Bộ GTVT đã bố trí vốn nghiên cứu dự án đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ

Tác giả: Tùng Lộc

saosaosaosaosao
Đường sắt 09/08/2023 15:03

Dự án tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ đi qua 6 địa phương, tổng mức đầu tư khoảng 7 tỷ USD, đã được Bộ GTVT bố trí vốn để nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Bố trí xong vốn để nghiên cứu dự án đường sắt 7 tỷ USD, kết nối TP.HCM – Cần Thơ - Ảnh 1.

Bộ GTVT dự kiến trong năm 2025 sẽ hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ

Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri TP. Cần Thơ về nội dung: "Sớm đầu tư thực hiện tuyến đường sắt tốc độ cao TP.HCM đến TP. Cần Thơ để giúp nhân dân đồng bằng sông Cửu Long nói chung và doanh nghiệp nói riêng tháo gỡ khó khăn trong việc kết nối, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh và cung ứng hàng hóa ra thị trường tiêu thụ".

Theo đó, Bộ GTVT thống nhất với kiến nghị của cử tri TP.Cần Thơ về việc sớm đầu tư tuyến đường sắt TP.HCM đến TP.Cần Thơ. Theo quy hoạch, tuyến đường sắt nối hai thành phố này có chiều dài khoảng 174km đi qua 6 tỉnh/thành phố, thiết kế đường đôi, khổ 1.435mm, lộ trình nghiên cứu, đầu tư trước năm 2030.

"Với vai trò quan trọng của tuyến đường trong việc kết nối trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ cung ứng hàng hóa của vùng ra thị trường tiêu thụ; thực hiện các chủ trương của Bộ Chính trị và quy hoạch, Bộ GTVT đã giao Ban QLDA Đường sắt (Bộ GTVT) là chủ đầu tư, đã bố trí vốn để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và hiện đang tập trung phối hợp với các địa phương rà soát vị trí ga, hướng tuyến", Bộ GTVT thông tin.

Cũng theo Bộ GTVT, đây là dự án có quy mô lớn (sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 7 tỷ USD), công nghệ - kỹ thuật phức tạp nên cần phải nghiên cứu cẩn trọng, toàn diện, kỹ lưỡng, đánh giá một cách khách quan, khoa học; đặc biệt là cân đối bố trí nguồn lực. Bộ GTVT sẽ phấn đấu hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp có thẩm quyền trong năm 2025 nhằm làm cơ sở huy động nguồn lực triển khai.

Bộ GTVT rất mong nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của Đoàn Đại biểu quốc hội và UBND TP. Cần Thơ trong quá trình nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư dự án, cũng như rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri TP. Cần Thơ đối với ngành GTVT.

Được biết, ngày 17/3/2023, Ban QLDA Đường sắt và Sở GTVT TP. Cần Thơ có buổi làm việc  về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao TP. HCM - Cần Thơ, đoạn qua địa bàn TP. Cần Thơ. Dự án do Viện Khoa học và công nghệ Phương Nam đề xuất. 

Theo đề xuất của đơn vị trên, tuyến đường sắt tốc độ cao TP. HCM - Cần Thơ được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Tuyến đường có khổ đường đôi 1.435 mm, kết hợp vận tải hành khách và hàng hóa. Tốc độ tối đa của tàu khách là 200 km/h và tàu hàng là 150 km/h.

Dự án có điểm đầu là ga An Bình (phường An Bình, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương) và điểm cuối là ga Cái Răng (phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ) với chiều dài khoảng 173 km. Tuyến đi qua, kết nối 6 địa phương: Bình Dương, TP. HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP. Cần Thơ với khoảng 13 ga và 2 trạm khách.

Tại địa bàn TP.Cần Thơ, tuyến có chiều dài khoảng 6,5 km, hướng tuyến dự kiến đi giữa trục đường 1A khu công nghiệp Hưng Phú 1, sau đó qua khu đô thị Nam Cần Thơ. Trên đoạn tuyến này, đường sắt đi trên cao vượt qua sông Hậu và khu đô thị mới Nam Cần Thơ để tránh giao cắt với QL91 và đường trục trong khu công nghiệp Hưng Phú 1.

Theo lãnh đạo Sở GTVT TP.Cần Thơ, dự án đường sắt TP. HCM - Cần Thơ không chỉ riêng TP.Cần Thơ mà còn là sự mong mỏi của người dân đồng bằng sông Cửu Long. Với vận tốc hơn 200 km/h, từ TP. Cần Thơ đến TP.HCM đi bằng đường sắt tốc độ cao chỉ cần 45 phút thay vì phải mất từ 3 - 4 giờ như trước đây. Nếu dự án được phê duyệt, TP. Cần Thơ rất ủng hộ và sẽ tập trung cho việc chuẩn bị thực hiện dự án.

Ý kiến của bạn

Bình luận