Bay vé hạng sang, WHO chi tới 192 triệu USD cho đi lại năm 2018

Tác giả: bizlive

saosaosaosaosao
Xã hội 21/05/2019 10:08

192 triệu USD là số tiền mà Tổ chức Y tế Thế giới phải chi trả cho việc đi lại của nhân viên trong năm 2018. Nhiều người phá vỡ quy định, bay vé hạng sang hoặc mua vé vào giờ chót.

2000_4.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, giám đốc WHO. Ảnh: AP.

 Nhiều nhân viên của WHO cố tình lạm dụng các kẽ hở trong quy định để mua vé máy bay hạng sang, đặt vé vào giờ chót hoặc thực hiện các chuyến bay mà không có sự chấp thuận của tổ chức, theo các tài liệu nội bộ mà AP có được.

Việc lạm dụng đặc quyền này có thể khiến các nhà tài trợ và đối tác tiềm năng của WHO cảm thấy không hài lòng khi tổ chức này có cuộc họp thường niên kéo dài một tuần, bắt đầu hôm 20/5 tại Geneva, Thụy Sĩ, để tìm kiếm sự hỗ trợ chống lại dịch Ebola đang bùng phát ở Congo và các bệnh chết người khác bao gồm bại liệt, sốt rét và sởi.

Chi phí di chuyển 192 triệu USD thực chất đã giảm 4% so với năm 2017, khi bài báo điều tra của AP cho thấy tình trạng lạm dụng đặc quyền di chuyển diễn ra rất phổ biến tại WHO.

Mặc dù vậy, các tài liệu gần đây cho thấy bên kiểm toán cho WHO vẫn phát hiện một số nhân viên nói dối trắng trợn, bịa ra lý do cho những chuyến đi của họ để khai thác lỗ hổng, đặt vé máy bay hạng thương gia, có thể đắt gấp nhiều lần vé hạng phổ thông, dù cho họ không đủ tiêu chí để làm vậy.

Ưu tiên không hợp lý

Trả lời câu hỏi của AP, WHO cho biết việc "di chuyển thường là thiết yếu để tiếp cận những người cần giúp đỡ" và lưu ý rằng 55% chi tiêu cho di chuyển của tổ chức là để dành cho các chuyên gia nước ngoài và đại diện của các quốc gia, thường là từ các nước đang phát triển, để bay tới nước khác tham dự các cuộc họp.

Tổ chức cũng cho biết nhiều biện pháp mới đã được áp dụng vào năm 2018 nhằm đảm bảo việc đi lại của nhân viên là "cần thiết, tiết kiệm, phù hợp và hiệu quả".

Nhưng theo bà Sophie Harman, giáo sư sức khỏe toàn cầu tại Đại học Queen Mary ở London, việc WHO không thể hạn chế một cách đáng kể chi phí đi lại có thể sẽ làm giảm uy tín của tổ chức và khiến việc huy động tiền để chống lại bệnh dịch trở nên khó khăn hơn. Chuyên gia này nhận định vấn đề không phải là con số mà WHO bỏ ra cho việc đi lại, mà là số tiền này được sử dụng như thế nào.

"WHO cần phải nghiêm túc trong nội bộ tổ chức thì mới có thể đàng hoàng tiếp cận cộng đồng quốc tế và nói: 'Chúng tôi cần nhiều tiền hơn để đối phó với Ebola'", bà Harman nhận định.

Bên cạnh những vai trò khác, WHO là cơ quan của Liên Hợp Quốc có trách nhiệm thiết lập các hướng dẫn y tế toàn cầu và điều phối việc ứng phó với các tình huống khẩn cấp về sức khỏe trên toàn thế giới. Ngân sách hàng năm 2 tỷ USD của tổ chức chủ yếu được lấy từ khoản đóng góp của các quốc gia thành viên, với Mỹ là nước đóng góp nhiều nhất.

Tuần này sẽ diễn ra cuộc họp thường niên của Hội đồng Y tế Thế giới, cơ quan ra quyết định cao nhất của WHO, bao gồm các quốc gia thành viên và các nhà tài trợ. Cơ quan sẽ cố gắng tìm cách gây quỹ nhiều hơn để đối phó với Ebola và các ưu tiên sức khỏe khác. Các chi phí để đương đầu với dịch Ebola đang khiến chiến dịch thiếu hụt khoảng 50 triệu USD.

Năm 2017, AP đưa tin WHO đã chi ra 200 triệu USD mỗi năm cho việc đi lại, trong đó có vé máy bay hạng nhất và khách sạn năm sao cho Tổng giám đốc Margaret Chan. Các chuyên gia y tế lên tiếng và cho rằng điều này tiết lộ những ưu tiên không hợp lý của tổ chức.

Giữa những chỉ trích đó, người kế nhiệm bà Chan, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, hứa sẽ hành động quyết liệt hơn để chấn chỉnh điều này. Trả lời AP hôm 20/5, WHO cho biết ông Tedros bay bằng cả hạng phổ thông và hạng thương gia, tùy thuộc vào khoảng cách di chuyển. Tổ chức chi 209.000 USD cho việc di chuyển của ông Tedros trong năm 2018.

"Chính sách di chuyển của WHO cấm tất cả các nhân viên bay vé hạng nhất", cơ quan này cho biết và nói thêm rằng một loạt các sáng kiến đã giúp cắt giảm chi phí đi lại.

WHO
Hội đồng Y tế Thế giới, cơ quan ra quyết định cao nhất của WHO, có cuộc họp thường niên bắt đầu ngày 20/5 tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: AFP.

 Đối với các chuyến đi không khẩn cấp, tỷ lệ các chuyến bay hạng thương gia đã giảm xuống mức 18% trong năm 2018, so với 27% của năm 2017, theo các kiểm toán viên bên ngoài. Tuy nhiên, các cơ quan viện trợ quốc tế khác, bao gồm tổ chức Bác sĩ Không biên giới và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, hoàn toàn cấm nhân viên di chuyển bằng vé hạng thương gia.

"Nhiệm vụ tưởng tượng"

Trong khi tổng chi phí đi lại giảm xuống, việc lạm dụng vẫn tiếp tục, theo các tài liệu AP có được. Các kiểm toán viên bên ngoài đã phân tích 116 yêu cầu di chuyển của các nhân viên WHO được lựa chọn ngẫu nhiên, tất cả đều đóng dấu khẩn cấp và do đó được miễn kiểm soát bởi cơ chế nghiêm ngặt của Liên Hợp Quốc.

Kết quả là họ phát hiện bằng chứng cho thấy hơn một nửa yêu cầu thực chất là để thực hiện nhiệm vụ thông thường như tham dự hội thảo hoặc đi phát biểu.

Bên kiểm toán nhận định: "Chúng tôi thấy được văn hóa không tuân thủ quy định của các nhân viên tham gia vào hoạt động khẩn cấp. Việc nâng yêu cầu (từ thông thường) lên khẩn cấp, ngay cả khi nó không đủ điều kiện, cho thấy vấn đề trong kiểm soát và dẫn đến kết quả là sự lãng phí tài nguyên".

"Dựa trên sự khác biệt về giá vé giữa hạng thương gia và phổ thông, việc tiết kiệm đã có thể được thực hiện bởi tổ chức", bản báo cáo của kiểm toán nhận định và cho biết khoảng 500 yêu cầu di chuyển trong năm 2018 dường như đã phá vỡ quy định.

Trong một loạt các đơn khiếu nại giấu tên gửi tới giám đốc của WHO vào năm ngoái, một người đã tố giác có nhiều trường hợp "nhân viên cấp cao của WHO đi cùng bạn gái trong những nhiệm vụ bịa đặt", kể cả trong đợt dịch Ebola ở Tây Phi năm 2014. Nhân viên khác thì tố cáo một nhân sự cấp cao bay từ Geneva đến Australia "trong một chuyến đi tưởng tượng do WHO chi trả", khiến tổ chức thiệt hại 10.900 USD.

2000_3_1.
Một nhân viên y tế đang làm việc tại trung tâm xử lý bệnh dịch tại Beni, phía đông Congo. Ảnh: AP.

 Báo cáo kiểm toán về WHO được đưa ra đúng thời điểm tổ chức này đang có nhu cầu cấp thiết về mặt tài chính.

Giám đốc các chương trình khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan, cho biết chiến lược ngăn chặn sự bùng phát dịch Ebola ở Congo - vốn đã giết chết hơn 1.000 người, tiêu tốn hơn 88 triệu USD và nhu cầu tài chính của tổ chức cho chiến dịch này đang tiếp tục tăng.

"Chúng tôi đã nhận được 34 triệu USD và hiệu còn thiếu số tiền 54 triệu USD", ông Ryan cho biết.

Bà Harman cho rằng WHO cần quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu của các nhân viên tiền tuyến trong những đợt dịch bệnh chết người bùng phát. Các nhân viên y tế, nhiều người trong số họ không được trang bị để tự vệ, đã bị giết hại ở Congo bởi các chiến binh không tin vào việc tiêm chủng.

"Có một sự thiếu kết nối giữa thực tế là những người đang chôn lấp an toàn ở Congo thì không được trả tiền, trong khi có những người ở WHO sử dụng quỹ di chuyển để trả cho chiếc vé hạng thương gia của họ", bà Harman nói.

Ý kiến của bạn

Bình luận