Nhà xe không dám ý kiến, mong được mua vé tháng
Một số doanh nghiệp vận tải có trụ sở tại Thái Bình phản ánh về tình trạng trạm BOT Mỹ Lộc–Nam Định thuộc Công ty cổ phần Tasco đã tiến hành tăng phí từ ngày 1/6.
Theo đó, xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng tăng vé lượt từ 20.000 lên 30.000 đồng/vé/lượt (tăng 50% giá vé).
Xe từ 12 - 30 chỗ ngồi; xe có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn tăng từ mức 30.000 lên 40.000 đồng/vé/lượt (tăng khoảng 30%). Xe từ 31 chỗ ngồi trở lên; xe có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn tăng từ mức 44.000 lên 50.000 đồng/vé/lượt.
Nhiều nhà xe đi qua trạm BOT Mỹ Lộc - Nam Định dù bức xúc khi bị tăng phí nhưng không dám ý kiến. Ảnh minh họa |
Trao đổi với PV, đại diện nhà xe Hoàng Hà cho biết, từ ngày 1/6 giá vé tháng đối với các tuyến mà đơn vị này vận chuyển đã đồng loạt tăng phí so với trước đây từ 15-30%.
“Vé tháng đi qua trạm BOT tùy từng dòng xe sẽ có mức giá khác nhau. Hiện tại vé tháng xe từ 16 chỗ đến 29 chỗ ngồi từ 900.000 đồng đã tăng lên 1,2 triệu đồng, tức là đã tăng thêm 300.000 đồng.
Phía trạm BOT có gửi một thông báo rằng là căn cứ vào thông tư 33 ngày 25/2/2016 của Bộ Tài chính thì kể từ ngày 1/6 sẽ tăng lên mức phí theo quy định. Cho nên những chuyện này chúng tôi cũng không thắc mắc nhiều, người ta yêu cầu giá vé in theo ba rem và thông báo của trạm thì mình bắt buộc phải theo”, đại diện nhà xe cho biết.
Với việc tăng giá cao hơn so với thời điểm trước đó, nhà xe Hoàng Hà khẳng định doanh nghiệp vận tải khi vận chuyển trên tuyến đường sẽ gặp nhiều khó khăn.
“Số phận doanh nghiệp chúng tôi là phụ thuộc vào trạm thu phí. Chúng tôi chỉ cố gắng để họ hỗ trợ bán cho vé tháng thì đi nhẹ nhàng, em đẹp hơn. Chứ giờ nếu làm căng thì trạm BOT không bán vé tháng cho doanh nghiệp thì sẽ càng khó khăn hơn”, vị cán bộ ngậm ngùi nói.
Bộ GTVT chỉ đạo dừng thu
Cũng chia sẻ về vấn đề này, ông Tuấn – Đại diện Công ty cổ phần xe khách Thái Bình than thở, từ 1/6 doanh nghiệp này đã phải bỏ thêm một khoản tiền lớn để dùng vào việc mua vé tháng cho các loại xe di chuyển qua trạm thu phí Mỹ Lộc – Nam Định.
“Công ty tôi một ngày có tổng cộng là 66 lượt qua lại trạm với đầy đủ các loại xe 16 chỗ, 29 chỗ và 46 chỗ. Hàng tháng loại xe 46 chỗ chỉ phải đóng 1,3 triệu đồng thì đầu tháng 6 đã phải trả thêm 200.000 đồng với mức 1,5 triệu/tháng. Việc tăng giá này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của doanh nghiệp, người lao động cũng như chính hành khách đi trên tuyến đường”, ông Tuấn nói.
Một vấn đề khác mà ông Tuấn đưa ra, đó là doanh nghiệp vận tải dù phải bỏ thêm tiền để đóng phí qua trạm BOT, nhưng lại không thể tự ý tăng giá vé bù vào những khoản thua lỗ.
“Doanh nghiệp muốn tăng giá vé thì phải do Bộ Tài chính quyết định. Chứ chúng tôi không dám tự ý tăng. Công ty tôi lúc nào cũng phải chấp hành nghiêm chỉnh cước vận tải do Bộ Tài chính đề ra. Khi nào thị trường xăng dầu biến động thì sẽ trình lên Bộ các phương án. Nếu Bộ đồng ý thì mới tăng. Hiện nay giá vé áp dụng toàn tuyến của công ty tôi là 72.000 đồng/người/lượt, nhiều khi các nhân viên cũng chỉ thu 70.000 đồng để thuận tiện cho việc chi trả của người dân”, ông Tuấn chia sẻ.
Đại diện Công ty cổ phần xe khách Thái Bình khẳng định nếu Chính phủ, Bộ GTVT có văn bản đồng ý cho trạm BOT tăng phí thì đơn vị này sẵn sàng trả thêm. Tuy nhiên, nếu như chưa có sự chỉ đạo thì chủ đầu tư phải tăng theo đúng lộ trình để đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp.
Chiều ngày 6/6, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định đã có chỉ đạo yêu cầu trạm BOT Mỹ Lộc – Nam Định dừng việc tăng phí.
“Bộ GTVT đã có chỉ đạo không tăng phí nữa. Việc này làm theo chỉ đạo của Chính phủ. Thủ tướng yêu cầu từ giờ đến cuối năm để thuận lợi phát triển doanh nghiệp nên chưa tăng phí. Doanh nghiệp sau này sẽ tính với Bộ GTVT sau”, ông Trường khẳng định.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.