Phổ cập bơi cho học sinh là cần thiết để giảm thiểu nguy cơ tai nạn đuối nước đối với trẻ em |
Hà Nội dự kiến phổ cập bơi cho gần 110.000 học sinh toàn thành phố theo hình thức cuốn chiếu. Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng hệ thống bể bơi hiện có trong trường học và các trung tâm thể thao cấp quận, huyện của Hà Nội, việc thực hiện phổ cập bơi sẽ không khả thi.
Sức ép từ nguy cơ đuối nước
Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, tính đến tháng 10-2017, thành phố có 728 trường tiểu học, 617 trường THCS với tổng số hơn 1,1 triệu học sinh. Trong số này, có một lượng lớn học sinh chưa biết bơi và cần được dạy trong thời gian tới bởi Hà Nội có diện tích rộng, nhiều sông, ao, hồ và các công trình đang xây dựng, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cao đối với học sinh.
Thực tế là từ năm 2016, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có công văn yêu cầu phòng GD-ĐT các quận, huyện, thị xã tăng cường triển khai công tác giáo dục tuyên truyền phòng tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh. Sở cũng phối hợp với Sở VH-TT xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn cho các giáo viên cốt cán, có chuyên môn và kinh nghiệm giảng dạy bơi cho học sinh theo chương trình dạy bơi an toàn và phương pháp cấp cứu đuối nước của các quận, huyện.
Tuy nhiên, có một số địa phương đã xây dựng kế hoạch nhưng giải pháp tổ chức thực hiện chưa khả thi, cá biệt có nơi hiện nay chưa có bể bơi nào được xây dựng hay lắp đặt trong trường công lập như các huyện Thạch Thất, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Thường Tín…
Theo ông Phạm Ngọc Tuấn - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT Hà Nội, việc xây bể bơi mini trong nhà trường, công năng sử dụng chưa cao do cơ chế quản lý còn bất cập. Ngoài ra, thời tiết ở Hà Nội (tính theo thời gian trong 1 năm học) thường lạnh nhiều hơn nóng. Đây cũng là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc dạy bơi trong nhà trường. Ngoài ra, một số khó khăn khác mà các trường đang gặp phải là kinh phí đầu tư xây dựng; trường có khả năng huy động được vốn lại không có diện tích…
Phổ cập bơi cho học sinh là cần thiết để giảm thiểu nguy cơ tai nạn đuối nước đối với trẻ em |
Mô hình bể bơi thông minh, bể bơi mi ni có hiệu quả
Trước nhiều bất cập trong việc xây dựng bể bơi trong trường học tại Hà Nội, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, nhiều quận, huyện đã triển khai lắp đặt bể bơi thông minh trong nhà trường rất hiệu quả như Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Đông Anh, Tây Hồ, Hoàng Mai….
Trong đó, Phòng GD-ĐT quận Thanh Xuân còn tham mưu cho UBND quận ban hành đề án phát triển giáo dục của quận, xác định chỉ tiêu phổ cập bơi cho học sinh tiểu học đến năm 2020 là trên 90% học sinh (đủ sức khỏe) học xong tiểu học biết bơi. UBND quận hỗ trợ 30% kinh phí cho học sinh học bơi; quận Cầu Giấy phối hợp với trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao dạy miễn phí cho học sinh trên địa bàn…
Từ ví dụ này, ông Phạm Ngọc Tuấn cho rằng, cần có sự vào cuộc, hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Hơn nữa, thành phố cần có chính sách hợp lý cho đội ngũ giáo viên giảng dạy môn bơi, vì một lớp học bơi trung bình từ 20-25 học sinh, ít nhất phải có 2 giáo viên dạy và quản lý mới có hiệu quả.
Nhằm hạn chế những tai nạn thương tích cho học sinh, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội nhấn mạnh, thời gian tới, các phòng GD-ĐT cần chủ động tham mưu với UBND quận, huyện đầu tư kinh phí cho các nhà trường xây bể bơi mini hoặc bể bơi thông minh để dạy bơi cho học sinh trong dịp hè; tăng cường công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có chuyên môn bơi để tự đảm nhiệm việc dạy bơi cho học sinh; Rà soát số học sinh chưa biết bơi để xây dựng kế hoạch sát với thực tế từng năm và triển khai công tác dạy bơi cho học sinh đạt hiệu quả cao.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Hà Nội, năm 2017, thành phố có 26 bể bơi mini, 94 bể bơi được phòng GD-ĐT phối hợp dạy bơi cho học sinh. Dự kiến, năm 2018, thành phố sẽ có 232 bể bơi phục vụ học sinh tham gia chương trình phổ cập bơi với số lượng học sinh là 109.772 em. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.