Sau hơn 4 tháng Thông tư 37/2023 của Bộ Tài chính có hiệu lực, nhưng thực tế nhiều địa phương trên cả nước vẫn lúng túng trong việc triển khai quy định mới về quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe
Những bất cập từ thực tế… đấu thầu
Theo khảo sát của PV Tạp chí GTVT, đến nay, sau hơn 4 tháng quy định mới về quản lý và sử dụng phí SHLX có hiệu lực (Điều 5 Thông tư số 37/2023 của Bộ Tài chính quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí SHLX; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ được hoạt động trên các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng, có hiệu lực từ ngày 1/8/2023), hầu hết các địa phương trên toàn quốc vẫn chưa áp dụng quy định mới.
Lý do, khi áp dụng theo quy định mới này dẫn đến việc Sở GTVT địa phương phải tổ chức đấu thầu lựa chọn thuê trung tâm SHLX có giá bỏ thầu thấp nhất (mới có thể xác định được kinh phí chi trả cho trung tâm SHLX). Trong khi, lo ngại đấu thầu gây khó khăn cho người dân do phải đi xa để dự thi sát hạch, trường hợp ở địa phương có một số trung tâm SHLX mà chỉ lựa chọn một trung tâm cung cấp dịch vụ cũng sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực đã đầu tư.
Trước những băn khoăn của Sở GTVT, các cơ sở SHLX, PV Tạp chí GTVT khá bất ngờ biết tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức đấu thầu để lựa chọn trung tâm SHLX từ cách đây hơn 4 năm (năm 2018), tức là một thời gian khá dài trước khi Thông tư số 37/2023 của Bộ Tài chính được ban hành. Với mong muốn có thông tin chính thức, cuối tháng 11/2023, PV Tạp chí GTVT đã liên hệ, để lại câu hỏi đề nghị Sở GTVT tỉnh Thái Nguyên chia sẻ kinh nghiệm, cũng như những thuận lợi, bất cập khi thực hiện đấu thầu. Tuy vậy, đến nay Sở GTVT tỉnh Thái Nguyên chưa phản hồi.
Dù vậy, theo chia sẻ của một số trung tâm SHLX tại Thái Nguyên, việc đấu thầu được tổ chức với thời hạn mỗi năm một lần, song thực chất là các trung tâm SHLX trên địa bàn phải lập liên danh để dự thầu. Sau đó, các kỳ sát hạch cấp GPLX ô tô, mô tô vẫn được phân bổ để tổ chức tại các cơ sở sát hạch như trước đó.
"Tỉnh Thái Nguyên triển khai đấu thầu sát hạch từ năm 2018, lý do là theo Luật Đấu thầu dịch vụ sử dụng ngân sách nhà nước từ 100 triệu đồng trở lên phải tổ chức đấu thầu. Từ khi đấu thầu không thấy thuận lợi cho trung tâm sát hạch, mà chỉ thấy khó khăn.
Đó là ngân sách dành để tính gói thầu được tính bằng cách ước lượng, lấy số người thi năm trước để tính ra số phí thu được. Thế nhưng các trung tâm không thể biết trước được năm nay sẽ có bao nhiêu người thi, mà số phí thu được còn phụ thuộc vào tỷ lệ thi đỗ, trượt. Nếu tổng số người thi vượt quá dự tính của trung tâm thì trung tâm bị thiệt thòi, còn ít hơn và sử dụng kinh phí còn thừa lại bị cơ quan quản lý nhà nước nhắc nhở", vị này chia sẻ thêm.
Nên nghiên cứu lại quy định
Trao đổi với PV Tạp chí GTVT, ông Tống Ngọc Đông, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Phương tiện và người lái, Sở GTVT Bắc Ninh cho biết, sở dĩ các địa phương lúng túng, gặp khó khăn trong việc triển khai quy định về quản lý và sử dụng phí SHLX do liên quan đến việc thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách. Đối chiếu với Luật Ngân sách, nếu sử dụng ngân sách nhà nước với mức tiền từ 100 triệu đồng trở lên để thuê dịch vụ trung tâm SHLX thì phải tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà thầu.
"Tuy nhiên, phát sinh câu chuyện là mỗi tỉnh thường có khoảng 5 -7 trung tâm sát hạch, các trung tâm này trước đây đều được thành lập theo chủ trương xã hội hóa đầu tư, đều đầu tư hết xe tập, sân tập, sân sát hạch của từng cơ sở để nâng cao chất lượng đào tạo. Đây cũng là một trong nội dung quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
Nếu lựa chọn đơn vị tổ chức SHLX thông qua đấu thầu, mà chỉ có một đơn vị trúng thầu dẫn đến học viên phải di chuyển xa và điều kiện ôn luyện không được tốt bằng việc người học được ôn luyện ngay tại đơn vị mà người học đã học. Người học phải di chuyển xa để thi sát hạch sẽ gây ra tốn kém, chi phí đi lại, còn các cơ sở sát hạch đã được đầu tư trang thiết bị đạt chuẩn nhưng không sử dụng đến cũng gây lãng phí", ông Đông phân tích.
"Theo tôi, Cục Đường bộ VN nên tham mưu Bộ GTVT để phối hợp với Bộ Tài chính để xem xét lại quy định trên. Trong đó, có thể xem xét, đề xuất nghiên cứu, xác định lại phương thức thu, tách thành các khoản thu như đối với dịch vụ công để không phải thực hiện đấu thầu trung tâm sát hạch nữa. Chẳng hạn như, tách phí SHLX ra thành lệ phí và giá dịch vụ (có tính chất gần như dịch vụ công), khi đó cơ quan nhà nước chỉ thu lệ phí, còn tiền thuê phương tiện, thiết bị, cơ sở vật chất sát hạch thì người thi trả cho trung tâm SHLX. Như vậy, cũng đúng với bản chất cơ quan nhà nước chỉ thuê cơ sở vật chất để phục vụ sát hạch", ông Đông đề xuất.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc tổ chức đấu thầu để lựa chọn trung tâm SHLX là không cần thiết. "Mục đích của việc đấu thầu là để người có nhu cầu sử sụng dịch vụ được lựa chọn được dịch vụ tốt nhất, đáp ứng được nhu cầu của nhiều người và với chi phí hợp lý nhất. Đối chiếu với lĩnh vực SHLX thì Nhà nước đã ban hành các quy chuẩn về trung tâm sát hạch rồi, nên không có trung tâm nào có chất lượng tốt hơn hay kém hơn. Tất cả các trung tâm trên cả nước đều phải tuân thủ các quy chuẩn sát hạch.
Nhà nước đã quy định cụ thể mức phí sát hạch, trung tâm SHLX phải tuân thủ các quy chuẩn, nên dù có đấu thầu thì các trung tâm cũng đưa ra mức giá dịch vụ thấp hơn được đâu. Tôi cho rằng, việc đấu thầu gây ra tốn kém thời gian, công sức và không thực sự cần thiết", ông Quyền nói.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.