Bộ GTVT đã giải ngân hơn 17 nghìn tỷ đồng, một đơn vị giải ngân 0%

Tác giả: Nam Hải

saosaosaosaosao
Đường bộ 31/03/2023 11:00

Đến hết quý I/2023, Bộ GTVT đã giải ngân khoảng 17.007 tỷ đồng (đạt 18,1% kế hoạch cả năm), cao hơn mức trung bình cả nước (10,35%), nhưng vẫn còn 4 đơn vị thuộc Bộ GTVT giải ngân dưới mức trung bình, trong đó có một đơn vị giải ngân 0%.

Bộ GTVT đã giải ngân hơn 17 nghìn tỷ đồng, có đơn vị giải ngân 0% - Ảnh 1.

Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn QL45 - Nghi Sơn

Theo thông tin từ Vụ KH-ĐT (Bộ GTVT), tính đến hôm nay (31/3), Bộ GTVT giải ngân khoảng 17.007 tỷ đồng (đạt khoảng 18,1% kế hoạch năm 2023), cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái (3 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ đạt khoảng 14%).

Theo số liệu báo cáo của Bộ KH-ĐT, Bộ GTVT có tỷ lệ giải ngân 3 tháng đầu năm cao hơn mức trung bình cả nước (trung bình cả nước đạt khoảng 10,35%), là một trong 2 bộ, cơ quan trung ương và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 15%.

Theo đánh giá của Vụ KH-ĐT, công tác giải ngân 3 tháng đầu năm đạt kết quả tốt, tuy nhiên giá trị giải ngân tập trung phần lớn vào tạm ứng hợp đồng của các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 và trả nợ vốn BT.

"Trong các tháng tới, áp lực giải ngân để đáp ứng kế hoạch sẽ rất khó khăn và cần sự nỗ lực rất lớn của các chủ đầu tư/ban QLDA khi các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 mới triển khai thi công, khối lượng chủ yếu thực hiện công tác chuẩn bị, đắp nền có giá trị giải ngân không cao", Vụ KH-ĐT nhận định.

Theo Vụ KH-ĐT, giá trị giải ngân 3 tháng đầu năm của Bộ GTVT tập trung ở các dự án cao tốc Bắc - Nam với giá trị 11.198 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng khoảng 80% giá trị giải ngân của cả Bộ GTVT).

Cụ thể, các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, giải ngân 2.227/17.889 tỷ đồng, đạt 12,5% kế hoạch năm; Các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, giải ngân 11.199/45.266 tỷ đồng, đạt 24,8% kế hoạch năm; Các dự án trọng điểm, cấp bách, giải ngân 97,828/2.259 tỷ đồng, đạt 4,3% kế hoạch năm; Các dự án ODA, giải ngân 484,9/7.783 tỷ đồng, đạt 6,2% kế hoạch năm; Các dự án trong nước khác, giải ngân 2.997/20.976 tỷ đồng, đạt 14,3% kế hoạch năm.

Thống kê của Vụ KH-ĐT cho thấy, giá trị giải ngân tập trung ở các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trực thuộc Bộ (đã giải ngân 16.894 tỷ đồng, đạt 19,6% kế hoạch năm và chiếm tỷ trọng 99,3% giá trị đã giải ngân của Bộ GTVT).

Các chủ đầu tư khác gồm: 20 Sở GTVT, VEC và 2 trường cao đẳng tiến độ giải ngân đã có chuyển biến trong tháng 3 nhưng vẫn rất chậm, chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu (mới có 8/23 chủ đầu tư giải ngân  với giá trị khoảng 112,5 tỷ đồng, đạt 1,4% kế hoạch năm, thấp hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước).

Đối với các Ban quản lý dự án thuộc Bộ GTVT, có 4 đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp dưới mức bình quân của cả nước, gồm: Cục Hàng Hải (0%), Ban QLDA đường Thủy (6,8%), Ban QLDA đường sắt (7,4%) và Ban QLDA Hàng Hải (10,3%),

Thông tin về kế hoạch giải ngân tháng 4/2023, Vụ KH-ĐT cho biết, theo kế hoạch các chủ đầu tư, ban QLDA đăng ký, tháng 4/2023 ước giải ngân khoảng 5.661 tỷ đồng, thấp hơn mức trung bình các tháng trong năm (để giải ngân hết kế hoạch vốn giao mỗi tháng trung bình phải giải ngân khoảng 7.800 tỷ đồng).

"Kế hoạch giải ngân tháng 4 thấp do các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đã hoàn thành việc tạm ứng hợp đồng, chỉ tập trung cho công tác chuẩn bị, thi công nền đường có giá trị thanh toán không cao", Vụ KH-ĐT và cho biết, trong kế hoạch giải ngân tháng 4/2023 của Bộ GTVT có 4 ban QLDA đăng ký kế hoạch giải ngân lớn, cần tập trung chỉ đạo thực hiện gồm: Ban QLDA 2 (941 tỷ đồng), Ban QLDA Thăng Long (891 tỷ đồng), Ban QLDA 7 (886 tỷ đồng) và Ban QLDA Mỹ Thuận (814 tỷ đồng).

Năm 2023, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao 94.161 tỷ đồng (trong đó có 7.380 tỷ đồng chỉ hoàn thủ tục thu hồi ứng trước và trả nợ dự án BT). Đến nay, Bộ GTVT giao chi tiết cho các dự án với tổng số 94.135/94.161 tỷ đồng (đạt 99,97%). Còn lại 26,331 tỷ đồng kế hoạch được giao từ nguồn thu xử lý sắp xếp nhà đất cho các bộ, cơ quan trung ương chưa thể phân bổ do chưa có kế hoạch trung hạn.
Ý kiến của bạn

Bình luận