"Bật mí" giải pháp thi công hầm Sơn Triệu trên cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh

Tác giả: Đại Thắng

saosaosaosaosao
Đường bộ 24/04/2024 16:15

Mặt bằng thi công vướng hạ tầng kỹ thuật đường dây điện cao thế, tuy nhiên đội ngũ kỹ sư Công ty CP Sông Đà 10 đã có giải pháp hay trong thi công hầm Sơn Triệu trên cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh, không phụ thuộc vào giải phóng mặt bằng, vượt tiến độ thông hầm 1 tháng.

thi công hầm Sơn Triệu
"Bật mí" giải pháp thi công hầm Sơn Triệu trên cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh- Ảnh 1.

Hiện trạng hạ tầng kỹ thuật đường dây điện cao thế ở khu vực công trình hầm Sơn Triệu trên cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh

Giải pháp thi công hầm trong điều kiện địa chất bất lợi, vướng hạ tầng kỹ thuật

Công trình hầm Sơn Triệu có chiều dài 960 m, trong đó bao gồm quảng trường hai cửa hầm và các ống hầm. Tuyến hầm vượt qua núi Sơn Triệu thuộc địa phận phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn và xã Phước An (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Ống hầm phải có chiều dài 535 m, hầm trái có chiều dài 600 m. Mỗi ống hầm được xây dựng 3 làn xe.

Nói về công tác phối hợp thi công hầm Sơn Triệu, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng liên danh nhà thầu cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh cho biết, ngay từ khi khởi công dự án, toàn bộ hai phía cửa hầm Sơn Triệu đều vướng hạ tầng kỹ thuật, hệ thống đường điện cao thế. Nếu thi công theo biện pháp thông thường thì rất khó, việc nổ mìn sẽ gây ảnh hưởng đến hạ tầng đường điện. Từ sự phối hợp giữa chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, giám sát, nhà thầu thi công đã đưa ra nhiều giải pháp chuyên môn, kỹ thuật để không phụ thuộc vào giải phóng mặt bằng, hệ thống đường điện mà vẫn thi công được công trình.

Ngày 3/4, tại buổi lễ thông kỹ thuật hầm Sơn Triệu thuộc dự án cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh, ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Sông Đà 10 (nhà thầu chính thi công hầm Sơn Triệu) nhận định, việc thông hầm kỹ thuật đánh dấu mốc quan trọng, tạo động lực cho Công ty CP Sông Đà 10 tập trung nguồn lực, phấn đấu hoàn thành toàn bộ hạng mục hầm Sơn Triệu, đưa vào khai thác, sử dụng từ tháng 9/2025, vượt tiến độ trên 3 tháng.

"Mặc dù còn một số vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ thi công, vướng cột điện cao thế tại vị trí cửa hầm phía Bắc, thay đổi kéo dài ống hầm trái cửa hầm phía Nam, tuy nhiên Ban QLDA 85 đã quyết liệt chỉ đạo nhà thầu nỗ lực triển khai, thay đổi biện pháp thi công đào nổ mìn để không ảnh hưởng đến vị trí trụ điện trên cửa hầm, tranh thủ thi công "3 ca, 4 kíp" để đẩy nhanh tiến độ đào hầm. Việc thông hầm sớm, vượt tiến độ sẽ tạo động lực để đẩy nhanh tiến độ dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu trong luân chuyển phương tiện, thiết bị, máy móc, vật tư và điều phối vật liệu từ cửa Bắc sang cửa Nam hầm Sơn Triệu", Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban QLDA 85 cho biết.

Trực tiếp chỉ huy, điều hành thi công hầm Sơn Triệu, kỹ sư Nguyễn Văn Quảng, Giám đốc Ban Điều hành dự án Sông Đà 10 cho hay, công trình hầm Sơn Triệu có hướng đi qua 1 thung lũng, khe núi có địa chất rất xấu, có thể gây ra các tình huống nguy hiểm trong thi công, đặc biệt là gây sạt lở, ảnh hưởng đến an toàn lao động. Ngoài khó khăn về địa chất, hai bên cửa công trình hầm Sơn Triệu còn vướng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đường điện cao thế 200 Kv.


Video kỹ sư Nguyễn Văn Quảng, Giám đốc Ban Điều hành dự án Sông Đà 10 nói về công tác thi công hầm Sơn Triệu

Theo kỹ sư Quảng, trước những vấn đề, tình huống đó, Sông Đà 10 đã áp dụng các công nghệ thi công khoan neo vượt trước, phun vẩy mặt gương, khoan phun gia cố chống thấm trước gương để thực hiện công tác đào hầm bình thường.

Với kinh nghiệm chuyên thi công các công trình ngầm được đúc rút trong 60 năm qua, Sông Đà 10 đã có nhiều giải pháp, biện pháp thi công, xử lý các tình huống bất lợi, điều kiện địa chất sạt lở và xử lý nước ngầm... Cùng với đó, với việc áp dụng công nghệ thi công của Áo, các giải pháp xử lý địa chất phức tạp, cấu kết xi măng, giải pháp bước đào, biện pháp gia cố... giúp nâng cao chất lượng thi công công trình, đẩy nhanh tiến độ thi công.

"Ngày mới mở hầm, đào được vài chục mét, mũi thi công phải tạm ngưng vì gặp sạt lở, nước ngầm… Anh em công trường thức trắng đêm, bàn phương án áp dụng các kinh nghiệm, công nghệ đào hầm. Ngày thông ống hầm phải, nhiều người ngỡ ngàng không dám tin, bởi khi bắt đầu thi công đã gặp phải hàng loạt yếu tố bất lợi phát sinh trong suốt quá trình đào hầm", kỹ sư Quảng chia sẻ.

Nói về phương án thi công hầm trái Sơn Triệu, kỹ sư Quảng cho hay: "Sau khi thông hầm phải, Sông Đà 10 tập trung thi công phần nền hầm, sử dụng các bộ ván khuôn trượt thi công vỏ hầm phải Sơn Triệu. Song song với đó, đơn vị đã huy động toàn bộ 4 robot khoan hầm Sandvik DT821, loạt máy phun vẩy bê tông robot Meyco công suất 30 khối/h, 80 đầu máy thiết bị hiện đại, công suất lớn và 270 nhân lực thi công hầm trái. Với số lượng phương tiện, thiết bị, nhân lực lớn được huy động, chúng tôi sẽ bố trí, mở thêm các mũi thi công phụ qua ngách để đẩy nhanh tiến độ thi công hầm trái, phấn đấu hoàn thành công trình hầm Sơn Triệu vượt tiến độ 3 - 4 tháng".

"Bật mí" giải pháp thi công hầm Sơn Triệu trên cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh- Ảnh 2.

Công trình hầm Sơn Triệu trên cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh

Nỗi lo vướng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật "ngăn" tiến độ thi công 

Nói về kế hoạch triển khai trong năm 2024, lãnh đạo Ban QLDA 85 cho hay sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với địa phương để có thể nhận được 100% mặt bằng sạch trong thời gian sớm nhất, bàn giao cho nhà thầu thi công. Đặc biệt, Ban QLDA 85 sẽ thường xuyên đôn đốc nhà thầu triển khai đảm bảo chất lượng, tiến độ, phấn đấu giải ngân hết vốn được giao trong năm.

Trong đó, đối với hạng mục cầu sẽ hoàn thành công tác cọc khoan nhồi, cơ bản hoàn thành bệ thân xà mũ, lao lắp dầm, bản mặt cầu. Phần cầu Gói 12-XL sẽ hoàn thành trong năm 2024. Đối với hạng mục đường sẽ cơ bản hoàn thành công tác đào và đắp nền đường, triển khai thi công cấp phối đá dăm, lớp CTB, bê tông nhựa. Đối với hạng mục hầm sẽ đào thông ống hầm trái hầm Sơn Triệu, triển khai thi công lớp phòng nước và bê tông vỏ hầm.

Thông tin về công tác giải phóng mặt bằng, lãnh đạo Ban QLDA 85 cho hay, đến nay các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định đã cơ bản phê duyệt phương án và bàn giao toàn bộ mặt bằng, chỉ còn vướng một số hộ dân chưa tháo dỡ nhà cửa, thu hoạch cây cối.

Trên địa bàn tỉnh Phú Yên hiện còn 1,09 km thuộc địa phận thôn Long Thạnh chưa được bàn giao mặt bằng. Ngoài ra, một số hộ dân có công trình nhà cửa thuộc thôn Long Thạnh (xã Xuân Lộc, thị xã Sông Cầu) và xã An Định (thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An) chưa thống nhất nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng. Thêm vào đó, công tác triển khai các dự án tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật của các địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Yên còn chậm.

Đối với bãi đổ thải trên địa bàn tỉnh Phú Yên, các chủ đất đang triển khai canh tác trồng lúa trên diện tích được quy hoạch bãi thải. Qua làm việc với chủ đất, công tác thu hồi đền bù các bãi thải rất khó khăn do các chủ đất có nguyện vọng thu hồi đất vĩnh viễn đối với các bãi thải này, giá trị ước tính cao hơn rất nhiều so với chi phí thuê đất làm bãi thải trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Để sớm tháo gỡ các vướng mắc, đảm bảo tiến độ dự án Quy Nhơn - Chí Thạnh, Ban QLDA 85 kiến nghị UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các địa phương tiếp tục vận động, tuyên truyền các hộ dân sớm tháo dỡ nhà cửa, thu hoạch cây cối để bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu.

Video toàn cảnh công trình hầm Sơn Triệu

Dự án thành phần đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh có tổng chiều dài 61,67 km (không bao gồm 5,1 km đoạn qua hầm Cù Mông), đi qua địa bàn tỉnh Bình Định khoảng 19,6 km và tỉnh Phú Yên khoảng 42,1 km. Dự án có tổng mức đầu tư 14.802,46 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 1.154,13 tỷ đồng.