Các nhà nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng sự biến đổi khí hậu rất có thể đã tạo ra những ảnh hưởng nhất định lên trục tự quay của Trái đất. Chúng ta đều biết Trái đất tự quay quanh một trục tưởng tượng theo hướng từ Tây sang Đông, một vòng quay kéo dài 24 giờ và bản thân trục không có thực này cũng chuyển động. Điều này có nghĩa là hai cực Bắc và Nam của Trái đất thật ra đang di chuyển, trong đó, cực Bắc đang hướng về phía nước Anh.
Nguyên nhân của hiện tượng trên được giải thích là có liên quan đến việc các tảng băng trôi khổng lồ tại hai cực Nam, Bắc bị tan chảy - một hệ quả không thể chối cãi của biến đổi khí hậu. “Băng trôi tan chảy ở Greenland không có nghĩa là khối lượng khổng lồ của nó hoàn toàn biến mất, ngược lại, khối lượng này chỉ đang được tái phân bổ đến nhiều địa điểm khác nhau. Điều này khiến cho trục quay của Trái đất có xu hướng chuyển động theo một hướng mới - chính là sự dịch chuyển của các cực,” Surendra Adhikari, một nhà nghiên cứu thuộc trung tâm Jet Propulsion của Caltech và NASA nói.
Đồng nghiệp của Adhikari, Erik Ivins cho biết, nghiên cứu của ông và Adhikari không khẳng định sự biến đổi khí hậu do con người gây ra, là nguyên nhân dẫn đến sự di chuyển của hai cực Nam, Bắc. “Chúng tôi chỉ đơn giản quan sát những thay đổi khối lượng và trọng lực trên bề mặt Trái đất, do hệ thống vệ tinh đôi GRACE của NASA ghi nhận, và gắn chúng với xu thế chuyển động của hai cực Trái đất.”
Tuy nhiên, hiện có khá nhiều nghiên cứu cho rằng sự nóng lên của Trái đất chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc tan chảy hàng loạt các núi băng trôi khổng lồ, không chỉ tại Greenland hay Nam Cực mà còn ở một số dòng sông băng rải rác trên khắp thế giới. Một nghiên cứu của NASA chỉ ra rằng, hiện mỗi năm, Greenland mất đi 287 tỷ tấn băng, trong khi con số cho Nam Cực là 134 tỉ tấn.
Trục quay của Trái đất, mặc dù không tồn tại hiện hữu, nhưng vẫn được coi là chìa khóa giải thích cho những chuyển động tự nhiên của hành tinh này. Trục Trái đất chưa bao giờ ngừng hoạt động. Sự chuyển động của các yếu tố bên trong, sự thay đổi khối lượng trên bề mặt (có thể là kết quả của hiện tượng băng tan) hay thậm chí sự di chuyển của các luồng không khí trên Trái đất.. cũng có thể là một nguyên nhân khiến trục quay này không đứng yên. Các nhà khoa học đã theo dõi sự di chuyển của trục Trái đất trong vòng 115 năm qua, và cho đến tận năm 2000, cực Bắc vẫn trôi về phía Canada.
Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó, các nghiên cứu lại nhận ra rằng, sự chuyển động này bất ngờ đổi hướng và giờ đây cực Bắc lại đang hướng về phía nước Anh và châu Âu. Tốc độ di chuyển cũng tăng nhanh, mặc dù không quá rõ rệt. Khi còn trôi về phía Canada, mỗi năm cực Bắc dịch chuyển khoảng 7 đến 8 cm. Giờ đây, theo Adhikari, hàng năm, quãng đường di chuyển mỗi năm của cực Bắc lên tới 16 đến 18 cm.
Minh họa cho hướng di chuyển của cực Bắc, có thể thấy trước năm 2000, cực Bắc trôivề hướng Canada (ảnh: NASA) |
Tại sao các cực lại di chuyển? “Hãy tưởng tượng rằng, chúng ta có một khối cầu đang tự xoay quanh một trục,” Adhikari giải thích, “Nếu bạn bỏ đi một số đồ tại một điểm nào đó, phần cực sẽ chuyển động về phía khối lượng bị mất đi…” Trước đây, các nhà khoa học cho rằng sự tan chảy của băng trôi từ Greenland và Nam Cực là nguyên nhân dẫn đến sự dịch chuyển của hai cực Trái đất. Nghiên cứu của Adhikari và Ivins đã chỉ ra thêm một nguyên nhân khác: các lục địa và trữ lượng nước của các lục địa đó. “Tại một số nơi, lượng nước dồi dào hơn, có thể do có mưa nhiều, trong khi một số nơi lại khan hiếm nước. Điều này có những đóng góp đáng kể vào sự chuyển hướng của các cực Trái đất,” Adhikari nói. Ngoài ra, một số nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng sự biến mất của các tảng băng trôi còn góp phần làm chậm vận tốc quay của Trái đất.
Trong khi hiện tượng băng tan chảy thường được quy kết cho sự tác động của yếu tố con người (mặc dù trong nghiên cứu của Adhikari không trực tiếp nhắc đến điều này); việc khẳng định con người là nguyên nhân khiến cho sự khan hiếm nước ngày càng nghiêm trọng trên Trái đất, lại chưa thực sự có đủ căn cứ. Sự khan hiếm này có thể xuất phát từ hiện tượng hạn hán hoặc sự thay đổi lượng mưa - điều này có thể coi là ít nhiều có liên quan đến sự thay đổi khí hậu do con người góp phần tạo ra. Tuy nhiên, nó cũng có thể là kết quả của quá trình hàng triệu năm sinh sống của loài người trên hành tinh này. Nước là một yếu tố không thể thiếu cho sự tồn vong của nhân loại, trong khi trữ lượng nước của Trái đất lại không phải là vô hạn.
Adhikara ước tính rằng khoảng 40% nguyên nhân cho sự chuyển động của hai cực Trái đất đến từ Greenland, 25% đến từ Nam Cực và 25% là do sự thay đổi trữ lượng nước trên các lục địa.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.