Có rất nhiều điều để học hỏi từ sự nghiệp và cuộc đời thú vị của người phụ nữ dám nghĩ dám làm này. |
Yoshiko Shinohara mở văn phòng nhân sự đầu tiên mang tên TempStaff vào năm 1973. Từ tính cách bất chấp, mạo hiểm tất cả để lập nghiệp mà bà đã trở thành một trong 50 người phụ nữ quyền lực nhất giới kinh doanh, theo tạp chí Fortune.
Sẵn sàng mạo hiểm tất cả mọi thứ
Nhận thấy hầu hết phụ nữ Nhật Bản chỉ làm những công việc nhàm chán như bưng trà rót nước, Shinohara quyết định rời quê hương đến châu Âu, châu Úc lập nghiệp. Khi làm việc tại một công ty ở Sydney, Úc, bà nhận thấy công việc của thư ký là đánh máy cả ngày. Nếu có người phụ giúp đánh máy, họ sẽ có nhiều thời gian để làm những việc chuyên môn khác. Điều đó đã giúp bà nảy ra ý tưởng mở công ty về nhân viên thời vụ.
Sau khi trở về Nhật Bản vào năm 1973, bà dùng chính căn hộ nhỏ chỉ có một phòng ngủ của mình ở Tokyo làm văn phòng đầu tiên cho công ty. Cung ứng nhân sự thời vụ vào thời điểm đó là một công việc hoàn toàn mới lạ và đầy rủi ro.
Hệ thống nhân viên thời vụ bị coi là bất hợp pháp tại Nhật lúc bấy giờ. Thay vì thay đổi ý tưởng kinh doanh, Shinohara đã chọn cách mạo hiểm. Dù không ít lần bị Bộ Lao Động gọi lên “nói chuyện” nhưng bà vẫn liên tục vận động thay đổi luật về việc làm thời vụ.
“Chẳng có gì sai trái khi giới thiệu nhân viên làm việc bán thời gian cho những công ty cần nhân lực ngắn hạn mùa cao điểm. Dẫu có bị vào tù thì tôi vẫn cố gắng để thay đổi tư tưởng bảo thủ của mọi người về ngành kinh doanh mới mẻ này. Và sau vài năm vận động, luật về việc làm thời vụ đã được thay đổi rồi”, bà Shinohara chia sẻ với tờ Harvard Business Review.
Muốn đóng góp vào nền kinh tế của đất nước
Không giống như nhiều triệu phú và tỷ phú lập nghiệp khác, Shinohara không hề có ý định trở thành 1% người giàu có nhất thế giới. Bà chỉ đơn giản muốn đóng góp vào nền kinh tế của đất nước, đấu tranh cho nữ giới không còn bị cho là làm những công việc vô ích.
Shinohara đã tạo cơ hội việc làm cho nhiều phụ nữ sống trong chế độ trọng nam khinh nữ hà khắc ở Nhật Bản thời đó. Chính các dịch vụ cung ứng lao động ngắn hạn đã mở rộng cánh cửa nghề nghiệp cho phụ nữ Nhật Bản.
“Tôi hi vọng phu nữ có thể phát huy hết năng lực trong các công ty, tập đoàn, xóa bỏ mọi phân biệt đối xử. Họ có thể làm việc hết mình và nhận được những phần thưởng xứng đáng với công sức đã bỏ ra”, bà Shinohara chia sẻ.
Quyết định ly hôn khi cảm thấy không hạnh phúc
Chỉ một thời gian ngắn sau khi kết hôn, Shinohara đã quyết định ly dị chồng ngay lập tức: “Tôi nhận thấy rằng bản thân không hạnh phúc trong cuộc sống hôn nhân. Người ấy không phải là người phù hợp với tôi”.
Mặc dù mẹ và anh trai ngăn cản, bà vẫn quyết tâm kết thúc cuộc sống vợ chồng. Shinohara nghĩ rằng bà phải làm một điều gì đó cho bản thân và xã hội hơn là trở thành một người nội trợ quanh quẩn bếp núc như hầu hết phụ nữ khác vào thời điểm đó. Đó là lý do vì sao bà quyết định sang châu Âu và châu Úc làm việc.
Thay đổi tư tưởng, tuyển dụng nam nhân công để phát triển sự nghiệp
Ban đầu, công ty TempStaff chỉ tuyển dụng nữ giới và coi đó là giá trị hoạt động cốt lõi của công ty. Thế nhưng, Shinohara nhận thấy đó là sai lầm trong kinh doanh, có những công việc nữ giới không thể làm được và cũng có những công việc không dành cho nam giới. Doanh thu của công ty sẽ bị sụt giảm vì điều đó. Hơn thế nữa, bà muốn tạo một sự cân bằng nên quyết định thay đổi tư tưởng và tuyển dụng thêm nam giới.
“Năm 1988, nữ quản lý của tôi đã bác bỏ ý kiến tuyển dụng nhân công nam. Cô ấy cho rằng công ty không cần những “sinh vật” như vậy. Thế nhưng tôi lại cho rằng sự cân bằng nam giới và nữ giới là yếu tố cần thiết cho sự phát triển của công ty. Hiện nay, công ty của tôi đã có 40% nhân sự là nam giới, một sự thay đổi khác hoàn toàn so với những ngày đầu thành lập”.
Giờ đây, khi đã hơn 80 tuổi, nhiệt huyết kinh doanh của Yoshiko Shinohara vẫn không hề suy giảm. Bà vẫn tiếp tục chỉ đạo mở rộng hoạt động của công ty sang nhiều lĩnh vực mới, đặc biệt là các lĩnh vực như y tế, giáo dục và IT.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.