Bất cập hoạt động du thuyền- Kỳ 3: Khách thượng lưu đặt cược mạng sống?

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 06/07/2022 09:10

Trang bị hiện đại, nhiều tiện nghi sang trọng phục vụ giới thượng lưu nhưng điều đó không có nghĩa mức độ rủi ro với những vị khách trên những chiếc du thuyền sang chảnh được loại trừ hết.


 

Hiện trường vụ chìm tàu du lịch trên vịnh Hạ Long ngày 11/2/2011 làm 12 người thiệt mạng

Hiện trường vụ chìm tàu du lịch trên vịnh Hạ Long ngày 11/2/2011 làm 12 người thiệt mạng

Những vụ mất tích bí ẩn trên du thuyền

Theo báo The Sun (vương quốc Anh), từ năm 2000 đến 2017, khoảng 200 người đã mất tích trên các con tàu du lịch vòng quanh thế giới. Con số được nhiều người đánh giá là quá lớn này đã châm ngòi cho những lo ngại về việc 200 du khách trên là nạn nhân của các vụ giết người, thay vì say xỉn hay bất cẩn ngã xuống biển như cảnh sát kết luận.

Trong khi đó, Tiến sĩ Ross Klein, tác giả cuốn Cruise Ship Blues: The Underside of the Cruise Ship Industry (Tạm dịch: Mặt tối của ngành công nghiệp du thuyền) cũng bày tỏ lo ngại về số hành khách bị mất tích trên biển ngày càng tăng. 

Nghiên cứu của Tiến sĩ Ross Klein cũng chỉ ra, trong số 200 trường hợp mất tích, phần lớn họ đều được cho là đã say rượu vào đêm cuối cùng trên tàu và trượt chân ngã xuống biển khi đang đi dạo trên boong.

Tối 29/05/2019 xảy ra một thảm họa khi chiếc du thuyền Hableany (Người cá) bị chìm trên sông Danube (đoạn chảy qua thủ đô Budapest, Hungary) khiến 7 người tử vong, 21 người mất tích. Thời điểm xảy ra tai nạn, trên du thuyền Hableany có 33 du khách Hàn Quốc và 2 thủy thủ người Hungary.

Thủ tướng Hungary khi đó là ông Viktor Orban đã phải thốt lên rằng: “Vụ tai nạn này khiến nhiều người bàng hoàng khi các hành khách trên du thuyền gặp nạn gần như không có cơ hội sống sót”.

Tại Việt Nam, cũng từng xảy ra không ít những vụ tai nạn liên quan đến tàu du lịch, nhà hàng nổi, ca nô – những “anh em họ hàng” với du thuyền.

Cách đây hơn 10 năm, khoảng 18h30 ngày 20/5/2011, buổi sinh nhật định mệnh của con trai một vị giám đốc doanh nghiệp tổ chức trên nhà hàng du thuyền Dìn Ký bỗng chốc biến thành đại tang khi 16 người phải bỏ mạng.

Thời điểm đó, con tàu 2 tầng với tên gọi “nhà hàng du thuyền Dìn Ký” của khu du lịch Dìn Ký, chi nhánh cầu Ngang (Bình Dương) chở theo hàng chục du khách ăn uống, di chuyển chậm trên sông Sài Gòn thì bất ngờ trời mưa to kèm gió lớn. Khi đang khởi hành về bến cách bờ chừng 100m tàu bất ngờ chao đảo, lật ngang khiến 16 người tử vong, 4 người may mắn bơi được vào bờ sống sót.

Nhà hàng du thuyền Dìn Ký chìm dưới sông Sài Gòn, 16 người phải bỏ mạng

Nhà hàng du thuyền Dìn Ký chìm dưới sông Sài Gòn, 16 người phải bỏ mạng

Trước đó, sáng 17/2/2011, tàu du lịch mang số hiệu QN5198 chìm trên vịnh Hạ Long khiến 27 người gặp nạn, trong đó 12 người tử vong (10 du khách nước ngoài và 2 du khách người Việt).

Mới đây nhất, khoảng 14h ngày 26/2/2022, ca nô Phương Đông 05 chở 39 người (gồm 36 khách du lịch đến từ Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, 1 lái ca nô, 2 phục vụ) từ đảo Cù Lao Chàm vào cảng Cửa Đại (Quảng Nam). Khi cách bờ khoảng 3 km, ca nô lật làm 17 người chết. Một số lái tàu giàu kinh nghiệm, nạn nhân thoát chết và lãnh đạo Hội An nhận định, số người chết cao do ca nô đóng kín theo tiêu chuẩn SB, thiếu chỗ thoát hiểm.

Vụ lật ca nô Phương Đông 05 khiến 17 người thiệt mạng

Vụ lật ca nô Phương Đông 05 khiến 17 người thiệt mạng

Thuỷ thủ phải luôn giám sát khi khách tiệc tùng

Tại Việt Nam, theo thông tin PV Tạp chí GTVT có được, hơn 1 năm trở lại đây mới chỉ có một trường hợp tai nạn (tại TP.HCM) được ghi nhận trên phương tiện được gọi là du thuyền. Đó là một vị khách say xỉn, khi du thuyền về bờ, khách bước lên rồi trượt chân ngã và cũng không ảnh hưởng đến tính mạng.

Ghi nhận của PV, trên một số du thuyền neo đậu tại bến Thảo Điền và  bến Novaland (quận 2, TP.HCM) đều có bố trí áo phao, phao bơi. Tuy nhiên, thực tế khi những vị khách thuộc giới thượng lưu tổ chức sinh nhật, ca hát, tiệc tùng thì chẳng mấy khi họ chịu mặc áo phao. Rủi ro càng cao nếu khách say xỉn hoặc có bất ngờ gặp yếu tố liên quan đến sức khoẻ, thời tiết...

Trước những vụ việc tai nạn liên quan đến tàu du lịch, ca nô, nhà hàng nổi... trong những năm vừa qua, hiện tại theo tìm hiểu của PV Tạp chí GTVT, các đơn vị cung ứng dịch vụ du thuyền đều rất quan tâm đến yếu tố đảm bảo an toàn cho khách.

Anh L.H (người đại diện của một công ty kinh doanh du thuyền trên sông Sài Gòn) cho biết, khi khách có nhu cầu thuê du thuyền, đơn vị sẽ cung cấp hợp đồng thuê, trong đó có những điều khoản ràng buộc chặt chẽ để vừa bảo vệ an toàn cho khách, vừa bảo vệ tài sản (du thuyền) cho đơn vị cung ứng dịch vụ.  

“Ngoài thuyền trưởng và máy trưởng, sẽ có từ 1 – 2 thuỷ thủ thường xuyên giám sát các hoạt động đi lại, vui chơi của khách. Những hành động nguy hiểm như leo trèo lên vòm, tựa lan can, đứng ngồi chụp hình ở những vị trí không an toàn đều bị nhắc nhở, khuyến cáo”, anh H. nói.

“Đặc biệt, khi khách có dấu hiệu say xỉn, mệt mỏi, việc di chuyển từ phía sau lên mũi du thuyền hoặc ngược lại sẽ đi bằng lối bên trong du thuyền chứ không theo lối hành lang hai bên”, anh H. cho biết thêm.

Trước lo ngại, ở một không gian riêng (trên sông, vịnh hoặc ngoài biển) nhiều vị khách có thể sẽ mang theo và sử dụng các loại chất kích thích trên du thuyền, anh H. khẳng định điều này nằm trong ràng buộc hợp đồng. “Khách có thể mang theo rượu (sẽ tính phí) nhưng những loại chất cấm đều không được mang lên du thuyền. Khi đó sẽ bị coi là phá vỡ hợp đồng và đơn vị sẽ từ chối phục vụ, quay về bến”, anh H. cung cấp thêm.

Chở quá số người, chạy sai luồng tuyến

Theo ghi nhận của PV Tạp chí GTVT, hiện nay các bến thuỷ nội địa tại TP.HCM có du thuyền neo đậu trên sông Sài Gòn, do chưa có quy hoạch tổng thể và cấp phép lâu dài nên các cá nhân, doanh nghiệp vẫn chưa dám đầu tư xây dựng cầu phao, bến neo đậu kiên cố, hiện đại. Các bến chỉ mang tính chất tạm bợ, hoạt động phục đưa rước khách nội bộ, chưa phát triển thành loại hình du lịch.

Đoàn khảo sát của ngành du lịch TP.HCM khảo sát một số tuyến sông để chuẩn bị ra mắt sản phẩm du lịch mới

Đoàn khảo sát của ngành du lịch TP.HCM khảo sát một số tuyến sông để chuẩn bị ra mắt sản phẩm du lịch mới "Du thuyền trên sông Sài Gòn"

Ông Nguyễn Văn Tam, Phó Giám đốc Cảng vụ đường thuỷ nội địa (Sở GTVT TP.HCM) cho biết, trên cơ sở cấp phép của Sở GTVT về vùng nước hoạt động, hiện nay các du thuyền hoạt động theo tuyến thông thường, chủ yếu trên sông Sài Gòn, Đồng Nai, Soài Rạp...

“Khi du thuyền ra, vào bến, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, giấy chứng nhận đăng kiểm, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, phao cứu sinh…, nếu đầy đủ thì Cảng vụ mới cấp phép cho phương tiện xuất bến”, ông Tam nói và thông tin, vừa qua lực lượng liên ngành đã kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính bến du thuyền Bình Khánh – Thế kỷ 21 khi tự ý cho phương tiện vào đón, trả hành khách mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, mức phạt là 8 triệu đồng.

Một cán bộ chiến sĩ Phòng CSGT đường thuỷ (Công an TP.HCM) chia sẻ, hàng năm đơn vị cũng thường xuyên phối hợp với Ban ATGT thành phố, Thanh tra giao thông, Cảng vụ đường thuỷ nội địa, Phòng Quản lý đường thuỷ… tiến hành kiểm tra điều kiện hoạt động của các du thuyền như: đăng ký, đăng kiểm, bằng cấp chứng chỉ, an toàn giao thông…

“Trong quá trình kiểm tra, loại hình du thuyền chủ yếu mắc các lỗi chở quá số người quy định, chạy sai luồng tuyến, lắp đặt bình chữa cháy, trang bị áo phao không đúng nơi quy định…”, chiến sĩ Phòng CSGT đường thuỷ (Công an TP.HCM) thông tin.

TP.HCM khảo sát mở tour du thuyền hạng sang trên sông Sài Gòn

Chiều tối 29/4, đoàn khảo sát của ngành du lịch TP.HCM đã khảo sát một số tuyến sông để chuẩn bị ra mắt sản phẩm du lịch mới. Theo kế hoạch, sẽ có nhiều công ty du thuyền tham gia khai thác sản phẩm "Du thuyền trên sông Sài Gòn" với công suất khoảng 10 - 25 người/chuyến. Dự kiến tour sẽ xuất phát tại bến du thuyền Khu biệt Thự Lan Anh (số 2, đường số 45, phường Bình An, TP.Thủ Đức). Chi phí du thuyền 5 - 10 triệu đồng/khách trong 3 giờ (chưa bao gồm các dịch vụ khác).

 Kỳ 4: Các nước quản lý thế nào?

Ý kiến của bạn

Bình luận