Ngày 13/7, Văn phòng Chính phủ có công văn số 5272/VPCP-CN gửi Bộ trưởng Bộ GTVT thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về đề nghị của Bộ GTVT về thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam và dự án đường sắt quốc gia.
Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ GTVT khẩn trương đề xuất thành lập "Ban chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam và các dự án đường sắt quốc gia" theo đúng quy định pháp luật. Ban chỉ đạo do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm Trưởng ban, 3 Bộ trưởng của Bộ GTVT, Kế hoạch và đầu tư, Tài chính làm Phó trưởng ban.
Các ủy viên gồm: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, các Bộ trưởng các bộ ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Ủy ban Tài chính – ngân sách Quốc hội. Tổ giúp việc Ban chỉ đạo: tối đa 15 người, bao gồm các cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực GTVT đường sắt.
Theo Kết luận số 49 ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu được Bộ Chính trị đề ra là phát triển GTVT đường sắt hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đáp ứng mục tiêu đến năm 2045 nước ta là nước phát triển có thu nhập cao.
Vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, các hành lang vận tải chính Đông - Tây và vận tải hành khách tại các đô thị lớn.
Theo đó, mục tiêu cụ thể là đến năm 2025 phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Khởi công các đoạn ưu tiên trong giai đoạn 2026 - 2030 (Hà Nội - Vinh; TP.HCM - Nha Trang).
Đến năm 2030, tập trung cải tạo, nâng cấp, khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có. Tiếp tục triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị có nhu cầu vận tải lớn (Hà Nội, TP.HCM...).
Phấn đấu khởi công một số tuyến kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế (Hà Nội - Hải Phòng, Biên Hòa - Vũng Tàu...), cửa khẩu quốc tế (Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Lạng Sơn...), cảng hàng không quốc tế (Thủ Thiêm - Long Thành), đường sắt vành đai phía Đông khu đầu mối Hà Nội (Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng - Thạch Lỗi).
Đối với tuyến TP.HCM - Cần Thơ, đầu tư bằng phương thức đối tác công - tư (PPP) hoặc phương thức đầu tư khác phù hợp. Tiếp tục đầu tư hoàn thành tuyến Hà Nội - Hạ Long.
Đến năm 2045, hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội (có tính kết nối với vùng thủ đô) và TP.HCM vào năm 2035.
Hoàn thành toàn bộ tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trước năm 2045; tuyến đường sắt khu đầu mối Hà Nội, khu đầu mối TP.HCM; tuyến đường sắt kết nối với các đầu mối vận tải có lưu lượng lớn (cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế), các tỉnh Tây Nguyên; tuyến đường sắt ven biển, đường sắt xuyên Á.
Để thực hiện các mục tiêu, Bộ Chính trị yêu cầu cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển đường sắt đồng bộ với phát triển ngành GTVT. Hoàn thiện các cấp độ quy hoạch giao thông vận tải đường sắt trong tổng thể quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng để định hướng bố trí nguồn lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.