Bình Thuận cần phát huy lợi thế các tuyến cao tốc đi qua địa bàn

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 18/05/2023 21:12

Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 3 dự án cao tốc gồm Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Đây là một trong những lợi thế giúp tỉnh thu hút đầu tư và phát triển kinh tế trong tương lai.

Chiều nay (18/5), Đoàn công tác của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng dẫn đầu đã có buổi làm việc với tỉnh Bình Thuận.

Bình Thuận phát huy lợi thế các tuyến đường cao tốc đi qua địa bàn - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi làm việc

Báo cáo với đoàn công tác, lãnh đạo Sở Kế hoạch – Đầu tư Bình Thuận cho biết: Quý I năm 2023, tình hình kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng tích cực ở cả 3 trụ cột: Công nghiệp, du lịch, nông nghiệp. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt hơn 9,8%; Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 10.410 tỷ đồng. Hoạt động du lịch sôi động trở lại, lượng khách du lịch đạt hơn 2 triệu lượt. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 9.200 tỷ đồng.

Về tình hình đầu tư xây dựng, tỉnh tập trung nguồn lực đẩy nhanh triển khai các dự án hạ tầng, các công trình trọng điểm, quan trọng của tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu quý I đạt hơn 203 triệu USD, tăng hơn 9,1% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh những kết quả đạt được, Bình Thuận vẫn đang tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc cần có sự hỗ trợ, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương để tháo gỡ nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 

Tỉnh kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông trục đường ven biển để kết nối thuận lợi giữa tỉnh Bình Thuận với Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ. Tỉnh cũng kiến nghị về việc xử lý tro xỉ tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân, các vấn đề liên quan đến Cảng hàng không Phan Thiết, các vấn đề quy hoạch, đầu tư, xây dựng…

Trong đó ưu tiên việc kết nối vào các tuyến cao tốc Bắc - Nam và sớm xây dựng nút giao Quốc lộ 1 với đường nối vào cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.  Đồng thời nâng cấp tuyến Quốc lộ 55, Quốc lộ 28 đoạn từ nút giao liên thông đường bộ cao tốc Bắc - Nam đến Quốc lộ 1, tuyến đường ĐT.711 kết nối cao tốc với đường ven biển. 

Trả lời về đề xuất xây dựng nút giao Quốc lộ 1 với cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, ông Lê Quyết Tiến, Cục Quản lý Đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, phạm vi này nằm ngoài các dự án đang triển khai. Trên thực tế, khi dự án Phan Thiết - Dầu Giây đưa vào sử dụng nhưng cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết chưa thông xe, cộng thêm việc đưa vào khai thác dịp lễ 30/4 nên dẫn đến tình trạng ùn tắc. Thời gian tới, khi các tuyến cao tốc được đưa vào sử dụng đồng bộ, lượng phương tiện lưu thông qua khu vực này sẽ giảm đi. Về lâu dài, Cục Quản lý Đầu tư xây dựng sẽ phối hợp với Sở GTVT của tỉnh, cân đối nguồn vốn và triển khai dự án.

Bình Thuận phát huy lợi thế các tuyến đường cao tốc đi qua địa bàn - Ảnh 2.

Ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị sớm triển khai sân bay Phan Thiết

Ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận chia sẻ thêm, về tiến độ sân bay Phan Thiết bị chậm nhiều năm. Hiện khó khăn nhất là việc giữa tỉnh và chủ đầu tư (Tập đoàn Rạng Đông) chưa thống nhất được phương án đền bù việc chấm dứt hợp đồng. Chủ đầu tư cho rằng phải bồi hoàn số tiền hơn 160 tỷ đồng và việc này vượt thẩm quyền của tỉnh.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định, Bình Thuận là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ kết nối giao lưu kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt là phát triển bền vững kinh tế biển của quốc gia với nhiều tiềm năng, lợi thế. Do đó, Bình Thuận cần tập trung mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng. 

UBND tỉnh Bình Thuận cần lưu ý đến đầu tư xây dựng sân bay Phan Thiết và cảng biển đón khách để mở cửa bầu trời, mở cửa vùng biển, mở ra không gian phát triển mới. Vì vậy phải có yêu cầu lựa chọn nhà đầu tư phù hợp, bảo đảm công khai, minh bạch để xây dựng, hoàn thành sân bay trong thời gian sớm nhất, bảo đảm chất lượng, tiến độ.

Bộ trưởng cho biết, đối với tuyến ven biển phía Nam kết nối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tuyến ven biển phía Bắc kết nối với Ninh Thuận và tuyến đường ĐT.711 kết nối cao tốc với đường ven biển, thuộc thẩm quyền địa phương quản lý và đầu tư. Do đó, đề nghị tỉnh Bình Thuận làm việc phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối bố trí vốn hỗ trợ theo quy định. 

Đối với các dự án nâng cấp, mở rộng QL55, QL28 đoạn từ nút giao liên thông đường bộ cao tốc Bắc - Nam đến Quốc lộ 1, hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT chủ trì, tổng hợp kiến nghị của tỉnh, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, khảo sát, chuẩn bị các điều kiện để triển khai khi bố trí được nguồn vốn. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT được phân bổ hạn hẹp. Do đó đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề xuất cấp thẩm quyền xem xét ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư hạ tầng theo đề xuất của địa phương, đáp ứng nhu cầu đi lại trên tuyến. 

Bộ GTVT sẽ có văn bản tổng hợp ý kiến của địa phương, trong đó có dự kiến phối hợp với các Bộ ngành liên quan xử lý để gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề nghị tỉnh phối hợp trong quá trình thực hiện.

Ý kiến của bạn

Bình luận