Nhiều thủ đoạn tinh vi
Gần đây, Công ty TNHH du lịch và vận tải Vân Anh (nhà xe Vân Anh – PV) thiết lập đoàn xe uy quyền như “xe vua” hoạt động “trá hình” xe khách cố định (CĐ) tuyến Hà Nội – Thanh Hóa và ngược lại. Những chiếc xe Limousine Vân Anh loại 9 chỗ do Sở GTVT Thanh Hóa cấp phép, ngày đêm vượt mặt các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội và nhiều tỉnh dọc Ql 1A trước sự “bất lực” của các lực lượng làm nhiêm vụ tuần tra, kiểm soát trên tuyến!? Thậm chí có biểu hiện trốn thuế nhà nước thông qua việc hoạt động trá hình.
Trong vai hành khách có nhu cầu mua vé đi Thanh Hóa, chúng tôi liên hệ với Công ty TNHH du lịch và vận tải Vân Anh (nhà xe Vân Anh – PV) và được hướng dẫn tới mua vé, đón xe tại các điểm: 194 Giải Phóng và 78 Duy Tân – Cầu Giấy. Tại các “đại bản doanh” này, nhà xe Vân Anh “vô tư” bán vé và đón khách đi tuyến Hà Nội – Thanh Hóa và hình thành vô số các “bến cóc” nằm “lộ thiên” trên các tuyến đường huyết mạch của Thủ đô, gây ách tắc giao thông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông trong dịp Tết và bức xúc trong dư luận xã hội.
Hành khách vật vờ chờ xe tại văn phòng Vân Anh |
Chiều ngày 13/1, xác nhận với phóng viên, tổng đài viên của nhà xe Vân Anh cho biết: “Cứ 1 tiếng lại có một chuyến đi Thanh Hóa. Hành khách cung cấp điểm đón, nhà xe sẽ bố trí xe trung chuyển đón khách về văn phòng 78 Duy Tân hoặc số nhà 194 Giải Phóng để lên xe. Giá vé áp dụng cho hành trình này là 180 nghìn đồng/lượt”.
Theo sự hướng dẫn của nhân viên xe Vân Anh , PV đã tìm đến số 78 Duy Tân, Cầu Giấy để thanh toán số tiền là 360 nghìn đồng cho 2 “tấm vé” đi Thanh Hóa vào sáng ngày 14/1.
Quan sát kỹ tấm phiếu xác nhận đặt chỗ được nhà xe Vân Anh bán ra cho hành khách, PV không khỏi giật mình, bởi trên tấm vé này có đầy đủ thông tin số ghế ngồi, thời gian khởi hành, nơi đón, nơi trả…đặc biệt, theo tiết lộ của nhân viên nhà xe thì đây thực chất là “tấm vé” để hành khách lên xe.
Cận cảnh "tấm vé" dùng để lên xe được phát hành bởi nhà xe Vân Anh |
Tại Điều 45, Thông tư 63/2014/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định rõ: “Các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe chỉ được đón, trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng và thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết; không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức…”
Nhưng ở đây, dưới mác xe hợp đồng và xe dịch vụ du lịch tuyến, nhà xe Vân Anh “lách luật” bằng cách thu tiền trực tiếp của từng hành khách tại văn phòng bán vé, rồi hỏi họ tên và địa chỉ của khách để điền vào danh sách trong hợp đồng.
Như vậy, việc nhà xe Vân Anh, thu tiền trực tiếp từ khách lẻ, xác nhận đặt chỗ, góm khách lẻ thành khách đoàn… đã “phớt lờ” các quy định của Nhà nước và sự chỉ đạo của Bộ GTVT.
Nhân viên nhà xe bận rộn với công việc soát "vé" và xếp khách. |
Xe “Vua” ngang nhiên “đè Luật”
Tinh vi hơn, nhà xe Vân Anh còn sử dụng các xe 4 và 7 chỗ luồn lách vào tận đường sâu, ngõ hẻm khắp các tuyến phố nội đô “gom khách”. Sau khi chốt đủ số khách, những chiếc xe này nhanh chóng “cập bến” trước số nhà 194 Giải Phóng và 78 Duy Tân, Cầu Giấy xếp khách lên những chiếc xe Limousine nằm chờ sẵn.
Theo ghi nhận của phóng viên, bất kể ngày hay đêm, tại văn phòng bán vé xe Vân Anh tại số nhà 194 Giải Phóng, luôn có hàng chục hành khách tay xách nách mang, lỉnh kỉnh đồ đạc đón xe đi Thanh Hóa. Bên trong văn phòng này, nhân viên nhà xe bận rộn với công việc điều hành, sắp xếp vị trí cho khách.
Đúng 7h sáng 14/1, chiếc xe BKS 36B-026.42 vô tư “ăn khách” ngay tại bãi xe thuộc sự quản lý của tòa nhà Kim Ánh 78 Duy Tân. Lúc này, nhân viên Vân Anh phát đi thông báo: “đã đến giờ xe khởi hành, hành khách chuẩn bị hành lý lên xe. Mọi người cầm sẵn vé trên tay để nhà xe kiểm tra”.
Xe khách 36B-026.42 vô tư “ăn khách” ngay sát trụ sở UBND quận Hoàng Mai |
Tại thời điểm xe xuất “bến”, trên chiếc xe này có 7 hành khách. Sau màn bứt tốc kinh hoàng trên đường Vành đai 3 trên cao, nhà xe này tiếp tục xuông về hướng khu dân cư Đồng Tàu (gần trụ sở UBND quận Hoàng Mai – PV) xếp thêm 2 khách khác. Khi các ghế đã được lấp đầy chỗ trống, lái xe quyết định điều khiển xe theo hướng cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ và xuôi về Thanh Hóa.
Đỉnh điểm nhất là vào các ngày từ 18 – 21/1, phóng viên tiếp tục “mục sở thị” “đại bản doanh số 1” của nhà xe Vân Anh Limousine “án ngữ” tại số 194 Giải Phóng, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội.
Theo quan sát của PV, tại đây, nhà xe Vân Anh sử dụng văn phòng giao dịch làm điểm đón, trả khách cố định cho các chuyến xe Hà Nội – Thanh Hóa và ngược lại, trước sự “bất lực” của các lực lượng TTGT quận Thanh Xuân, Đội CSGT số 7, CSTT CA quận Thanh Xuân và CA phường Phương Liệt!?
Bức xúc trước việc, lâu nay, trong khu dân cư tồn tại một “bến cóc” loại “khủng”, anh Nguyễn Văn Tùng (47 tuổi, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân) than thở: “Ngày nào cũng thế, từ sáng sớm cho tới đêm muộn, tuyến đường chính dẫn vào khu dân cư số 8 phường Phương Liệt nghiễm nhiên bị biến thành tụ điểm cho xe dù hoạt động, nhà xe Vân Anh là thành phần “ma cô”, lộng hành khét tiếng nhất”.
“Đại bản doanh” của nhà xe Vân Anh Limousine tại số 194 Giải Phóng, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội - nơi tổ chức hoạt động đón, trả khách tuyến cố định. |
Anh V.C.T (28 tuổi, quận Hoàng Mai) thì cho rằng: “xe dù lộng hành như thế này thì các nhà xe làm ăn chân chính sẽ chết hết. Không hiểu lực lượng Thanh tra giao thông quận Thanh Xuân có hay biết việc này hay không, mà suốt một thời gian dài những chiếc xe “vua” của nhà xe Vân Anh vẫn cứ ngược xuôi lộng hành, gây tâm lý hoang mang, bức xúc trong tổ dân phố chúng tôi. Tôi nghĩ rằng, vấn đề này phải có bàn tay của anh Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố ra tay thì may ra mới dẹp loạn được tình trạng xe dù, bến cóc bủa vây cuộc sống bình yên của hàng trăm hộ dân trong khu phố”.
Trước tình trạng xe Limousine tuyến Hà Nội – Thanh Hóa ngang nhiên lộng hành, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm tới việc có hay không yếu tố “bảo kê” từ các cơ quan chức năng TP. Hà Nội cho sai phạm tồn tại? Đặc biệt, nhà xe Vân Anh Limousine còn “đè Luật” được tới bao giờ? Tất cả những câu hỏi này, chúng tôi sẽ trả lời ở bài sau.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.