Bảy bài học bà mẹ rút ra khi nuôi con bướng bỉnh

25/10/2019 10:57

Trước kia khi không thể yêu cầu con trai làm theo mệnh lệnh, chị Anitra Rice (Mỹ) thường la hét, đe dọa. Giờ chị học cách lắng nghe suy nghĩ của con.

20160720081417-day-con-hu

Trong hành trình nuôi dạy ba con trai, Anitra Rice, sáng lập trung tâm giáo dục "Từ trái tim đến trái tim", đã trải qua những khoảnh khắc rất khó khăn vì mỗi con phát triển một hướng. Một trong ba con rất giàu cảm xúc, nhưng bướng bỉnh, ngang ngạnh. Từ việc nuôi dạy con, chị đã rút ra nhiều bài học quý giá.

1. Học cách đối diện với cảm xúc 

Trước đây, tôi thường la hét, đe dọa khi con không làm theo yêu cầu. Tôi nhận ra hành vi này được kích hoạt bởi nỗi sợ không thể kiểm soát con cái, điều rất nhiều ông bố bà mẹ đang mắc phải. Trong mỗi cuộc trò chuyện như vậy, tôi mất nhiều hơn được.

Bằng cách hiểu những suy nghĩ, cảm xúc của mình, tôi có thể chọn những biện pháp khác để giáo dục con ngoài la mắng. Tức giận đôi khi thích hợp để thể hiện thái độ của bạn đối với trẻ, nhưng nếu sử dụng thường xuyên sẽ phản tác dụng và đem lại kết quả tiêu cực.

Một sự thật khác là tức giận không thể giúp chúng ta kiểm soát hành vi của con, tuy nhiên từ vai trò làm cha mẹ chúng ta có thể tạo nên ảnh hưởng nhất định đến chúng. Và đó là điều thứ hai tôi học được.

2. Tạo ảnh hưởng với trẻ thay vì kiểm soát

Hành vi kiểm soát con là cuộc đấu tranh quyền lực ngầm, trong đó nhất định phải có kẻ thua cuộc. Thực tế trong mối quan hệ cha mẹ và con cái, chẳng có thắng thua nào hết, nếu có thì cả hai bên đều thua.

Là cha mẹ, chúng ta cần giữ thái độ bảo vệ con nhưng hãy thành lập ranh giới giữa bảo vệ và kiểm soát. Tôi đã học cách lắng nghe những suy nghĩ của con trai và tôn trọng những suy nghĩ này, tuy nhiên vẫn phải giữ vững quan điểm của mình. Tôi cũng học được rằng những gì tôi dạy con, những gì tôi làm đều sẽ ảnh hưởng đến hành vi của chúng.

Vì vậy, thay vì kiểm soát hay quát mắng, tôi dành thời gian chia sẻ với con, đưa ra ý kiến của mình về từng vấn đề, phân tích cho con hiểu. Những hành động này cần rất nhiều sự kiên nhẫn, tâm trí bạn phải luôn khách quan, hạn chế việc bùng nổ cảm xúc trước những ý kiến trái chiều của con. Nhưng nếu làm được, bạn sẽ thấy chúng tác động không nhỏ đến suy nghĩ và quan điểm của trẻ.

3. Cho phép con trải nghiệm thất bại

Tôi không ủng hộ cha mẹ thiếu trách nhiệm, vô tâm với con. Tuy nhiên, tôi đánh giá cao những bài học tự nhiên mà trẻ gặt hái được qua thất bại của mình, đặc biệt với trẻ ngang bướng. Những đứa trẻ này đôi khi sẽ vô cùng bảo thủ bảo vệ ý kiến của mình và dù cha mẹ có nhắc nhở rằng ý kiến đó sai lầm thế nào, chúng cũng để ngoài tai. Vậy thay vì cứ cấm đoán và nhắc nhở, hãy để chúng thử mắc sai lầm vì chính ý kiến của mình, khi đó bài học chúng nhận được sẽ càng thấm thía hơn các câu nói của cha mẹ.

Nếu cha mẹ quá bao bọc, không cho con trải nghiệm thất bại thì sẽ gây bất lợi cho con, tạo ra sự bất đồng trong mối quan hệ gia đình. Khi để con thất bại, có thể bạn sẽ thấy đau lòng, thấy tự trách mình chưa làm tròn trách nhiệm, nhưng hãy cố gắng gạt bỏ cảm xúc ấy qua một bên. Hãy nhớ rằng quyết định này của bạn sẽ có giá trị lâu dài trong sự trưởng thành của con.

4. Chăm sóc chính mình

Giống như bao ông bố bà mẹ, tôi yêu con trai, thích dành toàn bộ thời gian cho con. Tôi thậm chí giỏi chăm sóc cho con hơn là chăm sóc chính mình. Tôi đã biến các con thành một phần không thể tách rời đến nỗi khi chúng không nghe lời thì bản thân cảm giác bị phản bội, cô lập.

Vì vậy, tôi dành ra những khoảng thời gian cho riêng mình. Tôi chăm sóc, lắng nghe bản thân nhiều hơn. Tôi không còn cảm thấy nặng nề khi con không nghe lời. Tất nhiên, tôi không cho phép con hành xử quá trớn nhưng bắt đầu nói với con những hành động của cháu tác động xấu đến tôi thế nào. Chúng tôi phải thiết lập ranh giới giữa việc bảo vệ ý kiến cá nhân và tôn trọng mọi người xung quanh.

5. Quên chuyện cũ, nghĩ về tương lai

Quá trình trưởng thành, con trai tôi dần thay đổi, không còn bướng bỉnh như xưa, bắt đầu biết nghĩ cho mọi người nhiều hơn. Tuy nhiên, cháu chia sẻ rằng cảm thấy rất thất vọng vì mọi người vẫn đánh giá cháu là đứa trẻ ương bướng vì những sai lầm hồi nhỏ chứ không chịu công nhận nỗ lực thay đổi.

Điều quan trọng của cha mẹ là liên tục nhìn về những thay đổi tích cực của trẻ trong thời điểm hiện tại. Khi con bạn dần bỏ thói quen xấu, hãy khen ngợi những nỗ lực này, từ đó chúng sẽ nhận ra những điều có giá trị đối với bản thân.

6. Không đưa ra quyết định mang tính cá nhân

Nuôi dạy đứa trẻ "cứng đầu" giúp tôi nhận ra sự khác biệt giữa cha mẹ và con cái. Đôi khi chúng ta bắt trẻ làm những việc để phục vụ mục đích cá nhân của mình mà chưa thực sự phù hợp với trẻ.

Nhiều quyết định cha mẹ đưa ra vì muốn tốt cho con cái, tôi hoàn toàn hiểu. Tuy nhiên, trước khi yêu cầu trẻ làm gì, phụ huynh nên dành thời gian suy ngẫm kỹ càng rằng chúng có thực sự thích hay cần làm việc này không? Hãy lắng nghe ý kiến trái chiều của trẻ, cân nhắc đúng sai trong từng quyết định.

7. Đừng ngại tìm sự hỗ trợ

Nuôi dạy trẻ ngang ngạnh luôn khó khăn hơn những đứa trẻ ngoan ngoãn. Đôi khi, cái tôi quá cao của con khiến tinh thần tôi sa sút, áp lực. Những lúc đó, tôi không ngần ngại tìm đến sự trợ giúp từ bên ngoài như bạn bè, người thân, nhóm những bà mẹ đang nuôi dạy con cái hoặc bác sĩ tâm lý.

Dù có thể chưa từng ở trong hoàn cảnh của tôi, từ góc độ bên ngoài họ sẽ có cái nhìn sáng suốt và thoải mái hơn, hoặc chỉ đơn giản lắng nghe, chia sẻ để tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Tôi cũng khuyến khích con trai tìm sự hỗ trợ từ bên ngoài như vậy để cháu giải tỏa cảm xúc. Sau đó, hai mẹ con có thể bình tĩnh ngồi lại và nhìn nhận đúng sai trong cách hành xử của mỗi người.

Ý kiến của bạn

Bình luận