Kết quả bài thi TOEFL là một trong những yêu cầu của các trường đại học ở Mỹ dành cho sinh viên nước ngoài. Ảnh: Shutterstock |
Theo Los Angeles Times, chính quyền liên bang đã bắt giữ năm cư dân California hôm thứ ba với cáo buộc làm hộ bài thi tiếng Anh cho hơn 40 người Trung Quốc để giúp họ lấy thị thực sinh viên.
Nhà chức trách thông tin, kẻ cầm đầu đường dây gian lận là Liu Cai (23 tuổi), người đã xin visa du học để sang Mỹ, trở thành sinh viên Đại học California tại Los Angeles (UCLA). Bốn người còn lại là Quang Cao, Elric Zhang, Mohan Zhang và Samantha Wang, đều bị buộc tội âm mưu sử dụng hộ chiếu giả, mạo danh công dân Trung Quốc để thi hộ.
"Những người thi hộ đều là công dân Mỹ gốc Hoa, nói tiếng Anh tốt và có thể dễ dàng vượt qua kỳ thi", Christopher Kuemmerle, đặc vụ của Cơ quan Tình báo An ninh quốc gia cho biết.
Để lấy được thị thực sinh viên, công dân nước ngoài phải nộp đơn vào học tại một trường được ủy quyền bởi chương trình trao đổi sinh viên. Nhiều trường trong số đó yêu cầu người đến từ quốc gia không nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ phải chứng minh trình độ ngôn ngữ bằng cách đạt số điểm nhất định trong kỳ thi TOEFL.
Theo bản cáo trạng, Cai cùng đồng phạm nhận tiền và tổ chức thi hộ cho 14 công dân Trung Quốc trong khoảng một năm từ 2015 đến 2016. Hộ chiếu "khách hàng" của Cai vẫn giữ nguyên tên, nhưng có hình ảnh của các bị cáo. Cai đã thi hộ ít nhất bốn bài kiểm tra, Elric Zhang ít nhất năm bài, ba người còn lại tham gia mỗi người ít nhất hai bài.
Bị cáo thứ sáu đang bị điều tra là Tuan Tran (33 tuổi), bị cáo buộc đã thực hiện ít nhất một bài thi TOEFL với danh nghĩa người khác. Người này được cho là đang ở Đài Loan. Sau mỗi bài thi hộ, Cai trả cho đồng phạm khoảng 400 USD thông qua tài khoản PayPal và Venmo.
Nhờ đạt điểm TOEFL yêu cầu, nhóm khách hàng của Liu Cai có thể theo học những ngôi trường đại học uy tín khắp nước Mỹ như Columbia, New York, UCLA, UC Irvine, UC Riverside... Tuy nhiên, một số người không đủ năng lực để tốt nghiệp.
"Khi gian lận thi cử, bạn cũng đang lừa dối chính mình. Nếu không nắm được ngôn ngữ, bạn không thể học tốt ở một trường đại học Mỹ", Kuemmerle nhận xét. Ông bổ sung rằng nhiều sinh viên trung thực phải học hành rất chăm chỉ, nhưng cơ hội vào ngôi trường mơ ước đã bị tước đoạt bởi hành vi gian lận này.
Năm ngoái, khi Đại học California tại Santa Barbara có lượng sinh viên Trung Quốc trúng tuyển tăng, các giáo sư đã phàn nàn về khả năng tiếng Anh của họ. Trong thập kỷ qua, lượng sinh viên quốc tế ở Đại học California đã tăng gấp ba, sinh viên Trung Quốc tăng gấp tám. Nhiều em gặp khó khăn về ngôn ngữ, dù phải đạt trình độ trung cấp của bài thi TOEFL mới đủ điều kiện theo học.
Vụ bắt giữ hôm thứ ba mới là giai đoạn đầu của cuộc điều tra. Kuemmerle cho biết cơ quan chức năng sẽ trao đổi trực tiếp với những trường có sinh viên gian lận trong kỳ thi tiếng Anh.
Âm mưu gian lận theo bản cáo trạng tương ứng với hình phạt tối đa là 5 năm, trong khi tội dùng hộ chiếu giả là 10 năm. Hành vi trộm cắp danh tính là tình tiết tăng nặng, khiến bản án dành cho tội phạm có thể tăng thêm 2 năm.
Vụ bắt giữ năm người tham gia đường dây gian lận thị thực xảy ra cùng thời điểm bắt giữ hàng loạt CEO, nữ diễn viên Hollywood, nhà thiết kế thời trang nổi tiếng dùng tiền "chạy" cho con vào đại học danh giá, gây chấn động toàn nước Mỹ. Trong vụ án được gọi là "vụ lừa đảo tuyển sinh lớn nhất từng bị truy tố", 50 người đã bị buộc tội, bao gồm huấn luyện viên thể thao của Đại học Stanford, Georgetown, Wake Forest, Nam California, California, Los Angeles.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.