Tình trạng ép, tranh giành khách thường xuyên diễn ra ở QL5- Ảnh internet |
Theo thống kê, trên tuyến Hà Nội- Hải Phòng (gồm tuyến QL5 và cao tốc Hà Nội- Hải Phòng) hiện có 12 doanh nghiệp tham gia vận tải khách liên tỉnh tuyến cố định, trong đó Hải Phòng có 10 doanh nghiệp và Hà Nội có 2 doanh nghiệp. Ngoài ra, còn một số doanh nghiệp hoạt động tuyến Hà Nội- Quảng Ninh, Hà Nội- Thái Bình… cũng chạy một phần trên Quốc lộ 5.
Tính đến tháng 1/2016, tổng số xe đăng ký tham gia hoạt động gồm 250 xe, chủ yếu là xe từ 29-35 và từ 45-47 ghế; tần suất hoạt động là 372 chuyến/ngày.
Từ tháng 12/2015, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thông xe và đưa vào sử dụng, đã có 6 doanh nghiệp đãng ký vận tải khách trên tuyến này với tổng số 79 xe, 124 chuyến/ ngày (cả đi và về); Quốc lộ 5 có 171 xe tham gia khai thác với tần suất 248 chuyến/ngày.
Từ năm 2011 đến nay, hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trên tuyến đường này thường xuyên xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải. Như, lái xe, phụ xe của doanh nghiệp này gọi điện cho lái, phụ xe của doanh nghiệp khác yêu cầu đi sau để xe của mình đi trước đón khách. Có những trường hợp lái, phụ xe không nghe theo đã bị đe dọa và hành hung; rồi chèn, ép nhau trên đường, không cho xe khác vượt lên để tranh khách…
Mặc dù, Công an các tỉnh, thành Hà Nội, Hải Phòng và Hải Dương đã vào cuộc và chấn chỉnh nhưng từ đầu năm 2014 đến nay, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng lại tiếp tục diễn ra.
Theo đánh giá của Trung tướng Trần Trọng Lượng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, tình trạng lộn xộn, mất an ninh trật tự này là do cung vượt quá cầu. Bởi quãng đường hơn 100 km nhưng có đến 12 doanh nghiệp tham gia với tần suất xe lên tới hơn 370 chuyến/ngày, hệ số ghế sử dụng các chuyển chỉ đạt chưa tới 50% nên tranh giành khách là điều dễ hiểu.
Ngoài ra, theo Tổng cục Cảnh sát, Sở GTVT Hà Nội và Hải Phòng chưa tập trung chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về vận tải hành khách. Một số doanh nghiệp vận tải thì buông lỏng quản lý, khoán trắng trong hoạt động (xe mang thương hiệu của doanh nghiệp nhưng do tư nhân tự quản lý, điều hành), chạy theo lợi nhuận.
Để đảm bảo an ninh trật tự trên tuyến Hà Nội- Hải Phòng, Tổng cục Cảnh sát cho rằng, các Sở GTVT Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương và Hưng Yên phải xem xét lại toàn bộ lưu lượng xe hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trên tuyến, giảm bớt tần suất hoạt động cho phù hợp với tình hình thực tế, tránh trường hợp cung vượt quá cầu.
Tạm dừng việc chấp thuận cho các phương tiện đăng ký mới hoặc bổ sung trên các tuyến vận tải khách liên tỉnh từ các bến xe trên địa bàn Hà Nội đến các bến xe trên địa bàn Hải Phòng và ngược lại; không cấp chấp thuận lại cho các phương tiện của các doanh nghiệp có nhiều vi phạm trong quản lý vận tải, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự.
Đồng thời, các Sở địa phương phải đánh giá đúng tình hình thực tế của vận tải hành khách trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng, dự báo tình hình trong thời gian tới để báo cáo Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch chi tiết tuyến vận tải khách cố định Hà Nội-Hải Phòng cho sát với thực tế.
Giữa tháng 1/2016, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Trưởng Ban An toàn giao thông TP.Hải Phòng chỉ đạo lực lượng Công an thành phố lập chuyên án phối hợp với các cơ quan của Bộ Công an, Công an TP.Hà Nội, Công an các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương điều tra, làm rõ tình trạng tranh giành hành khách, hiện tượng côn đồ bảo kê cho một số đơn vị kinh doanh vận tải, đe doạ hành hung lái xe của các đơn vị khác trên tuyến QL5 Hà Nội - Hải Phòng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.