Bất cập quy định mới về phí sát hạch lái xe: Bài 2 - Đặt hàng hay đấu thầu đều khó

Xã hội 14/12/2023 08:13

Theo tìm hiểu của PV Tạp chí GTVT, trước và sau khi quy định mới về quản lý, sử dụng phí sát hạch lái xe (SHLX) có hiệu lực, một số địa phương đã đề nghị Sở Tài chính, Bộ Tài chính hướng dẫn, song đến nay vẫn chưa thể triển khai.

Bất cập quy định mới về phí sát hạch lái xe: Bài 2 - Đặt hàng hay đấu thầu đều khó- Ảnh 1.

Sân sát hạch lái xe trên địa bàn TP. Hà Nội cũng nằm trong tình trạng "sân đợi xe"

Lo ''lợi bất cập hại'' nếu chuyển sang đấu thầu

Như đã đề cập trong bài trước, theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 37/2023 của Bộ Tài chính (quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí SHLX; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ được hoạt động trên các loại phương tiện và lệ phí đăng kiểm, cấp biển xe máy chuyên dùng; có hiệu lực từ 1/8/2023), không còn quy định tỷ lệ kinh phí chi trả cho việc thuê trung tâm SHLX để tổ chức thi sát hạch cấp GPLX như trước. Do đó, các Sở GTVT (tổ chức thu phí) phải tự tính toán mức chi phí chi trả cho việc thuê trung tâm SHLX. Điều này gián tiếp dẫn đến việc các Sở GTVT địa phương phải tìm phương thức phù hợp để xác định chi phí thuê trung tâm SHLX (sân bãi, phòng thi, xe thi…), mà chỉ có thể bằng cách đặt hàng hoặc đấu thầu. Thế nhưng phương thức nào cũng gặp khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, đại diện Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng cho biết, để xác định mức chi trả thuê trung tâm SHLX, phải áp dụng phương thức đặt hàng hoặc đấu thầu. Tuy nhiên, để đặt hàng, phải áp dụng theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ – CP của Chính phủ (quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước chi thường xuyên), nhưng trong danh mục dịch vụ công hoặc dịch vụ sự nghiệp công ích tại nghị định lại không có mục "công tác tổ chức SHLX".

Còn thực hiện theo phương thức đấu thầu, Sở GTVT Lâm Đồng nêu bất cập thực tế của địa phương: "Tại địa phương có 3 trung tâm SHLX nằm ở 3 địa bàn khác nhau. Nếu đấu thầu để lựa chọn một trung tâm SHLX có giá dịch vụ thấp nhất sẽ dẫn đến việc người dân phải di chuyển xa, tốn kém thời gian và chi phí đi lại để thi SHLX. Chẳng hạn người học ở TP. Đà Lạt phải xuống trung tâm SHLX TP. Bảo Lộc hoặc ngược lại và có thể chi phí người dân phải bỏ ra cao hơn phần chênh lệch giá giữa các nhà thầu". Từ những vướng mắc trên, tháng 10/2023, Sở GTVT Lâm Đồng có văn bản đề nghị Sở Tài chính địa phương xem xét, hướng dẫn thực hiện việc thuê cơ sở vật chất để tổ chức SHLX và hiện đang chờ hướng dẫn để thực hiện.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí GTVT, cán bộ một số Sở GTVT địa phương khác cũng cho rằng, chỉ còn cách tổ chức đấu thầu để lựa chọn trung tâm SHLX. Tuy vậy, lại có chung băn khoăn, lo "lợi bất cập hại" là đấu thầu sẽ dẫn đến tình trạng đơn vị ở vùng sâu, xa sẽ bỏ giá thầu thấp hơn và người dân phải từ nơi này sang nơi khác, có khi từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh để thi SHLX. Mặt khác, khi triển khai đấu thầu cũng đặt ra những vấn đề cần như: có được hạn chế trung tâm SHLX ở địa phương khác tham gia đấu thầu không; thời hạn đấu thầu có thống nhất giữa các địa phương trên toàn quốc hay mỗi nơi một kiểu? Việc tập trung thi SHLX tại một cơ sở có gây ra quá tải, ảnh hưởng đến việc ôn luyện thực hành lái xe của học viên trước khi thi?

Bất cập quy định mới về phí sát hạch lái xe: Bài 2 - Đặt hàng hay đấu thầu đều khó- Ảnh 2.

Tại nhiều địa phương vẫn đang vận dụng quy định trước đây để tránh phải dừng tổ chức hoạt động sát hạch cấp GPLX ô tô, mô tô

Được hướng dẫn vẫn thấy… khó

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí GTVT, không chỉ Sở GTVT Lâm Đồng phải chờ Sở Tài chính địa phương hướng dẫn để triển khai, mà trước khi Thông tư số 37/2023 có hiệu lực, một số Sở Tài chính, Sở GTVT địa phương khác cũng đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn. Dẫn chứng, Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi có văn bản gửi ngày 19/7/2023, còn Sở Tài chính có văn bản ngày 20/7/2023 cùng gửi Bộ Tài chính đề nghị hướng dẫn về quản lý và sử dụng phí SHLX.

Trong đó, nội dung văn bản của Sở GTVT Quảng Ngãi cho biết, Sở có Trung tâm đào tạo và SHLX loại 2 (đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc) hoạt động theo chế độ tự chủ tài chính, đang được tỉnh cho chủ trương nâng cấp thành trung tâm sát hạch loại 1, với phương án đầu tư dùng vốn của trung tâm và vay ngân hàng. "Sở GTVT là cơ quan thu phí, được sử dụng bao nhiêu phần trăm trong khoản thu phí sát hạch được trích để lại (trong tổng số 75% được trích lại) để chuyển trả cho trung tâm đào tạo và SHLX. Và tỷ lệ phần trăm được để lại tại cơ quan thu phí để trang trải chi phí phục vụ công tác thu phí theo quy định? Hay cơ quan thu phí tự cân đối mức chi trả cho bên cung cấp dịch vụ SHLX trong khoản 75% số phí sát hạch thực thu được trích để lại", nội dung Sở GTVT đề nghị hướng dẫn.

Ngày 4/8/2023, Bộ Tài chính (Vụ Chính sách thuế) có văn bản hồi đáp. Tuy nhiên, trong trong văn bản phúc đáp của Bộ Tài chính (Vụ Chính sách thuế) trả lời hai địa phương trên, chủ yếu trích dẫn một số quy định của nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phí và lệ phí, Điều 5 Thông tư số 37/2023 của Bộ Tài chính. Hướng dẫn cũng không bóc tách phần chi phí trả việc thuê cho trung tâm sát hạch, Sở GTVT địa phương có được tự cân đối mức chi trả hay không, phần để phục vụ công tác thu phí. Tóm lại, hướng dẫn là các khoản chi nói trên đều nằm trong tổng số 75% số tiền thu phí được trích để lại, theo đúng… Điều 5 của Thông tư số 37/2023. Vì thế, dù đã được Bộ Tài chính hướng dẫn, đến nay hai địa phương trên vẫn chưa tìm được lời giải trong việc thực hiện quản lý và sử dụng phí SHLX theo quy định mới, chưa tách được phần kinh phí chi trả cho việc thuê trung tâm SHLX.

Liên quan vấn đề trên, có ý kiến muốn làm rõ hơn là tính chất của phần kinh phí được trích lại (từ phí thu được) để trang trải cho hoạt động cung cấp dịch vụ sát hạch, thu phí. Chẳng hạn, tháng 8/2023, một kế toán của Sở GTVT Quảng Ninh gửi câu hỏi đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung như: việc kinh phí được trích từ thu phí sát hạch (để trang trải cho dịch vụ, thu phí) có phải ngân sách nhà nước không, có thuộc phạm vi điều chỉnh theo Điều 1 của Luật đấu thầu không? Tuy nhiên, câu trả lời nhận được (ngày 28/8/2023) của Bộ Tài chính là: đề nghị hỏi ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư về phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu để thực hiện theo đúng quy định.

Về phía đơn vị cung cấp dịch vụ SHLX, Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp đang đầu tư, vận hành một trung tâm SHLX tại tỉnh Khánh Hòa chia sẻ, tìm hiểu từ một số Sở GTVT cho thấy, chưa có hướng dẫn tiêu chí để tham gia đấu thầu. "Ở các địa phương thường có các trung tâm SHLX loại 1, 2, 3. Nếu đấu thầu để chọn trung tâm đạt tiêu chí cao nhất là loại 1, vô hình trung ở một số địa phương các trung tâm đạt tiêu chuẩn ở mức thấp hơn sẽ bị loại, không được tham gia dịch vụ SHLX. Ngoài ra nếu chúng thầu thì một trung tâm không thể đáp ứng năng lực để giải tỏa hết được số lượng học hiện tham gia kỳ thi sát hạch trong một thời điểm được", vị này lo ngại.

Một cán bộ của Cục Đường bộ VN xác nhận, hiện nhiều địa phương do gặp khó khăn nên chưa thực hiện quản lý và sử dụng phí SHLX theo quy định tại Thông tư số 37/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính. "Cục Đường bộ VN cũng chưa biết hướng dẫn các địa phương theo hướng nào. Nếu bảo không đấu thầu thì không được, còn bảo đấu thầu thì cũng vướng mắc", vị này nói và cho rằng, cần có sự hướng dẫn rõ ràng, cụ thể từ Bộ Tài chính để tháo gỡ vướng mắc, thống nhất thực hiện trên toàn quốc theo quy định mới.