Du khách đợi lên tàu về đất liền tại cảng tàu Cô Tô |
Giữa tháng 6, vợ chồng anh Trần Đức Nguyên từ Hà Nội xuống Vân Đồn mua vé tàu ra đảo Cô Tô. Nhà tàu thông báo hết vé sáng, phải đợi tới chuyến trưa. Thấy một đoàn khách đặt 50 vé, nhưng chỉ có 45 người đi, anh Nguyên đề nghị được mua lại 2 trong số 5 vé thừa vừa trả lại, nhưng nhà tàu vẫn khăng khăng nói hết vé. Phải nhờ các mối quan hệ quen biết, cuối cùng vợ chồng anh mới mua được cặp vé.
Chuyện của vợ chồng anh Nguyên cũng là chuyện thường tình với du khách khi mua vé tàu đi Cô Tô, nhưng chẳng thấm vào đâu so với nỗi khổ mua vé chiều về. Không ít đoàn khách đã bị mắc kẹt trên đảo vì cách bán vé mập mờ của nhà tàu.
Sáng thứ bảy (4.7), đoàn gồm gần 20 cán bộ tư pháp các xã, phường thuộc thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) đi du lịch đảo Cô Tô. Biết việc mua vé về rất khó khăn, đoàn đề nghị nhà tàu bán luôn vé khứ hồi, nhưng nhà tàu từ chối, trả lời: “Các anh chị cứ yên tâm, sáng mai ra Cô Tô gọi theo số này, chúng em sẽ bán vé về cho”.
Tuy nhiên, suốt cả ngày hôm đó, gọi điện mãi nhân viên nhà tàu mới nghe và lại hẹn… 16h gọi lại, để rồi sau đó đoàn khách nhảy ngược lên khi nhận được câu trả lời, rằng chỉ còn vài vé.
“Có hay không thì cũng phải thông báo sớm để chúng tôi biết chứ. Sáng thứ hai tất cả chúng tôi phải đi làm trở lại, mà đến cuối chiều chủ nhật mới nói là hết vé” - anh Phạm Hoàng Năng - công chức tư pháp phường Trần Hưng Đạo, thị xã Đông Triều - bức xúc.
Việc du khách bị kẹt trên đảo do thiên tai khá nhiều, nhưng do việc bán vé của nhà tàu cũng không ít. Vào mùa cao điểm, có những ngày, hàng trăm du khách bị kẹt lại do không mua được vé.
Không quản được nhà tàu bán vé
Hiện, từ bến Vân Đồn đi Cô Tô và các tuyến đảo xung quanh có hàng chục tàu thuyền của 6 hãng và 17 hộ cá thể. Tuy nhiên, việc bán vé hoàn toàn do các nhà tàu tự thực hiện. Vì thế, ngay các cơ quan quản lý cũng khó biết được nhà tàu còn bao nhiêu vé khi tàu chưa khởi hành, nói gì tới du khách. Đây là một trong những lý do chính khiến khách thường nhỡ tàu.
“Chúng tôi chỉ kiểm tra được số khách trên tàu, có mua vé hay không…, còn việc các nhà tàu bán vé cho khách như thế nào thì chúng tôi không biết, vì có quy định họ được trực tiếp bán vé” - một cán bộ quản lý cảng tàu Vân Đồn cho biết.
Việc các nhà tàu tự bán vé không chỉ khiến du khách liên tục bị nhỡ chuyến mà còn gây ra tình trạng lộn xộn trên bến cảng. Hiện nay, tại bến cảng mới chỉ có 5 quầy bán vé do Cty TNHH MTV Bến tàu - bến xe Quảng Ninh xây dựng, nhưng có tới 6 hãng và 17 hộ cá thể kinh doanh vận tải ra các tuyến đảo. Vì thế, phần lớn các nhà tàu chẳng khác nào đi bán vé… rong. Trong khi đó, do không bán vé tập trung, nên du khách nhiều khi không biết mua vé ở đâu, phải đi hỏi hết người này tới người khác.
Theo ông Dương Đức Quang - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Bến tàu - bến xe Quảng Ninh - các sở, ban, ngành Quảng Ninh đã có nhiều văn bản, họp hành để thống nhất giao một đơn vị đầu mối bán vé tàu du lịch tại bến Vân Đồn, nhưng còn vướng quy định “chủ tàu được phép tự bán vé hoặc ủy quyền cho đơn vị khác”.
“Nên giao cho một đầu mối bán vé, trên cơ sở chi trả hoa hồng thống nhất giữa các chủ tàu và đầu mối. Chỉ có thế mới có thể nắm được tình trạng vé để có cách điều phối khách cho hợp lý. Mỗi ca bán vé chỉ cần 2 người, thay vì 6 hãng và 17 hộ cá thể cùng đứng ra bán vé” - ông Quang đề xuất.
6 tháng đầu năm 2015, Cô Tô đón khoảng 86.000 lượt khách, tăng 220% so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi đó, Vân Đồn đón khoảng 330.000 lượt khách, tăng trên 12% so với cùng kỳ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.