Bình Thuận vẫn áp 13 bước cấp mỏ vật liệu làm cao tốc Bắc-Nam

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Đường bộ 26/03/2022 10:10

Hiện nay, cao tốc Bắc - Nam đang chạy tiến độ từng ngày từng tuần, nhưng tỉnh Bình Thuận vẫn đang áp dụng việc cấp phép với nhiều thủ tục.

 

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cao tốc Bắc - Nam

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cao tốc Bắc - Nam

Ngày 25/3, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận về nguồn cung vật liệu khi tỉnh này đang có đến 3 dự án cao tốc đang và sắp triển khai.

Theo Ban QLDA7, đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cần khoảng 9,2 triệu m3 đất đắp nền phục vụ thi công. Tính đến tháng 3/2022, số lượng đắp nền phục vụ thi công còn thiếu khoảng 2,4 triệu m3. Do đó, Ban QLDA7 đề nghị cấp phép bổ sung mỏ vật liệu xây dựng phục vụ thi công cao tốc áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 60/NQ-CP của Chính phủ. Đồng thời, Ban cũng kiến nghị sớm đẩy nhanh thủ tục cấp phép khai thác và các thủ tục sau cấp phép để đủ cơ sở pháp lý khai thác đất cung cấp cho dự án.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã nhiều lần làm việc, kiến nghị với UBND tỉnh Bình Thuận để rút ngắn các thủ tục, tạo cơ chế mở cho việc cấp phép khai thác mỏ, trữ lượng khai thác,... nhưng đến nay nhiều nhà thầu vẫn “mỏi mòn” chờ đợi.

Thiếu vật liệu đất đắp là một trong những nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ

Thiếu vật liệu đất đắp là một trong những nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ

Về vấn đề này, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh đã cung cấp thông tin của các mỏ đang khai thác, đã trúng đấu giá, đã cấp phép, các mỏ nằm trong quy hoạch,… cho các ban QLDA và nhà thầu biết để liên hệ làm việc. Tuy nhiên, địa phương này vẫn giao cho các sở, ngành liên quan của tỉnh làm việc với các ban QLDA của Bộ, các đơn vị tư vấn thiết kế và các chủ mỏ có vật liệu đất đắp nền rà soát, kiểm tra để thống nhất số liệu thực tế tại các mỏ về chất lượng, trữ lượng, công suất khai thác và nhu cầu vật liệu đất đắp nền cho từng gói thầu. Sau đó, sẽ xác định nhu cầu còn thiếu, từ đó mới có phương án để giải quyết nhu cầu khối lượng đất đắp nền còn thiếu về cho dự án. 

Đại diện liên danh gói thầu XL04 chia sẻ hiện mỏ Sông Khiêng (huyện Bắc Bình) đã được cấp phép, thủ tục pháp lý cơ bản đã xong. Nhưng thực tế, nhà thầu vẫn chưa thể lấy đất để thực hiện dự án vì còn phải làm nhiều thủ tục khác. Trong khi đó, tiến độ dự án đang gấp rút, vì vậy nhà thầu mong sớm được làm thủ tục song song và khai thác đất càng sớm càng tốt.  Đối với Mỏ Hàm Trí đang ở bước 4/13, đề nghị tỉnh cho phép phối hợp làm song song các thủ tục rút ngắn thời gian cấp phép.

Hiện nay, tiến độ dự án đang bị chậm, Bộ GTVT và các đơn vị đang ngày đêm lập lại tiến độ mới, chạy đua với thời gian để thi công. Thế nhưng, thủ tục cấp phép mỏ vật liệu tại tỉnh Bình Thuận đang là một trong những nguyên nhân khiến dự án thiếu vật liệu trầm trọng, tiến độ trượt dài. Trong khi đó, thời gian còn lại rất ít, chỉ còn vài tháng nữa là mùa mưa, dù nhà thầu làm ngày làm đêm cũng không thể kịp bù tiến độ. Nếu công tác đắp nền đường bị chậm, mùa mưa đến thì không thể hoàn thành gói thầu và dự án không thể về đích đúng tiến độ.

Các nhà thầu đang ngày đêm tăng tốc để sớm đưa dự án vào sử dụng

Các nhà thầu đang ngày đêm tăng tốc để sớm đưa dự án vào sử dụng

Ông Phạm Quốc Huy - Giám đốc điều hành dự án cho biết, đến nay nhu cầu vật liệu của dự án còn lại khoảng 2,46 triệu m3 cần được cấp phép bổ sung áp dụng theo Nghị quyết số 60/NQ-CP. Tiến độ cấp phép các mỏ mất rất nhiều thủ tục, quy trình, bao gồm 13 bước, trong các bước có nhiều thủ tục “con” nhà thầu phải liên hệ qua nhiều sở, ngành để làm thủ tục.

Ông Huy dẫn chứng, mỏ Sông Khiêng được UBND tỉnh cấp phép từ đầu tháng 3 nhưng đến nay nhà thầu đang tiếp tục hoàn thiện 3 bước còn lại. Sau gần 3 tuần, mỏ này hiện đang hoàn thiện bước cuối cùng để lấy được đất đưa đến công trường thi công. Đối với hai mỏ còn lại là Hòn Lúp, Bình An đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục, dự kiến các mỏ này sẽ đưa vào khai thác trước ngày 15/4.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án cao tốc Bắc - Nam đã giúp tháo gỡ, giảm bớt thủ tục, nâng công suất khai thác các mỏ vật liệu và thủ tục đấu giá quyền khai thác mỏ. Đối với đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, hiện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đang tiếp tục hoàn tất thủ tục cấp phép đối với các mỏ được đề xuất.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết, đến nay, theo nhu cầu của dự án, Sở đã trình UBND tỉnh cấp phép khai thác 8,23 triệu m3, còn lại 3 mỏ đang hoàn tất thủ tục trình tỉnh cấp phép với trữ lượng 0,747 triệu m3.

Đối với các mỏ giải quyết theo cơ chế đặc thù, nhà thầu vẫn chậm triển khai như: mỏ Bình An cuối năm 2021 mới nộp hồ sơ cấp phép thăm dò; mỏ Hòn Lúp sau khi phê duyệt tiền cấp quyền gần 1 tháng nhà thầu mới nộp tiền để cấp phép khai thác.

Theo bà Thu, hiện tại hầu hết các mỏ cấp phép theo cơ chế đặc thù đã và đang chuẩn bị hoàn tất thủ tục cấp phép theo Nghị quyết số 60/NP-CP. Do vậy, các nhà thầu khẩn trương phối hợp với các sở, ngành đẩy nhanh thủ tục đất đai sau khi được cấp phép khai thác.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đánh giá, đối với nhu cầu về khối lượng vật liệu đất đắp phục vụ thi công cao tốc, các đơn vị khẩn trương phối hợp giải quyết các vướng mắc liên quan; ưu tiên xử lý cấp phép các mỏ có khối lượng lớn để phục vụ thi công cao tốc, đảm bảo triển khai đúng tiến độ. Đối với các vướng mắc phát sinh, các đơn vị cần phải báo cáo ngay để xin ý kiến cấp thẩm quyền để có hướng xử lý sớm nhất.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông lưu ý, thời gian thi công còn lại rất ít, không còn đường lùi trong bối cảnh giá cả vật liệu rất khó kiểm soát, tiến độ phải hoàn thành vào cuối năm 2022. Trong khi đó, địa phương chuẩn bị bước vào mùa mưa lũ, nếu không sớm triển khai công tác đắp nền thì dự án sẽ vỡ tiến độ. Do đó, các nhà thầu thi công phải tập trung tài chính, tăng cường nhân sự có năng lực cho bộ máy điều hành, vật tư, vật liệu để đảm bảo các mốc tiến độ theo cam kết với Bộ.

Ý kiến của bạn

Bình luận