Bất thường kiểm soát xe quá tải tại Hà Nam: Cam kết một đằng, làm một nẻo

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Bạn đọc 10/12/2021 17:35

Bất chấp đã ký cam kết, cũng như "phớt lờ" chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, Ủy ban ATGT Quốc gia, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các chủ mỏ, nhà máy xi măng, đơn vị vận tải vẫn ở Hà Nam ngầm tiếp tay cho hoạt động chở quá tải, tàn phá hạ tầng giao thông.

IMG_20211210_145446

Xe chạy từ các các mỏ đá ra đều được chất đầy ắp đá, bằng mắt thường có thể thấy những chiếc xe này đã được cơi nới và chở vượt quá cả thành thùng cơi nới. Ảnh chụp ngày 9/12.

Hàng năm, đại diện các doanh nghiệp khai thác mỏ, nhà máy xi măng, và các đơn vị kinh doanh vận tải đóng trên địa bàn đều ký cam kết sẽ chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về khai thác mỏ, vận tải khoáng sản và vật liệu xây dựng (VLXD) để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông trước sự chứng kiến của các ban ngành địa phương.

Thậm chí, một số doanh nghiệp còn cam kết với Sở GTVT Hà Nam thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát tải trọng ngay từ đầu nguồn bốc xếp.

Thế nhưng, đó chỉ là lời cam kết trên giấy còn trên thực tế thì nhiều xe tải chở vật liệu xây dựng... từ các mỏ vẫn chở quá tải, không phủ bạt khi chở vật liệu… vẫn ung dung tung hoành.

Ngày 9/12, theo ghi nhận của PV Tạp chí GTVT, dọc QL1A bắt đầu từ huyện Thanh Liêm kéo dài gần 17km tới điểm giao cắt với QL 21 - TP.Phủ Lý, vẫn xuất hiện rất nhiều xe có dấu hiệu quá tải, quá khổ chở xi măng, đá dăm, đất, cát..."ung dung" hoạt động.

IMG_20211210_145843

Xe "thùng khủng" nối đuôi nhau từ khu vực các nhà máy xi măng đóng tại xã Thanh Nghị (huyện Thanh Liêm) ra Quốc lộ 1A hướng đi Hà Nội. Ảnh chụp ngày 9/12.

Điểm "ăn hàng" của những chiếc xe này chính là các mỏ VLXD đóng trên địa bàn hai huyện Thanh Liêm và Kim Bảng (Hà Nam). Vật liệu được chuyên chở tại đây chủ yếu là đá hộc và đá dăm. Đá được đưa đến các nhà máy xi măng đóng trên địa bàn.

Sôi động nhất phải kể đến các nhà máy xi măng Xuân Thành, Vicem Bút Sơn, Hoàng Long...

Theo quan sát của PV, đoạn đường từ nhà máy xi măng Xuân Thành (xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm) ra QL1A có chiều dài chừng 1km, mỗi ngày có đến hàng trăm chuyến xe chuyên chở VLXD lưu thông qua đây.

Các phương tiện hoạt động tại khu vực này chủ yếu là loại xe tải 3-4 trục, quan sát mắt thường dễ thấy hầu hết các xe đều có kích thước thành thùng cao hơn 1m, nhiều chiếc cơi nới, be chắn thêm 30-50cm và chở “có ngọn” (quá kích thước thành thùng), che chắn tạm bợ, thậm chí không phủ bạt chống rơi vãi theo quy định.

IMG_20211210_150250
 
IMG_20211210_145449
 
IMG_20211210_145429

Không ít xe chở cao ngất ngưởng không thể nhận diện biển số từ phía sau. Ảnh chụp ngày 9/12.

Anh Mạnh (một người dân sinh sống tại xã Thanh Nghị) cho biết: “Xe như thế này chạy ở đây nhiều lắm, đó là xe chở đá vào nhà máy xi măng, rồi lại chở xi măng đi nhiều nơi khác nữa”.

Một số người dân khác cho hay, đây là con đường nhựa dù được tu sửa thường xuyên. Tuy nhiên, với sức “công phá” của hàng trăm chuyến xe tải hạng nặng lưu thông mỗi ngày, con đường đã trở nên bong tróc nham nhở. Thậm chí, nhiều đoạn xuất hiện những 'ổ voi', 'ổ gà' gây nguy hiểm cho các phương tiện hai bánh qua đây.

Tình trạng này cũng đang xảy ra tại các tuyến đường quanh nhà máy xi măng Vicem Bút Sơn (huyện Kim Bảng). Theo người dân địa phương, dù liên tục được rót kinh phí tu sửa nhưng giờ đây mặt đường đã hư hỏng nhiều chỗ, biến dạng, xuất hiện ổ voi, sóng đường gập ghềnh, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

IMG_20211210_150336

Tại các tuyến đường quanh 2 nhà máy nói trên, dù liên tục được rót kinh phí tu sửa nhưng giờ đây đã hư hỏng nhiều chỗ.

IMG_20211210_150340
 
IMG_20211210_145350

Nhiều phương tiện xe đầu kéo, xe tải có dấu hiệu quá tải đi ra từ nơi cung cấp hàng là Công ty Cổ phần xi măng VICEM Bút Sơn (đóng tại xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam). Ảnh chụp ngày 9/12.

Theo ghi nhận của PV, chưa đầy tiếng đồng hồ thực tế nơi cổng nhà máy xi măng Vicem Bút Sơn ra Quốc lộ 21 hướng đi Hà Nội, đã có 20-30 lượt xe nối nhau ngược xuôi.

Trong đó, hầu hết các xe đều được bốc xếp hàng có dấu hiệu quá khổ, quá tải, không chằng buộc, che đậy khi lưu thông trên đường.

Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có báo cáo tới Bộ GTVT về tình trạng xe quá tải đang bùng phát trở lại tại nhiều tỉnh, thành phố.

Tại văn bản này, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ rõ hàng loạt các tỉnh thành để xe quá tải "lộng hành", điển hình tại tỉnh Hà Nam, mỗi ngày có rất nhiều xe đầu kéo kéo theo sơmi rơ moóc chở xi măng quá tải từ nhà máy xi măng Vicem Bút Sơn lưu thông trên QL 21 và đường Phủ Lý - Kiện Khê đến Cảng Bút Sơn, địa bàn huyện Kim Bảng và TP. Phủ Lý…

Ngay sau đó, Sở GTVT Hà Nam đã "kích hoạt" trạm cân lưu động đặt tại tỉnh lộ 494C với mục tiêu kịp thời ngăn chặn hành vi chở quá khổ, quá tải trên địa bàn. Thế nhưng, kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, trạm cân gần như không phát huy tác dụng.

IMG_20211210_150822

Trời nhá nhem nhưng hàng chục chiếc xe tải nối dài, lao vun vút trên đường. Người tham gia giao thông thì chỉ biết lắc đầu ngao ngán, dạt sang hai bên, nhường đường cho những chiếc xe "uy quyền" này.

IMG_20211210_150824
 
IMG_20211210_145505

Trên đường di chuyển từ Hà Nam về Hà Nội, những chiếc xe này dễ dàng đi qua các chốt kiểm soát của chốt CSGT "án ngũ" trên QL1, QL21 mà không bị kiểm tra, xử lý.

Trao đổi với PV Tạp chí GTVT về tình trạng này, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ VN cho biết sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm. Đặc biệt, đơn vị này đã có phiếu giao việc cho Cục quản lý đường bộ 1 xây dựng kế hoạch, phối hợp với Sở GTVT Hà Nam bố trí thêm các trạm cân; tổ chức các tổ công tác tuần tra lưu động để kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi chở quá tải. Địa phương nào để “lọt” xe quá tải, Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm.

Trước thực trạng xe quá tải, quá khổ, xe cơi nới thành thùng vẫn ung dung chạy như chỗ không người trên nhiều tuyến đường thuộc tỉnh Hà Nam, không biết rồi đây địa phương này sẽ báo cáo như thế nào với các cơ quan trung ương về công tác đảm bảo trật tự ATGT tại địa phương?

Ý kiến của bạn

Bình luận