Bến Tre: Ưu tiên phát triển đường thủy nội địa

Tác giả: Sơn Khê

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 03/09/2017 15:13

Nhằm từng bước siết chặt quản lý phương tiện thủy nội địa, đảm bảo TTATGT và giảm thiểu TNGT đường thủy nội địa trên địa bàn, UBND tỉnh Bến Tre ưu tiên phát triển đường thủy để chia sẻ với đường bộ.

 

2
Du lịch trên sông Hàm Lương - tỉnh Bến Tre

 

Cần ưu tiên chính sách cho giao thông thủy

Bến Tre có 4 sông lớn là sông Tiền, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên và sông Ba Lai chảy qua với tổng chiều dài 295km. Mực nước thủy triều của các sông tương đối ổn định, thuận lợi cho hoạt động giao thông đường thủy nội địa phát triển. Tuy nhiên thực tế cho thấy, do hệ thống giao thông đường bộ ngày nay phát triển mạnh nên nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân theo đường bộ chiếm đa số.

Hiện Bến Tre có đến 204 bến cảng thủy nội địa, bao gồm 40 bến khách ngang sông, 161 bến thủy nội địa và 3 cảng thủy nội địa. Cảng, bến thủy nội địa nằm trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia quản lý chuyển giao Sở GTVT Bến Tre cấp, đổi giấy phép hoạt động là 111 bến, cảng thủy nội địa. 

Hiện nay, những khó khăn mà địa phương này gặp phải cũng tương tự như các địa phương khác. Tuy nhiên, để thay đổi bộ mặt giao thông thủy, các cơ quan, sở, ban, ngành cần có những ưu tiên chính sách cho giao thông thủy để tận dụng lợi thế, giảm áp lực cho giao thông đường bộ.

UBND tỉnh Bến Tre cũng đã ban hành các văn bản có liên quan và các quy định nhằm tháo gỡ những khó khăn tại khu vực và góp phần phát triển giao thông đường thủy nội địa tại địa phương.

Đại diện Sở GTVT Bến Tre cho biết thêm, thời gian tới sẽ tăng cường rà soát đảm bảo các bến cảng, bến thủy nội địa phải được cấp phép hoạt động theo quy định; rà soát các bến bốc xếp hàng hóa vi phạm hành lang bảo vệ cầu và đề xuất lộ trình bắt buộc di dời, phối hợp chính quyền địa phương rà soát các sào đáy gây cản trở, mất an toàn cho phương tiện lưu thông trên đường thủy nội địa được giao quản lý.

Địa phương cũng đã xây dựng và ban hành đề án riêng để quản lý và phát triển bến thủy nội địa. Lãnh đạo Sở GTVT Bến Tre cho biết, qua khảo sát thực tế, hoạt động bến khách ngang sông còn rất nhiều bất cập như: Chưa lập quy hoạch, đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp, khai thác hoạt động hệ thống bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh; công tác quản lý nhà nước chưa hiệu quả dẫn đến tình trạng tranh giành khách, thưa kiện, khiếu nại xảy ra thường xuyên. Mặt khác, một số bến hoạt động kém hiệu quả nên không có kinh phí để duy tu, sửa chữa phương tiện thường xuyên, mua sắm trang thiết bị cho hành khách (phao cứu sinh, phòng chống cháy nổ…) dẫn đến cơ sở hạ tầng, phương tiện xuống cấp, không đảm bảo trật tự an toàn trong hoạt động vận tải hành khách ngang sông.

Hầu hết bến khách ngang sông do UBND các xã, phường, thị trấn giao cho các cá nhân quản lý, hình thức khai thác vận chuyển khách chủ yếu bằng hình thức đấu thầu thu nộp ngân sách cho UBND cấp xã. Thêm vào đó, do thời hạn giao khai thác bến ngắn nên chủ bến ít chú ý đến việc đầu tư xây dựng nâng cấp, cải tạo bến, mua sắm phương tiện, trang thiết bị mà chỉ chú ý đến khai thác nhanh để thu hồi vốn.

 

Thực hiện tốt đề án

quy hoạch

Với thực trạng nêu trên, các đơn vị cần thực hiện mục tiêu đề ra nhằm thống nhất và chuẩn hóa các bến khách ngang sông về vị trí, quy mô kết cấu hạ tầng bến bãi, phương tiện hoạt động và các trang thiết bị an toàn cho hành khách phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật và nhu cầu, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, đây cũng là điều kiện để từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, siết chặt điều kiện kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện, nhằm đảm bảo TTTATGT vận tải đường thủy nội địa và đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân.

Theo Đề án quản lý và phát triển bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre đến năm 2020, tỉnh sẽ quy hoạch và mở mới 5 bến tại huyện Bình Đại, huyện Chợ Lách 02 bến, huyện Mỏ Cày Bắc và huyện Ba Tri - Thạnh Phú 01 bến.

Ngoài ra, Sở GTVT cũng sẽ tổ chức công bố, công khai Đề án để các tổ chức, cá nhân được biết. Đồng thời, Sở tập trung chỉ đạo, theo dõi giám sát công tác đào tạo cấp giấy chứng nhận học tập pháp luật giao thông đường thủy nội địa; phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề trong việc đào tạo cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển phương tiện.

Sở tiếp tục phối hợp với cơ quan đăng kiểm trên địa bàn để cấp giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa, giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho các phương tiện chở khách ngang sông một các đồng bộ và theo đúng quy định. Sở cũng quan tâm, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Đề án này ở các địa phương trong tỉnh và xử lý nếu có vi phạm, từ đó tổng hợp những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, xem xét và đề xuất với UBND tỉnh điều chỉnh đề án cho phù hợp với thực tế o

Ý kiến của bạn

Bình luận