Siết chặt công tác đào tạo, cấp GPLX |
Còn nhiều lỗ hổng trong việc cấp GPLX
Thực tế cho thấy, thời gian gần đây đã liên tiếp xảy ra các vụ TNGT liên hoàn gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Tại vụ tai nạn trên tuyến đường Nguyễn Biểu, quận 5, TP. Hồ Chí Minh vào tối 22/7 vừa qua, xe ô tô bán tải đang di chuyển từ vỉa hè xuống lòng đường thì bất ngờ mất lái đâm vào 2 xe gắn máy đang lưu thông. Chưa dừng lại, chiếc xe này tiếp tục lao tới chân cầu chữ Y tông vào 3 xe gắn máy khác và chỉ dừng lại khi bị người dân chặn giữ. Vụ tai nạn khiến 4 người phải nhập viện cấp cứu. Vụ tai nạn liên hoàn vào ngày 13/6 trên tuyến đường Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội, xe ô tô bán tải Ford Ranger biển kiểm soát 29C.938.87 chạy trên đường Bà Triệu hướng ra phố Thái Phiên - Lê Đại Hành thì va chạm với một xe máy và xe đạp điện. Sau đó, xe tiếp tục húc các phương tiện trên vào 2 xe taxi đi cùng chiều và chỉ dừng lại khi va chạm với xe 16 chỗ... Vụ tai nạn đã khiến 01 người tử vong và 02 người bị thương nặng.
Theo đại diện Trung tâm nghiên cứu ATGT, Học viện Cảnh sát Nhân dân, TNGT liên hoàn trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản của vấn đề vẫn là kỹ năng và ý thức của người lái xe. Đáng chú ý, đa số người gây ra tai nạn đều có đầy đủ điều kiện điều khiển phương tiện. Nhưng với những vụ tai nạn liên hoàn liên tục xảy ra thì dư luận có quyền đặt ra câu hỏi liệu việc đào tạo kỹ năng lái xe hiện nay có vấn đề hay không?
Anh Phạm Minh Tiến - một người sử dụng ô tô và hành nghề lái xe nhiều năm tại Hà Nội nhận định, hệ thống đào tạo, việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe của Việt Nam hiện nay còn thiếu tính thực tiễn và còn nhiều lỗ hổng, người lái xe không được đào tạo đầy đủ và căn bản dẫn đến gây ra nhiều vụ tai nạn. Bây giờ có thể dễ dàng lấy được bằng lái ô tô sau khi học vài buổi thực hành và thuê xe “chíp” đi trong sa hình; lý thuyết được “chống trượt”. Do đó, khi ra đường với lượng xe tham gia giao thông dày đặc như hiện nay hoặc khi gặp tình huống hàng chục chiếc xe máy, ô tô, xe bus, xe đạp, người đi bộ... vây quanh thì người lái xe sẽ “bó tay” không biết xử lý tình huống như thế nào.
Đại tá Phương Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện, Bồi dưỡng nghiệp vụ và Đào tạo lái xe (C67), Bộ Công An cũng cho biết, theo quy định thời gian đào tạo ô tô các hạng B1, B2, D và E thì lý thuyết là 1/3 thời gian, thực hành là 2/3 thời gian; hạng C thì lý thuyết là 1/4 thời gian, thực hành là 3/4 thời gian. Kết thúc khóa học, học viên phải qua thi kiểm tra cấp chứng chỉ sơ cấp, chứng chỉ đào tạo. Chỉ những thí sinh đạt kết quả kỳ thi này mới được dự sát hạch, cấp GPLX. Các môn thi này bao gồm pháp luật giao thông đường bộ theo bộ câu hỏi sát hạch lý thuyết và thực hành lái xe với các bài thi liên hoàn, bài tiến lùi chữ chi và lái xe trên đường. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lỗ hổng trong việc cấp bằng lái xe tại Việt Nam, người lái xe không được đào tạo căn bản, thời gian thực hành bị bớt xén; lý thuyết học qua loa, chất lượng đào tạo bị thả lỏng, có hiện tượng các trung tâm không coi trọng chất lượng, chỉ chú trọng đến lợi ích. Có trung tâm còn đến tận các xã, phường để chiêu sinh và dạy tại chỗ, trong khi ở những điểm này sân tập không đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn, người học không được lái thử trên sa hình, sườn dốc, đường trơn trượt, do vậy rất thiếu kỹ năng khi lái xe tham gia giao thông; việc nhiều người quen với việc lái xe số tự động nhưng phải học và trải qua kỳ thi với xe số sàn nên khi điều khiển phương tiện rất dễ xảy ra tai nạn.
Siết chặt công tác quản lý, đào tạo
Theo bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN, công tác sát hạch cấp GPLX của các cơ sở trong những năm gần đây tuy đã có những bước cải tiến, tiến bộ, tuy nhiên chất lượng sát hạch, cấp GPLX của cơ sở này hoặc cơ sở khác trong từng thời điểm vẫn thiếu nghiêm túc, vẫn còn tình trạng nhân nhượng, tiêu cực xảy ra để cho ra “giấy phép thật” nhưng “kiến thức giả”, đó là chưa kể đến tình trạng giấy phép giả xảy ra ở nhiều địa phương, thậm chí rao bán công khai trên cả các trang mạng xã hội nhưng chưa có biện pháp xử lý triệt để.
“Nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, các cơ sở đào tạo, sát hạch cấp GPLX thực sự chưa đáp ứng với yêu cầu thực tiễn đòi hỏi, có thể khái quát trên mọi phương diện như: Hệ thống giáo trình, tài liệu phục vụ học tập chắp vá, hệ thống phòng học thiếu chuyên nghiệp, hệ thống nhà xưởng nhiều cơ sở chưa được xây dựng hoặc nếu có chỉ đơn sơ, hình thức, đối phó; đội ngũ giáo viên tuyển dụng thiên hướng tìm kiếm công ăn việc làm, chưa đạt chuẩn, các cơ sở tự tuyển dụng theo chủ quan của cơ sở đào tạo, chủ yếu là hợp đồng ngắn hạn hoặc giáo viên đứng trên danh nghĩa để đủ điều kiện cấp phép đào tạo; hệ thống sân bãi, phòng học chuyên dùng chưa đạt chuẩn, phương tiện dạy lái chủ yếu là các phương tiện cũ không đạt tiêu chuẩn… dẫn đến chất lượng đào tạo, sát hạch cấp GPLX chưa đáp ứng yêu cầu thực tế đòi hỏi”, bà Phan Thị Thu Hiền cho hay.
Cũng theo bà Hiền, hiện nay công tác đào tạo lái xe được thực hiện theo chủ trương xã hội hóa, việc quản lý của các cơ quan nhà nước vừa được siết chặt, vừa mở rộng tính công khai minh bạch để tạo cơ chế kiểm tra, giám sát của xã hội, người dân. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển về số lượng, cơ sở vật chất của cơ sở đào tạo lái xe ô tô và trung tâm sát hạch lái xe đã được đầu tư, xây dựng theo hướng hiện đại: Sân tập lái được bê tông hóa hoặc thảm nhựa, chuẩn hóa các hình thi phù hợp với các tình huống trong thực tế; xe tập lái được đổi mới, đạt tỉ lệ 60% niên hạn dưới 10 năm; đội ngũ giáo viên từng bước được chuẩn hóa theo quy định về chuẩn giáo viên dạy sơ cấp nghề; sát hạch từ hình thức dựng cọc các hình thi trên sân, chấm thi thủ công trực tiếp bởi sát hạch viên thì đến nay được tự động hóa do thiết bị tự chấm điểm từ khâu lý thuyết đến thực hành trong sân và lái xe 02km trên đường giao thông công cộng, hạn chế tối đa sự tác động của con người vào kết quả sát hạch. Việc công khai hóa được thực hiện qua màn hình đặt tại phòng hội đồng và phòng chờ của thí sinh để mọi người theo dõi, giám sát.
Bộ giáo trình đào tạo lái xe ô tô gồm 5 môn học: Cấu tạo ô tô - Luật Giao thông đường bộ - Sửa chữa thông thường ô tô - Nghiệp vụ vận tải - Kỹ thuật lái xe ô tô đã được nghiên cứu biên soạn, sửa đổi nhiều lần trên cơ sở tham khảo tài liệu các nước Nhật Bản, Singapore, có chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở soạn giáo án giảng dạy thống nhất trong cả nước. Sau khi sửa đổi lần thứ 3 năm 2011, giáo trình đã bổ sung nội dung giáo dục đạo đức, văn hóa ứng xử của người lái xe khi tham gia giao thông, kỹ năng xử lý các tình huống trên đường, sơ cấp cứu người bị TNGT. Các nội dung về đảm bảo ATGT cho người lái xe cũng đã được đưa vào đào tạo, bảo đảm người lái xe có đủ kỹ năng cần thiết để vận hành xe an toàn, góp phần đảm bảo ATGT.
Thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, 7 tháng đầu năm 2017, cả nước xảy ra 11.172 vụ TNGT, làm 4.760 người chết và 9.236 người bị thương; so với cùng kỳ năm 2016, số vụ TNGT giảm 682 vụ (-5,75%), số người chết giảm 263 người (-5,23%) và số người bị thương giảm 1.050 người (-10,21%). Lực lượng CSGT kiểm tra, xử lý 2.420.824 trường hợp vi phạm ATGT, phạt tiền 1.519,32 tỷ đồng, tạm giữ 22.679 xe ô tô và 340.001 mô tô, tước 219.791 GPLX. Con số thống kê vẫn cho thấy mức độ nguy hiểm đáng báo động về ATGT cả nước
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.