Hoang mang vì hàng loạt xe khách bốc cháy không rõ nguyên nhân

Ý kiến phản biện 09/02/2017 16:06

Liên tục những ngày gần đây xảy ra hàng loạt vụ ô tô đang lưu thông trên đường, đặc biệt là xe khách, bỗng nhiên bốc cháy.

 

Hoang mang vì hàng loạt ô tô bốc cháy không rõ ngu
Xe khách BS 66B-004.16 bị cháy trơ khung.

5 ngày 3 vụ cháy xe khách

Mới nhất, khoảng 7 giờ 30 phút sáng qua 7/2, trên tuyến đường tránh TT.Đức Phổ, H.Đức Phổ (Quảng Ngãi), xe khách BS 43B-019.36 do tài xế Lê Văn Minh (45 tuổi, ở Quảng Nam) điều khiển chở 4 nhân viên nhà xe và 10 hành khách chạy từ TP.HCM về Đà Nẵng, bỗng nhiên phát nổ rồi bốc cháy. Nguyên nhân ban đầu được xác định là bố thắng quá nóng, cọ xát gây nổ bánh xe, dẫn đến bốc cháy.

Trước đó, khoảng 6 giờ ngày 3/2, xe khách BS 81B-010.96 chạy tuyến Gia Lai - Quảng Bình đang lưu thông trên đường Hồ Chí Minh, đến địa phận xã Phước Xuân, H.Phước Sơn (Quảng Nam) thì bốc cháy. Thời điểm này, trên xe có 7 người, gồm 3 hành khách và 4 người của nhà xe. Lái xe Thái Văn Lời (41 tuổi, trú H.Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đã kịp hãm phanh để mọi người nhảy ra thoát hiểm.

Chưa đầy 24 giờ sau, ngày 4/2, xe khách 29 chỗ BS 66B-004.16 do tài xế Nguyễn Hữu Lộc (60 tuổi, quê Đồng Tháp) điều khiển chở khách từ Đồng Tháp lên TP.HCM. Khi lưu thông trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đến địa bàn H.Bến Lức (Long An) thì bất ngờ xe bốc cháy. Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Long An điều 2 xe chữa cháy cùng nhiều chiến sĩ đến hiện trường dập lửa. Sau 30 phút, lửa được dập tắt nhưng xe khách chỉ còn trơ khung. Tài xế và tất cả hành khách trên xe an toàn, nhưng một phen hoảng loạn.

Truy nguyên nhân “khó khăn lắm !”

Hôm qua 7.2, Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an (đóng tại TP.Đà Nẵng) cùng các điều tra viên của CQĐT Công an H.Phước Sơn lấy mẫu giám định và tổ chức khám nghiệm lại đối với xe khách giường nằm BS 81B-010.96. Đã 4 ngày sau vụ cháy xe nhưng CQĐT vẫn chưa thể công bố nguyên nhân. “Xe cháy rụi giữa rừng, không để lại dấu vết. Khó khăn lắm!”, đại tá Nguyễn Giới, Trưởng công an H.Phước Sơn, nói. Trước nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn, đại tá Nguyễn Giới lưu ý các nhà xe phải hết sức cẩn trọng đối với hệ thống điện, nhất là kiểu trang trí đèn gắn thêm vào xe dễ gây cháy.

Tương tự, nguyên nhân cháy xe BS 66B-004.16 trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương cũng chưa được xác định. Chiều 7.2, một đăng kiểm viên tỉnh Long An đưa ra nhận định: Rò rỉ xăng có thể là nguyên nhân dẫn đến cháy. Loại nhiên liệu này có thể tự bốc hơi ở 7,2 độ C, do đó chỉ cần một tia lửa cũng dễ dàng bốc cháy. Do xăng thường rò rỉ ở đầu nối bị hở hay ống dẫn bị lão hóa nên cách tốt nhất là thường xuyên kiểm tra xe và bảo dưỡng đúng quy cách. Thứ hai, hệ thống điện bị hỏng có thể làm phát ra tia lửa điện châm lửa cho các chất dễ cháy bị rò rỉ bùng lên thành ngọn lửa. Hệ thống điện không chỉ gói gọn ở khoang động cơ mà có mặt ở khắp xe ô tô từ bảng đồng hồ đến cửa ra vào, dưới thảm trải sàn, dưới ghế.

Cần câu trả lời cụ thể cho dân

TS Nguyễn Lê Ninh, nguyên cán bộ giảng dạy Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng về nguyên tắc, khi thiết kế và sản xuất ô tô, nhà sản xuất đã tính toán rất kỹ về hệ số an toàn để tránh xảy ra sự cố cháy nổ khi phương tiện vận hành đúng kỹ thuật. Những sự cố cháy nổ liên tiếp như vừa qua có thể do cách thức vận hành của người sử dụng phương tiện đã vượt quá hệ số an toàn đó. “Có một lý do mà tôi suy ra từ nguyên lý chung, đó là do quá tải. Khi ô tô chở quá tải, kết hợp với chạy nhanh, liên tục trong một thời gian dài sẽ khiến động cơ nóng lên và tỏa nhiệt không kịp. Khi động cơ quá nóng, các dây dẫn điện bị nóng chảy, bị chập rồi phát ra tia lửa điện; nhiên liệu xăng dầu chứa bên trong cũng vì động cơ quá nóng sẽ bốc hơi. Về mặt lý thuyết, 2 yếu tố đó “gặp nhau” thì bắt lửa dẫn đến phát cháy ngay”, ông Ninh giải thích.

Tương tự, ông Phạm Đăng Lộc, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 2903S (Ngọc Khánh, Hà Nội), phân tích: “Một số xe khách lắp thêm các thiết bị sử dụng điện trong khi trên ô tô, xe khách, dòng điện phải theo đúng quy định của nhà sản xuất, chỉ sử dụng được cho đài, màn hình nhỏ. Việc lắp thêm thiết bị khiến dây dẫn không chịu được tải, chảy nhựa gây chập, âm ỉ kéo dài sẽ dẫn đến cháy. Việc chập dây rất khó biết, nếu không phát hiện kịp thời thì sẽ gây cháy. Thứ hai là các xe khách lâu năm, chạy nhiều, bản thân dây dẫn có sự lão hóa vì lúc nào cũng phải sinh nhiệt, cũng dẫn đến chập cháy. Nhưng hiện tượng này khi kiểm định khó phát hiện ra vì dây điện nằm trong các ngóc ngách”.

Trong khi đó, PGS-TS Hoàng Mạnh Hùng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) - Giám đốc Trung tâm tư vấn giám định dân sự, cũng nhận định chập điện là một nguyên nhân có thể xuất phát từ việc xe cũ lâu ngày không kiểm tra bảo dưỡng hoặc bị chuột cắn đứt đây. “Dây điện hở, từ đó sinh ra chạm mạch phát ra tia lửa điện gây chập cháy. Tuy nhiên, còn một nguyên nhân khác không thể loại trừ là chất lượng xăng dầu. Nếu xe khách sử dụng dầu diesel tái chế cũng rất nguy hiểm. Độ nhớt trong dầu tái chế cao dẫn đến ống gioăng hở, bị ăn mòn, hơi rò rỉ ra, khiến cho động cơ nóng gây ra cháy”, TS Hùng nói và bày tỏ: “Trách nhiệm quản lý của cơ quan nhà nước là chỉ ra nguyên nhân cụ thể, không thể nói chung chung. Đối với các nhà xe, cũng cần phải nâng cao đạo đức trách nhiệm, nghiêm túc kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng xe, loại trừ những xe cũ, không đảm bảo an toàn khi lưu thông trên đường”.

Tăng cường kiểm tra chất lượng xăng dầu

Trả lời Thanh Niên chiều 7/2 về nghi vấn cháy xe do chất lượng xăng dầu, ông Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ KH-CN), nói: “Giữa năm 2016 cũng rộ lên liên tiếp các vụ cháy xe. Bộ KH-CN đã yêu cầu lấy mẫu kiểm tra. Kết quả chất lượng xăng dầu đều đảm bảo, không có vấn đề gì”. Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận nguyên nhân cháy nổ rất có thể là do chập điện hoặc hệ thống xăng dầu gặp trục trặc. “Chúng tôi sẽ chỉ đạo Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa kiểm tra và yêu cầu các chi cục đo lường, chất lượng địa phương tiếp tục lấy mẫu xăng dầu của xe bị cháy nếu còn sót lại, đồng thời tăng cường kiểm tra chất lượng xăng dầu đang được bán trên thị trường”, ông Vinh khẳng định.

Một số vụ cháy xe đáng lưu ý

Ngoài 3 vụ cháy xe khách kể trên, còn nhiều vụ cháy xe đáng lưu ý khác:

- 6/2/2017, xe container BS 51C-015.28 chở hoa quả bất ngờ bốc cháy dữ dội ở cabin khi đang lưu thông trên cầu Thanh Trì (Q.Hoàng Mai, Hà Nội).

- 30/12/2016, xe khách 16 chỗ biển kiểm soát Hà Nội lưu thông trên QL1A hướng Lạng Sơn - Hà Nội, đến xã Hòa Lạc, H.Hữu Lũng (Lạng Sơn) bất ngờ bốc cháy dữ dội.

- 28/12/2016, xe khách biển kiểm soát Phú Thọ chạy từ trung tâm Hà Nội đi Hòa Lạc, đến gần cầu An Khánh thì lửa phát ra từ phía đuôi xe, sau đó cháy trơ khung.

- 3/12/2016, một xe khách giường nằm chở 25 hành khách đi từ TP.HCM đến Quảng Ngãi, khi đang lưu thông trên QL1 đến đoạn KP.Long Bình, TT.Chí Thanh, H.Tuy An (Phú Yên) thì bốc cháy.

- Ngày 29/8/2016, xe khách lưu thông trên QL1 hướng TP.HCM về Bến Tre, đến đoạn Km 1942+500 thuộc xã Nhị Thành, H.Thủ Thừa (Long An), máy xe ở phía sau bốc khói, ngọn lửa bùng phát ra ngoài.

Ý kiến của bạn

Bình luận