Hình ảnh cà phê đường tàu qua nội ô Hà Nội trước khi bị lực lượng chức năng giải tỏa - Ảnh: NAM TRẦN609155374 |
Trước đó, Bộ GTVT nhận được phiếu chuyển đơn kiến nghị của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - phó trưởng Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội - về kiến nghị của các hộ dân xóm Đường Tàu - Chắn 5 Trần Phú, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, gửi Bộ trưởng Bộ GTVT.
Đơn có nội dung "kiến nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu đề ra giải pháp thích hợp để một mặt bảo đảm đời sống, kinh doanh của các hộ dân, phát triển du lịch và an toàn giao thông của tuyến đường tàu nội ô TP Hà Nội".
Trả lời đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Bộ GTVT cho biết thời gian qua tình hình vi phạm hành lang an toàn đường sắt trên địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng của TP Hà Nội có chiều hướng gia tăng và diễn biến rất phức tạp.
Đặc biệt, nhiều hộ dân tổ chức dịch vụ kinh doanh kê bàn ghế sát hai bên đường tàu để bán hàng dẫn tới tình trạng người dân, du khách thường tụ tập, đứng, ngồi, chụp ảnh, ăn uống, giải trí... ngay trên đường tàu và hành lang an toàn đường sắt, bất chấp việc uy hiếp an toàn tính mạng cho mọi người và đảm bảo an toàn chạy tàu.
Những hành vi trên đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật hiện hành về trật tự an toàn giao thông và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra các vụ tai nạn đường sắt.
Thực tế ngày 6-10-2019, tàu khách số hiệu LP5 xuất phát từ ga Hà Nội đi Hải Phòng đến km 1+200 đoạn đường sắt qua phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm đã phải dừng tàu khẩn cấp do người dân và du khách tụ tập đông người để chụp ảnh, đứng, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt...
Để chấn chỉnh tình trạng này, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội xử lý vi phạm an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng. Theo đó, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chức năng xử lý, giải tỏa các vi phạm nêu trên.
Bộ GTVT cho biết theo phản ánh trong đơn kiến nghị của tập thể cư dân xóm Đường Tàu thì hầu hết các hộ dân trong khu phố này đều từng là cán bộ, nhân viên ngành đường sắt, được cơ quan phân đất sinh sống tại đây hơn 50 năm, trước khi có nghị định và Luật đường sắt ra đời. Nơi sinh sống của các hộ dân này hầu hết là vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt.
"Bộ GTVT luôn ủng hộ các hộ dân kinh doanh phát triển du lịch và bảo đảm đời sống người dân, nhưng phải đảm bảo trật tự an ninh, an toàn cho du khách, an toàn chạy tàu theo đúng quy định của pháp luật, nhất là trong khu vực hành lang an toàn đường sắt nội ô TP Hà Nội.
Vì vậy, việc di dời, tái định cư đối với các hộ dân sống trong khu vực hành lang an toàn đường sắt là yêu cầu cấp thiết", Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết.
Bộ GTVT cho biết sẽ phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam và UBND TP Hà Nội tập trung các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông của tuyến đường sắt qua khu vực nội ô Hà Nội. Trong đó tập trung xử lý hành vi lấn chiếm hành lang hoặc tái lấn chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn giao thông đường sắt, thực hiện giải tỏa dứt điểm các trường hợp lấn chiếm.
Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng cho biết sẽ giao Cục Đường sắt Việt Nam chủ động phối hợp với UBND TP Hà Nội và các quận, phường, đơn vị quản lý đường sắt trên địa bàn TP Hà Nội nghiên cứu bố trí khu vực hợp lý ngoài phạm vi bảo vệ công trình đường sắt để tạo điều kiện đời sống, kinh doanh của các hộ dân trong khu vực và đảm bảo an toàn giao thông đường sắt theo quy định.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.