Tại Hà Nam, dọc QL1, bắt đầu từ huyện Thanh Liêm kéo dài gần 17km tới TP.Phủ Lý, hằng ngày có hàng đoàn xe có dấu hiệu quá tải, quá khổ chở ximăng, đá dăm, đất, cát chạy nườm nượp tàn phá nền đường. Nghiêm trọng nhất phải kể đến là đoạn từ nhà máy xi măng Xuân Thành - đường ĐH13 (huyện Thanh Liêm) ra QL1.
Theo người dân địa phương, tuyến đường ĐH13 nối với QL1 dù liên tục được rót kinh phí tu sửa nhưng giờ đây đã hư hỏng nhiều chỗ. Nhiều đoạn mặt đường bị biến dạng, xuất hiện ổ voi, sóng đường gập ghềnh. Chị Nguyễn Thị M. (xã Thanh Nghị, H.Thanh Liêm) bức xúc cho biết một số người dân khi đi qua đây vào buổi đêm từng sụp ổ voi, mất lái dẫn đến tai nạn giao thông.
Đoàn xe gắn logo Mạnh Mai hoạt động nhộn nhịp trên quốc lộ 1 đoạn gần nhà máy xi măng Xuân Thành (huyện Thanh Liêm, Hà Nam |
Tiếp giáp với QL1 là đường 21 tuyến trung chuyển vật liệu xây dựng từ mỏ đá Kiện Khê, nhà máy xi măng Bút Sơn (Hà Nam) đi các nơi. Vì lợi nhuận trước mắt khi chuyên chở vật liệu xây dựng, nhiều doanh nghiệp vận tải đã tìm cách để nâng tải trọng cho xe bằng cách cơi nới thành thùng, chở quá khổ, quá tải.
Theo ghi nhận của PV Tạp chí GTVT, mỗi ngày đường 21 phải gánh hàng nghìn lượt xe tải hạng nặng chở xi măng, đất, đá chạy qua. Xe chạy nườm nượp là vậy, song lại không gặp bất cứ trở ngại nào từ lực lượng CSGT chốt chặn ở tuyến đường 21. Thậm chí, khi gặp tổ công tác CSGT trên QL1, những xe này vẫn “ung dung” lướt qua.
Để lưu thông trên đường, những chiếc xe này thường gắn logo riêng để nhận diện. Trong đó, độ phủ của logo: VT-Mạnh Mai, 6789, Tiến Ngân, BM, Thành Cường, Hợp Tiến, Tiến Chung, các công ty Thanh Tùng, Quang Khải, Minh Trí...là "uy quyền" nhất.
Mỗi lần các xe này lao vun vút trên đường, người tham gia giao thông phải “dạt” sang hai bên lề để đảm bảo an toàn tính mạng.
Đó là chưa kể các loại xe này thường chở đất, đá với sự che đậy sơ sài, mỗi lần như thế đất, đá cát bay tứ tung, vừa mất an toàn giao thông vừa làm ô nhiễm môi trường.
Tình trạng xe quá khổ, quá tải hoạt động rầm rộ trên tuyến QL21, địa phận tỉnh Hà Nam gây mất an toàn giao thông. Thậm chí, nhiều xe container tự hoán cải, cắt nóc chở vật liệu xây dựng dễ dàng qua mặt lực lượng chức năng. |
Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có báo cáo tới Bộ GTVT về tình trạng xe quá tải đang bùng phát trở lại tại nhiều tỉnh, thành phố.
Tại văn bản này, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ rõ hàng loạt các tỉnh thành để xe quá tải "lộng hành", điển hình tại tỉnh Hà Nam, mỗi ngày có rất nhiều xe đầu kéo kéo theo sơmi rơ moóc chở xi măng quá tải từ nhà máy xi măng Vicem Bút Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng lưu thông trên QL.21 và đường Phủ Lý - Kiện Khê đến Cảng Bút Sơn, địa bàn huyện Kim Bảng và TP. Phủ Lý…
Và mới đây nhất, để ngăn chặn tình trạng xe quá tải lưu thông trên một số quốc lộ, đường đô thị và đường địa phương, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, mất ATGT, đặc biệt là trên các tuyến quốc lộ qua các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Bộ GTVT tiếp tục có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố; Tổng cục Đường bộ Việt Nam; các Cục quản lý chuyên ngành như Đường bộ, Hàng hải, Đăng kiểm, Đường thủy nội địa, Đường sắt và Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tăng cường công tác kiểm soát tải trọng xe dịp cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Công ty Cổ phần xi măng VICEM Bút Sơn cấp hàng với trọng tải vượt quy định cho nhiều xe tải. |
Theo đó, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở GTVT, Công an tỉnh và chính quyền cấp cơ sở tăng cường phối hợp triển khai kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn địa phương bằng trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động và các thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe đã được cấp; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bộ GTVT cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục quản lý chuyên ngành đẩy mạnh công tác kiểm soát tải trọng xe theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT, đặc biệt là việc kiểm soát tải trọng xe tại các khu vực đầu nguồn hàng, cảng, bến, nhà ga, kho bãi.
Để ngăn xe quá tải, TTGT Hà Nam còn đặt cả trạm cân di động nhưng gần như không phát huy tác dụng. |
Để tăng cường thực hiện các giải pháp kiểm soát tải trọng phương tiện, chấm dứt tình trạng phương tiện quá tải tham gia giao thông, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 32 chỉ đạo Bộ GTVT, Bộ Công an các đơn vị, địa phương, tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, xử lý các xe quá tải trên các tuyến giao thông. Chỉ thị cũng nêu rõ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng phương tiện chở quá tải tham gia giao thông trên địa bàn. |
Tạp chí GTVT sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.