo động cấp 1 là 0,18m. Sông Đăk Bla tại trạm Kon Plong mực nước đỉnh lũ có khả năng đạt mức 595,00m, cao hơn mức báo động cấp 3 là 0,50m Sông Pô Kô tại Đăk Mốt mực nước đỉnh lũ có khả năng đạt mức 518,50m, cao hơn mức báo động cấp I là 0,50m. Sông Đăk Tờ Kan tại Đăk Tô mực nước đỉnh lũ có khả năng đạt mức 577,50m, cao hơn mức báo động cấp I là 0,50m. Cần đề phòng và lũ quét và sạt lở cục bộ.

Tại Gia Lai, địa bàn huyện Mang Yang gió mạnh đã làm một số cây xanh tại thị trấn Kon Dơng, xã Đak Ji Răng… bị bật gốc hoặc gãy đổ. Bên cạnh đó, gió mạnh còn làm tốc mái trụ sở cũ UBND xã Đêr A, nhiều bản hiệu tại xã ĐakJrăng cũng bị gió quật ngã. Nhiều diện tích lúa nước vụ mùa đang chuẩn bị thu hoạch tại các xã phía Nam của huyện  Mang Yang cũng đã bị gió quật ngã đổ.

12
 

 

33
Nhiều cây xanh bị bật gốc đổ ra đường

Tại huyện Kông Chro, tính đến 13 giờ chiều 4/11 sơ bộ toàn huyện đã có 6 căn nhà bị gió mạnh làm đổ sập hoàn toàn tại các xã Đak Sông 4 căn, Đak Pling và Sơ Ró mỗi xã 1 căn. Bên cạnh đó, gió mạnh còn làm 37 căn nhà bị tốc mái tại các xã Đak Sông, Đak Pling, Sơ Ró, Chư Krey và Thị trấn Kông Chro, phòng học mầm non xã  Đak Sông cũng bị tốc mái, gió mạnh còn làm sập đổ 30 mét tường rào bằng bê tông trụ sở Phòng Tài chính-Kế hoạch và 6m tường rào trụ sở Phòng văn hóa-Thông tin huyện. Hiện tại cây cối và hoa màu ngã đổ hoặc ngập nước chưa thống kê được diện tích bị thiệt hại do bão số 12 gây ra.

Theo báo cáo nhanh của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Gia Lai, tính đến trưa ngày 4-11-2017, tại xã Đất Bằng, huyện Krông Pa có 7 nhà dân bị tốc mái; xã Đê Ar, huyện Mang Yang bị tốc mái trụ sở cũ. Nặng nhất là ở huyện Kông Chro với 9 căn nhà bị sập và khoảng 40 căn nhà bị tốc mái. Nhiều địa phương khác bị gãy đổ nhiều cây xanh…

Tại Đắk Lắk,  trên địa bàn tỉnh do tình trạng mưa lớn, gió giật mạnh tại kéo dài một số nơi như, huyện M'Drắk, tỉnh Đắk Lắk mưa lớn kéo dài khiến nhiều nơi ngập nặng, làm sập cầu, hư hại đường sá... Theo thống kê sơ bộ, có gần 250 hộ dân và nhiều thôn, buôn bị chia cắt. Quốc lộ 26 hướng di chuyển Nha Trang – Buôn Ma Thuột  bị ách tắc cục bộ, cản trở hoạt động giao thông của người dân.

22
 

 

55
Mực nước trên sông các tỉnh Tây Nguyên vẫn dâng cao ở mức báo động

Tại tỉnh Đắk Nông, do ảnh hưởng của cơn bão số 12, trên địa bàn tỉnh có mưa to, gió lớn làm tốc mái 20 ngôi nhà tại các xã Đắk Hòa (huyện Đắk Song), Quảng Phú (huyện Krông Nô) và khoảng 10 ha tiêu ở các xã Nâm N’đir, Đức Xuyên bị hư hại. Cây cối ở một số tuyến đường trên địa bàn các xã Quảng Sơn (Đắk Glong), Đức Xuyên (Krông Nô) bị đổ ngã.

Chiều 4/11, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng cho biết, Hồ thủy điện K’Nông 2 và 3 đang xả nước 200m3/s,  một cây cầu từ Đạ Tông đi xã Đạ Long (Đam Rông) bị cuốn trôi, nhiều nhà bị sập đổ, tốc mái… Đặc biệt, tại huyện Lạc Dương đã có 2 người chết nhưng chưa xác minh được nhân thân. Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết: “Trên địa bàn đã có 18 nhà đã bị tốc mái, thuộc địa xã Đạ Sar, Đạ Nhim và Đạ Chais. Chính quyền địa phương các xã đã triển khai di dời người sang nhà khác và che chắn đồ đạc trong nhà khỏi ướt nước mưa”. Tại thành phố Đà Lạt, 2 nhà dân bị cây thông cao hơn 30m, đường kính gốc hơn 50cm đổ ập xuống mái nhà gây hư hỏng nặng. Ngoài ra, tuyến đường Hoàng Văn Thụ, Trần Quốc Toản xuất hiện một số cây xanh cổ thụ bị đổ ngã, bật gốc; một số tuyến dây điện, cáp điện thoại và các tấm biển quảng cáo bị gió mạnh làm gãy, quật ngã nằm rải rác mặt đường nhựa.

Ý kiến của bạn

Bình luận