Không quản ngại nắng mưa, các cụ ông của Đội thi công cầu đường thiện nguyện huyện Lai Vung vẫn miệt mài làm đường, làm cầu vì quê hương. |
Trở lại Lai Vung những năm gần đây mọi người không khỏi bất ngờ trước những thay đổi, cứ ngỡ rằng Lai Vung đang khoác lên mình một chiếc áo mới. Đường sá ở những khu vực nông thôn khi xưa đã được bê tông hóa, không còn cảnh đường đất trơn trượt mỗi khi mưa lũ đến. Nhưng có lẽ phấn khởi nhất đối với bà con nơi đây chính là việc thay thế những cầy cầu ván, cầu tre, cầu khỉ bằng nhưng cây cầu bê tông rộng, kiên cố hơn kết nối hai bên bờ khiến ai nấy cũng điều vui và phấn khởi.
Để đạt được kết quả như ngày hôm nay ngoài việc quan tâm đầu tư của chính quyền các cấp còn có sự ủng hộ, đóng góp từ các mạnh thường quân trong và ngoài nước, bà con nơi xứ quýt hồng Lai Vung. Đặc biệt hơn để có những cây cầu khang trang như ngày hôm nay phải kể đến “Đội thi công cầu đường thiện nguyện huyện Lai Vung”. Đội ra đời năm 2008 do cụ Võ Văn Lộc (84 tuổi) thành lập. Mặc dù các thành viên của đội đều đã ngoài tuổi 70, người trẻ nhất đã quá 50 tuổi, nhưng các cụ vẫn vác cát, uốn bẻ sắt… xây hàng trăm cây cầu gỗ, cầu bê tông vững chắc... Việc làm của các cụ hoàn toàn thiện nguyện, với mục tiêu chung sức xây dựng nông thôn mới.
Theo cụ Võ Văn Lộc, đội thi công cầu đường huyện Lai Vung được ông và mấy anh em trong xóm (xã Tân Hòa) thành lập ban đầu chỉ chục thành viên, dần dà phát triển lên vài chục người, nhưng đến nay thì cũng hơn 120 người, tất cả mọi người điều cùng nhau góp sức, góp tiền xây cầu, làm đường cho dân đi. Những năm đầu, do lực lượng mỏng và kỹ thuật xây cầu còn yếu nên chỉ bắc cầu gỗ và cầu bê tông có tải trọng 1,5 tấn trở xuống.
Cụ Bùi Văn Lợi (74 tuổi) và cụ Nguyễn Hòa Ân (76 tuổi) phụ trách việc bẻ sắt. |
Đa phần các thành viên trong đội không được học ở trường lớp về cách xây dựng cầu, đường nhưng về kỹ thuật xây cầu, cụ Lộc kể "Khoảng năm 2010, tôi và mấy anh em thấy việc xóa cầu gỗ xây cầu bê tông kiên cố ở địa phương là cần thiết. Do vậy, nếu mình bắc cầu có tải trọng 1,5 tấn, ngang 2m thì một vài năm sẽ lỗi thời và khi xây cầu tải trọng đến 5 tấn, đòi hỏi phải tính toán thật kĩ lưỡng về kết cấu bê tông, cốt thép, vấn đề đảm bảo đúng tiêu chuẩn luôn được đặt lên hàng đầu… Nghĩ vậy, tôi và mấy anh em khác trong đội lên nhà chú Hai Đâu (huyện Lấp Vò) học kỹ thuật xây cầu lớn. Nhờ đó, đội xây cầu chúng tôi hiện nay thành thạo trong việc bắc cầu có tải trọng 5 tấn, đảm bảo đúng kỹ thuật của Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường tỉnh Đồng Tháp".
Ngoài việc có kỹ thuật xây dựng cầu thì “lão nông” này còn tổ chức lao động cho từng thành viên trong đội phù hợp với từng nhóm tuổi như: Lớn tuổi làm việc gì, còn trẻ, khỏe thì phụ trách việc nào sao cho hợp lí. Nhờ vậy, kể từ khi đội thành lập đi vào hoạt động đến nay đã xây hàng trăm cây cầu bê tông cốt thép, hàng trăm cây cầu gỗ. Điều đặc biệt tất các cây cầu do biệt đội “lão nông” xây dựng cho đến nay vẫn chưa có cây cầu nào bị sự cố hoặc trong xây dựng xảy ra vấn đề gì.
Kể từ khi những cây cầu được xây dựng hoàn thành thì bà con nơi đây vô cùng phấn khởi và vui mừng vì cầu, đường được lưu thông tạo điều kiện thuận lợi cho bà con vận chuyển hàng hóa, nông sản nhanh chóng góp phần phát triển kinh tế của bà con địa phương. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh có con em đến trường an tâm hơn khi con em đến trường hằng ngày, không phải lo sợ nguy hiểm đi qua những cây cầu ván, cầu tạm như trước kia.
Ông Trần Thành Tài (sinh năm 1952) dù bị mất một chân vẫn tham gia đội xây cầu từ thiện của cụ Lộc mấy năm qua. |
Hiện nay, đội xây cầu của cụ Lộc có hơn 120 thành viên (tập trung ở 4 xã của huyện Lai Vung: Tân Hòa, Vĩnh Thới, Long Hậu, Long Thắng) trong đó số thành viên có tuổi đời trên 60 chiếm hơn 50%, người trẻ tuổi nhất trong đội cũng 50 tuổi. Tất cả các thành viên tham gia với tinh thần tự nguyện, không nhận tiền công hay khoản bồi dưỡng nào. Dẫu biết rằng khi tham gia vào công việc này vô cùng vất vả, nặng nhọc so với độ tuổi của các chú, các bác nhưng với tinh thần hăng hái, lòng nhiệt huyết vì niềm vui của người dân hai bên bờ sông đã thôi thúc các chú làm việc với tinh thần không biết mệt mỏi, nắng mưa đối với các “lão nông” là chuyện bình thường. Khi một tuyến đường hay cây cầu được hoàn thành chính là giúp bà con, các em học sinh đi lại dễ dàng nên mọi người trong đội ai nấy cũng đều vui. Chính niềm vui đó đã tạo động lực để các ông, các chú, các bác tiếp tục xây thêm nhiều, thật nhiều cây cầu mới trên địa bàn trong và ngoài huyện.
Và giờ đây, những người con đi xa quê hương có dịp trở lại thăm quê, cũng như du khách phương xa ghé thăm xứ quýt hồng Lai Vung sẽ ngạc nhiên trước sự đổi thay của mảnh đất nơi đây với những cây cầu bê tông rộng lớn và họ sẽ không ngờ rằng những cây cầu này lại được bắc bởi các cụ ông đã ngoài 70, 80 tuổi ở xứ quýt hồng Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.