Vẫn thiếu nguồn cát thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Tác giả: Thanh Huyền

saosaosaosaosao
Đường bộ 15/04/2024 14:45

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng hiện nay tồn tại một số khó khăn, vướng mắc chủ yếu liên quan tới nguồn vật liệu cát.

Vẫn thiếu nguồn cát thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng- Ảnh 1.

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng hiện nay tồn tại một số khó khăn, vướng mắc chủ yếu liên quan tới nguồn vật liệu cát (ảnh minh họa)

Thiếu khoảng 4,7 triệu m3 cát tại dự án thành phần 2

Trong một báo cáo trình Bộ GTVT mới đây, Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng hiện nay tồn tại một số khó khăn, vướng mắc tại 3 trong số 4 dự án thành phần, gồm các dự án thành phần 2, 3 và 4. Khó khăn, vướng mắc tại 3 dự án thành phần này đều bao gồm những vấn đề liên quan tới nguồn vật liệu cát.

Cụ thể, tại dự án thành phần 2, ngày 6/3, UBND tỉnh An Giang có bản xác nhận về việc xác nhận khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị, kế hoạch khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên sông Tiền đoạn thuộc xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang phục vụ dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, đoạn qua TP. Cần Thơ theo cơ chế đặc thù được Quốc hội và Chính phủ cho phép với tổng trữ lượng là 3,285 triệu m3; dự kiến bắt đầu khai thác vào tháng 4/2024. Trữ lượng mỏ khoảng 3,285 triệu m3, tuy nhiên theo hồ sơ khảo sát mỏ thì khối lượng đủ điều kiện sử dụng cho dự án khoảng 2,3 - 2,4 triệu m3.

Cùng với đó, hiện nhu cầu nguồn cát san lấp của dự án khoảng 7 triệu m3 thì dự án còn thiếu khoảng 4,7 triệu m3 vật liệu cát san lấp. Ban QLDA đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ và các nhà thầu vẫn tiếp tục làm việc với các địa phương như tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Tiền Giang, tỉnh Sóc Trăng để có nguồn cát phục vụ công tác thi công của dự án.

Vẫn thiếu nguồn cát thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng- Ảnh 2.

Hướng tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Đề cập đến giải pháp, sau khi được giao mỏ cát Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, Ban QLDA Mỹ Thuận kiến nghị UBND tỉnh An Giang tiếp tục xem xét, hỗ trợ cấp thêm mỏ cát trên địa bàn tỉnh An Giang nhằm bảo đảm kịp thời nhu cầu vật liệu cho công tác thi công xây lắp các gói thầu.

Ban QLDA Mỹ Thuận đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Long sớm xem xét, tiếp tục hỗ trợ thủ tục khai thác các mỏ cát nhằm đảm bảo nhu cầu vật liệu cho công tác thi công xây lắp các gói thầu.

Cùng với đó, Ban QLDA Mỹ Thuận đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng sớm xem xét nguồn vật liệu cát sông trên địa bàn tỉnh, tham mưu UBND tỉnh Sóc Trăng chấp thuận, ưu tiên hỗ trợ bố trí cho dự án để đảm bảo nhu cầu vật liệu cho công tác thi công xây dựng, đáp ứng tiến độ dự án.

Đề xuất các giải pháp thực hiện trong thời gian tới, Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết sẽ chủ động nhanh chóng phối hợp với các sở, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu thi công. Đồng thời tiếp tục đôn đốc đơn vị thi công lập tiến độ, hoàn thiện các thủ tục xin mỏ cát vật liệu đảm bảo nguồn vật liệu đáp ứng tiến độ thi công. Ngoài ra, Ban QLDA Mỹ Thuận sẽ làm việc xin thủ tục khai thác cát tại các tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Long... để đảm bảo nguồn vật liệu thi công xây lắp.

Dự án thành phần 1 có chiều dài 57 km, đi qua địa phận tỉnh An Giang và TP. Cần Thơ do UBND tỉnh An Giang làm cơ quan chủ quản. Tiến độ thi công hiện chưa đáp ứng theo kế hoạch.
Dự án thành phần 2 có chiều dài 37,42 km, đi qua địa phận thành phố Cần Thơ do UBND thành phố Cần Thơ làm cơ quan chủ quản. Do khó khăn trong vấn đề tìm nguồn cát vật liệu san lấp. Đến nay khối lượng các gói thầu thi công chưa đảm bảo theo tiến độ giá trị thực hiện.
Dự án thành phần 3 có chiều dài 36,68 km, đi qua địa phận tỉnh Hậu Giang do UBND tỉnh hậu Giang làm cơ quan chủ quản. Tiến độ thi công chưa đáp ứng theo kế hoạch
Dự án thành phần 4 có chiều dài 58,4 km, đi qua địa phận tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng do UBND tỉnh Sóc Trăng làm cơ quan chủ quản. Do khó khăn về nguồn cát nên đến nay khối lượng gói thầu đã khởi công đạt được chưa nhiều.

Lời giải cho nguồn cát

Tại dự án thành phần 3, Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, nguồn vật liệu cát còn khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Ban QLDA Mỹ Thuận kiến nghị Ban QLDA Mỹ Thuận kiến nghị UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long quan tâm hỗ trợ nguồn vật liệu cát để triển khai dự án. Đồng thời cho phép mua cát thương mại ngoài danh mục mỏ trong hồ sơ khảo sát để triển khai các hạng mục phụ trợ của dự án như đường công vụ, mặt bằng thi công cầu…

Còn tại dự án thành phần 4, công tác cấp phép mỏ cát mới còn chậm do thủ tục phức tạp, phải trải qua nhiều bước, lấy ý kiến nhiều cơ quan liên quan. Nổi bật trong những đề xuất giải pháp thực hiện trong thời gian tới tại dự án thành phần này, Ban QLDA Mỹ Thuận kiến nghị Bộ GTVT tiếp tục hỗ trợ về chuyên môn cho chủ đầu tư các dự án thành phần trong công tác quản lý tiến độ, chất lượng, giải quyết các vướng mắc về kỹ thuật trong quá trình thi công để đảm bảo thực hiện dự án đúng theo tiến độ, đảm bảo chất lượng.

Vẫn thiếu nguồn cát thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng- Ảnh 3.

Một vị trí thí điểm cát biển tại dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau do Ban QLDA Mỹ Thuận làm chủ đầu tư

Đặc biệt, tại dự án thành phần 4, việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường theo khuyến cáo là tiếp tục mở rộng phạm vi thử nghiệm. Trong khi đó, một số đoạn cao tốc qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng có môi trường tương đồng với đoạn đã được Ban QLDA Mỹ Thuận thử nghiệm (vùng nhiễm mặn), vì vậy, nếu tiếp tục thử nghiệm việc đưa cát biển vào đắp nền đường sẽ tốn thêm thời gian.

Do đó, Ban QLDA Mỹ Thuận kiến nghị Bộ GTVT xem xét trên cơ sở báo cáo của Ban QLDA Mỹ Thuận, các cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT cho phép thực hiện ngay việc sử dụng cát biển đắp nền đường đối với các đoạn tuyến có tính chất môi trường tương đồng với đoạn đã thử nghiệm.

Liên quan tới cát biển, Ban QLDA Mỹ Thuận kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ và hướng dẫn địa phương trong việc lựa chọn công nghệ khai thác cát biển bảo đảm phù hợp với điều kiện khí tượng, thủy văn khu vực nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với môi trường và nuôi trồng thủy sản trong khu vực cũng như xây dựng mô hình tính toán, thiết lập hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên và môi trường khu vực biển Sóc Trăng và các tỉnh lân cận.

Vẫn thiếu nguồn cát thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng- Ảnh 4.

Ban QLDA Mỹ Thuận kiến nghị Bộ Xây dựng có hướng dẫn cụ thể về phương pháp xác định chi phí khai thác, sản xuất và thẩm quyền thẩm định, phê duyệt giá vật liệu khai thác (ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, do chưa xác định được giá cát, giá đất cụ thể tại thời điểm ký kết hợp đồng (do chưa xác định được mỏ, chưa được giao mỏ, chưa xác định được chi phí khai thác) nên giá cát, giá đất đắp trong hợp đồng chỉ là dự kiến. Sau khi giao mỏ cho nhà thầu và tổ chức khai thác cát, chủ đầu tư sẽ tổ chức xây dựng lại giá cát và điều chỉnh lại hợp đồng. Công việc này cũng chưa có tiền lệ nên Ban QLDA Mỹ Thuận kiến nghị Bộ GTVT chia sẻ kinh nghiệm đã thực hiện trong thời gian qua.

Ban QLDA Mỹ Thuận cũng có một số kiến nghị với Bộ Xây dựng. Theo đó, trường hợp thực hiện giao mỏ cho nhà thầu thực hiện khai thác cát làm vật liệu thông thường theo cơ chế đặc thù thì việc xác định giá vật liệu khai thác tại mỏ còn gặp nhiều khó khăn.

Do vậy, Ban QLDA Mỹ Thuận kiến nghị Bộ Xây dựng có hướng dẫn cụ thể về phương pháp xác định chi phí khai thác, sản xuất và thẩm quyền thẩm định, phê duyệt giá vật liệu khai thác cũng như trường hợp nhà thầu thi công được giao mỏ nhưng không đủ điều kiện để tổ chức khai thác, phải thuê với đơn vị có năng lực để tổ chức khai thác mỏ.

Đối với các mỏ cát gia hạn mỏ đã được cấp phép trước đó để cung cấp cho dự án quan trọng quốc gia (không cung cấp ra thị trường), Ban QLDA Mỹ Thuận kiến nghị có hướng dẫn về quy định, phương pháp xác định, thẩm quyền thẩm định, phê duyệt giá và quy định công bố giá. Đồng thời phối hợp với các bộ, ngành tiến hành rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung hệ thống định mức và sớm sửa đổi, bổ sung Thông tư 12, để cập nhật, điều chỉnh, bổ sung các định mức chưa phù hợp, các định mức còn thiếu và sớm ban hành để áp dụng.