Bài 1: Nhiều địa phương lúng túng, chậm áp dụng
Đã hơn 4 tháng kể từ khi Thông tư số 37/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính về quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe có hiệu lực (từ 1/8/2023) nhưng theo tìm hiểu của Tạp chí GTVT vẫn chưa có địa phương nào thực hiện theo quy định mới.
Tại Trung tâm sát hạch lái xe Việt Úc (thuộc Trường Trung cấp nghề giao thông và xây dựng Việt Úc, tỉnh Hà Nam), hàng trăm xe sát hạch, xe tập lái phải tạm dừng hoạt động (Ảnh chụp ngày 28/11/2023)
Tạm dừng sát hạch vì... quy định mới
Ngày 7/6/2023, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 37/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ được hoạt động trên các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng (thay thế Thông tư số 188/2016/TT-BTC) và có hiệu lực từ ngày 1/8/2023. So với quy định trước đó, hai điểm mới nổi bật của Thông tư số 37/2023 là tăng phí sát hạch lái xe ô tô, mô tô và thay đổi quy định về quản lý, sử dụng phí sát hạch.
Về quản lý, sử dụng phí sát hạch, Thông tư số 37/2023 không còn quy định tỷ lệ kinh phí (được trích từ số tiền phí sát hạch thu được) để trang trải chi phí cung cấp dịch vụ (dễ hiểu là chi phí thuê trung tâm sát hạch), thu phí.
Chủ thể thực hiện quy định này chủ yếu Sở GTVT các địa phương (tổ chức thu, quản lý và sử dụng phí sát hạch), song theo tìm hiểu của PV Tạp chí GTVT, đến nay hầu như chưa có Sở GTVT nào áp dụng. Đáng nói, vừa qua có địa phương phải tạm dừng tổ chức sát hạch lái xe để chuyển sang thực hiện theo quy định mới, song cũng chưa thực hiện được.
Cụ thể, theo ghi nhận của PV Tạp chí GTVT vào cuối tháng 11/2023 tại Trung tâm sát hạch lái xe Việt Úc (thuộc Trường Trung cấp nghề giao thông và xây dựng Việt Úc, tỉnh Hà Nam), đây là trung tâm sát hạch lái xe duy nhất tại tỉnh Hà Nam đủ điều kiện để tổ chức thi sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) ô tô, mô tô. Thế nhưng, từ tháng 8 đến tháng 11/2023, tại đây không diễn ra kỳ sát hạch nào, gây khó khăn cho cả người học lái xe và cơ sở đào tạo, sát hạch.
Một số học viên tại cơ sở đào tạo trên trước đó phản ánh với Tạp chí GTVT về việc bị chậm trễ bố trí lịch thi sát hạch, nên khá bức xúc. "Tôi học xong chương trình đào tạo lái xe ô tô hạng B2 ở đây đã vài tháng, nhưng mãi không thấy thông báo lịch thi. Đến hỏi thì trường chỉ thông báo phải chờ Sở GTVT tổ chức, còn không nói chờ đến khi nào hay lý do phải chờ", anh Chiến, một học viên kể.
Ông Trần Văn Hưng, Giám đốc trung tâm sát hạch lái xe Việt Úc xác nhận, do Sở GTVT Hà Nam thông báo tạm dừng tổ chức sát hạch từ tháng 8/2023 nên có khoảng 500 học viên đã học xong nhưng chưa có lịch sát hạch. "Nhà trường có văn bản hỏi Sở GTVT về lý do tạm dừng tổ chức sát hạch, nhưng không nhận được văn bản trả lời, còn thông tin ngoài lề thì nói vì từ 1/8/2023 có quy định mới liên quan đến phí sát hạch. Từ đó dẫn đến việc phải chuyển từ chỉ định trung tâm sát hạch sang đấu thầu chọn trung tâm sát hạch. Khi nào chọn xong mới có thể tổ chức thi và có thể phải đến đầu năm 2024 mới tổ chức tiếp", ông Hưng kể và cho biết thêm việc tạm dừng trên cũng khiến nhiều học viên bức xúc với trường.
Theo thông tin của PV Tạp chí GTVT, thời điểm trên tại Hà Nam có khoảng hơn 4.000 học viên chờ lịch thi sát hạch lấy GPLX ô tô, mô tô. Xin nói thêm, để xác minh các thông tin trên, ngày 29/11/2023, PV Tạp chí GTVT trực tiếp đến Sở GTVT Hà Nam liên hệ, để lại câu hỏi phỏng vấn, song đến nay chưa nhận được thông tin phản hồi.
Sau đó, đầu tháng 12/2023, theo thông báo của Sở GTVT Hà Nam, trong tháng 12/2023 địa phương này tiếp tục tổ chức 8 đợt thi sát hạch cấp GPLX ô tô, mô tô. Tuy nhiên, theo một cán bộ của Sở GTVT Hà Nam, sau các đợt thi trong tháng 12/2023, địa phương này tiếp tục tạm dừng tổ chức thi sát hạch. "Do nhiều người học lái xe bức xúc vì chờ đợi thi lấy GPLX nên Sở GTVT đành vận dụng quy định cũ để tổ chức thi sát hạch. Hết tháng 12/2023, lại tạm dừng tổ chức, để chuyển hình thức chỉ định đơn vị tổ chức sát hạch sang đấu thầu lựa chọn đơn vị sát hạch. Việc chuyển đổi như trên để thực hiện theo quy định mới về quản lý, sử dụng phí sát hạch", vị này cho hay.
Để áp dụng đúng phải đấu thầu, đặt hàng trung tâm sát hạch
Trường hợp trên là điển hình về khó khăn, vướng mắc mà nhiều Sở GTVT đang gặp phải khi triển khai quy định mới về quản lý, sử dụng phí sát hạch lái xe. Còn khảo sát tại một số địa phương như Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Lâm Đồng…, cho thấy, đến nay các địa phương này vẫn vận dụng một phần quy định tại Thông tư số 188/2016 (được thay thế bởi Thông tư số 37/2023) để duy trì hoạt động thi sát hạch, cấp GPLX. Cụ thể là các Sở GTVT tiếp tục áp dụng chỉ định thầu đơn vị cung cấp cơ sở vật chất phục vụ sát hạch, còn áp dụng theo quy định mới sẽ phải chuyển sang phương thức khác như đấu thầu hoặc đặt hàng.
Vì sao như vậy? Theo một số cán bộ Sở GTVT, không ít người thấy bất ngờ bởi Thông tư số 37/2023 không hề có quy định nào đề cập đến việc tổ chức thi sát hạch lái xe theo phương thức chỉ định thầu, đấu thầu hay đặt hàng cơ sở vật chất phục vụ sát hạch. Tuy nhiên, xuất phát từ quy định mới về quản lý, sử dụng phí sát hạch sẽ dẫn đến việc phải đối chiếu, áp dụng theo các quy định của Luật Phí và lệ phí, Luật Ngân sách, Luật Đấu thầu… để thực hiện.
"Thông tư trước đây hướng dẫn cụ thể tỷ lệ tối đa kinh phí (được trích để lại từ số tiền phí sát hạch thu được) để sử dụng cho các khoản: trang trải chi phí cung cấp dịch vụ, thu phí; thuê cơ sở vật chất của trung tâm sát hạch; nộp ngân sách nhà nước. Trong đó, chi thuê cơ sở vật chất của trung tâm sát hạch ứng các mỗi loại hình theo vốn đầu (nhà nước đầu tư, nhà nước đầu tư một phần, không do ngân sách nhà nước đầu tư…), với mức tối đa không quá 80% tổng số tiền phí thực thu. Do đó, Sở GTVT thuận lợi trong việc xác định mức chi thuê cơ sở vật chất và hầu hết áp dụng phương thức chỉ định thầu.
Còn quy định mới tại Điều 5 Thông tư số 37/2023, gộp lại là được trích để lại tối đa 75% số tiền phí thu được "để trang trải chi phí dịch vụ, thu phí", nộp 25% còn lại vào ngân sách nhà nước. Riêng trường hợp được tổ chức sát hạch tại bãi sát hạch cũ, 40% tiền phí được dành cho chi phí, còn 60% nộp ngân sách nhà nước.
Quy định mới không còn xác định tỷ lệ kinh phí để thuê cơ sở vật chất của trung tâm sát hạch, dẫn đến việc các Sở GTVT phải tự xác định; mà muốn xác định chỉ có thể bằng phương pháp đấu thầu hoặc đặt hàng cung cấp dịch vụ. Trong khi đó, để áp dụng phương pháp đấu thầu hay đặt hàng cũng sẽ đều gặp khó khăn, vướng mắc", một số cán bộ Sở GTVT lý giải việc nhiều địa phương chậm trễ áp dụng quy định mới về quản lý, sử dụng phí sát hạch lái xe.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.