Bảo tồn và phát huy giá trị thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế

Tác giả: Nguyễn Sửu

saosaosaosaosao
Xã hội 13/06/2016 05:53

TP Huế vừa diễn ra buổi tọa đàm “ Định hướng Bảo tồn và phát huy giá trị thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế”

huế 2
 

 Trước đó, trong khuôn khổ Hội nghị toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á- Thái Bình Dương (Mowcap), thuộc UNESCO đã công nhận “ Thơ văn kiến trúc cung đình Huế” là Di sản tư liệu thế giới.

Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các học giả đã nhấn mạnh vai trò của việc bảo tồn các giá trị di sản, nội dung và vật mang thông tin tư liệu.

Theo TS. Phan Thanh Hải ( Trung tâm BTDT Cố đô Huế) cho rằng: “ Hệ thống thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế được tuyển chọn từ các trước tác của các vị hoàng đế, thân vương, quan lại triều Nguyễn được chạm khắc, khảm cẩm, tráng men đã tạo nên giá trị đặc sắc về mỹ thuật, văn hóa và lịch sử.”

Với 32 tham luận của các nhà khoa học, được chia làm 3 nhóm: thứ nhất là Tổng quan về Di sản ký ức và hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, hai là Giá trị nội dung, hình thức và nghệ thuật đặc sắc của hệ thống thơ văn kiến trúc cung đình Huế, và cuối cùng là Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.

Ông Hà Văn Huề (GĐ TTLT Quốc gia I) đề nghị phối hợp và kết nối các di sản của Huế vào một tổng thể logic để thuận lợi cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Theo ông Nguyễn Xuân Hùng (GĐ TTLT Quốc gia IV) cho rằng, sau một thời gian dài bị hư hại trong các thời kỳ chiến loạn, di sản mộc bản triều Nguyễn đã bị tổn thất nghiêm trọng vậy nên tìm kiếm một giải pháp tối ưu cho việc lưu trữ các tài liệu này trong điều kiện hiện nay.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Tuấn Cường ( Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm) đề cập đến vai trò của nhận thức về giá trị di sản tư liệu, trên phương diện hiện vật và ngữ văn. Quan điểm của ông là đề cao sự nghiên cứu, tìm hiểu về thi pháp, giữa thi và họa.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đóng góp ý kiến đề cao văn thơ triều Nguyễn như một hình hiến định về mặt xã hội, giáo huấn quốc dân thông qua các hình thức thi, họa được chạm khắc trên hệ thống kiến trúc cung đình Huế.

Nhà nghiên cứu Phan Thuận An khẳng định vai trò của việc nhận thức các giá trị di sản của Huế được thế giới công nhận. Và từ đó, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trong cộng đồng, thúc đẩy hơn nữa sự chung tay góp sức của người dân để bảo tồn di sản.

Thông qua tọa đàm, các nhà khoa học đã đồng thuận cao về giá trị và tính khẩn thiết trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản thơ văn kiến trúc cung đình Huế. Từ đó, định hướng và đưa ra các giải phát bảo tồn và phát huy các di sản một cách bền vững.

Ý kiến của bạn

Bình luận