Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ khởi công 12 dự án cao tốc Bắc-Nam

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Đường bộ 14/03/2022 14:33

Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thống nhất một số giải pháp thiết kế đường gom, hầm chui,... để đẩy nhanh tiến độ khởi công dự án.


z3113755924909_7064ae75d73ec3e121dc4b6aea04535b
Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết

Thống nhất định hướng một số giải pháp thiết kế

Bộ GTVT vừa ban hành thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp trực tuyến chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ, Bộ GTVT đã có văn bản chỉ đạo các ban QLDA xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết theo tiến độ yêu cầu theo tiến độ tổng thể. Trong đó, bàn giao cọc GPMB làm 3 đợt cho các địa phương từ ngày 15/3/2022 đến 30/6/2022; Phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi từ ngày 30/5/2022 đến 30/6/2022, khởi công từ ngày 30/11/2022 - 31/12/2022.

Về việc tổ chức lập, hoàn chỉnh hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng; xác định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của dự án phải đáp ứng tiến độ gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 10/4/2022; Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 20/4/2022.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giao Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm chủ trì họp với các ban QLDA và các đơn vị có liên quan để rà soát tình hình thực hiện, giải quyết các khó khăn vướng mắc, đáp ứng tiến độ yêu cầu.

DJI_0711
Thi công cao tốc Mai Sơn - QL45

Đối với một số nội dung vướng mắc trong hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, trên cơ sở thực tiễn triển khai dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, để khắc phục một số tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện, Bộ GTVT thống nhất định hướng một số giải pháp thiết kế cho các các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, đường gom trên cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 được xác định là đường kết nối dân sinh, thống nhất quy mô theo đường giao thông nông thôn loại A hoặc loại B tùy theo nhu cầu. Riêng đối với một số đoạn kết nối khu đông dân cư xem xét quy mô lưu thông 2 làn xe cơ giới, tư vấn nghiên cứu, đánh giá, lựa chọn quy mô phù hợp.

"Nếu đường cao tốc đi trùng đường địa phương thì hoàn trả theo quy mô tương đương đường hiện hữu (kết hợp làm đường gom), nếu đường hoàn trả kết nối trực tiếp với các quốc lộ và trùng với quy hoạch của địa phương thì có thể xem xét theo quy hoạch của địa phương, nhưng quy mô không vượt quá 2 làn xe cơ giới, tư vấn nghiên cứu, phân tích, luận chứng nhu cầu vận tải lựa chọn quy mô phù hợp", thông báo kết luận nêu rõ.

Về hầm chui dân sinh, cầu vượt ngang tư vấn nghiên cứu tổng thể kết nối giao thông khu vực để luận chứng, lựa chọn vị trí, quy mô cho từng hầm chui đảm bảo phù hợp. Nếu khu vực lân cận đã có cầu vượt thì không sử dụng hầm chui có tĩnh không lớn. Các hầm chui có quy mô lớn cần tư vấn phân tích, so sánh kinh tế - kỹ thuật với phương án cầu vượt để lựa chọn giải pháp phù hợp.

Đối với quy mô cầu vượt ngang cơ bản theo quy mô đường hiện hữu. Trường hợp, địa phương đã có quy hoạch mở rộng đường ngang nhưng phần mở rộng không đủ để xây dựng thêm 1 đơn nguyên cầu mới thì có thể xem xét xây dựng cầu vượt ngang theo quy mô quy hoạch. Trường hợp quy hoạch của địa phương là đường mới nhưng chưa được đầu tư thì không xem xét xây dựng cầu vượt trong dự án đường bộ cao tốc (khi xây dựng đường ngang, địa phương đầu tư cầu vượt qua đường cao tốc).

DJI_0841
Công trường cao tốc Mai Sơn - QL45

Trong quá trình thỏa thuận, trường hợp địa phương có ý kiến đề nghị xây dựng đường gom, hầm chui dân sinh, cầu vượt ngang với quy mô lớn hơn các nguyên tắc nêu trên, Bộ GTVT yêu cầu các ban QLDA liên quan khẩn trương làm việc với địa phương để thống nhất lại.

“Sau khi hoàn thành việc xây dựng, được cấp có thẩm quyền nghiệm thu, sẽ bàn giao toàn bộ hệ thống đường gom, cầu vượt ngang và hầm chui dân sinh cho địa phương quản lý khai thác”, Bộ GTVT cho biết.

Về nút giao, thiết kế chỗ giao nhau trên đường cao tốc đảm bảo tuân thủ Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5729:2012; nguyên tắc chung là các cầu vượt ngang vượt trên đường bộ cao tốc; ngoại trừ các trường hợp có tính chất đặc thù đường cao tốc vượt, tư vấn nghiên cứu, phân tích, tính toán, luận chứng lựa chọn giải pháp phù hợp. Trong mọi trường hợp đều phải có tính toán năng lực thông thành làm cơ sở thiết kế nút giao.

Đồng bộ hệ thống hiện đại

Về vị trí dừng xe khẩn cấp, chiều rộng vị trí dừng xe khẩn cấp các dự án thành phần trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 có bề rộng mặt đường là 2m và 0,75m lề đất, thống nhất điều chỉnh phù hợp với quy định tại TCVN 5729-2012. Theo đó, chiều rộng mặt đường 2,5m + 0,75m lề đất, trường hợp khó khăn, chiều rộng mặt đường có thể giảm bớt 0,5m nhưng lề đường trồng cỏ phải tăng lên thành 1,0m.

Về khoảng cách bố trí vị trí dừng xe khẩn cấp, thống nhất nguyên tắc bố trí với khoảng cách khoảng 4-5km/vị trí. Bộ GTVT yêu cầu bố trí kết hợp tại các vị trí hầm chui dân sinh, các vị trí cống hộp thoát nước khẩu độ lớn,... để tận dụng khi mở rộng theo quy mô quy hoạch.

16 DJI_0903
Thi công cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt

Về thiết kế thoát nước mặt đường một mái, tại các đoạn thiết kế mặt đường một mái (đoạn đường cong bố trí siêu cao), yêu cầu tư vấn tính toán lượng mưa, khả năng thoát nước mặt, trường hợp không đảm bảo phải bố trí hệ thống thoát nước tại dải phân cách giữa, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

Về giải pháp thiết kế công trình tại các khu vực có nền đất yếu, ngập lụt - Với các cầu khu vực có nền đất yếu, tư vấn nghiên cứu các giải pháp sử dụng kết cấu công trình để giảm chiều cao đắp đường đầu cầu, rút ngắn thời gian thi công, so sánh kinh tế - kỹ thuật để lựa chọn phương án tối ưu. Với các khu vực ngập lụt, tư vấn khảo sát, tính toán khẩu độ và bố trí đầy đủ công trình thoát nước đảm bảo yêu cầu thoát lũ.

Về trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc, trong dự án hoạch định vị trí trạm dừng nghỉ, thiết kế tổng mặt bằng, đảm bảo các chức năng cơ bản như: bãi đỗ xe, khu vệ sinh, cung cấp nhiên liệu, khu dịch vụ, đường kết nối với cao tốc,… Những hạng mục này tính kinh phí GPMB trong tổng mức đầu tư dự án, phần xây dựng trạm dừng nghỉ (bảo đảm các chức năng cơ bản nêu trên) do nhà đầu tư tự thực hiện không tính vào tổng mức đầu tư dự án. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giao Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông thẩm định, xác định vị trí, quy mô xây dựng trạm dừng nghỉ trên cơ sở đảm bảo chức năng cơ bản để xác định phạm vi, kinh phí GPMB.

z3199367777685_c96500bc7ea481c6f487201728c6f757
Thi công cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu

Liên quan đến thiết kế hệ thống giao thông thông minh (ITS), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giao Ban QLDA 6 tổ chức lập thiết kế cơ sở, tính toán chi phí của hệ thống ITS và thu phí của toàn bộ 12 dự án thành phần giai đoạn 2021 - 2025 để đảm bảo tính thống nhất, kết nối và hiệu quả. Sau khi hoàn thành, Ban QLDA 6 tách hồ sơ thiết kế cơ sở, chi phí theo từng dự án thành phần và bàn giao cho các ban QLDA để tổng hợp vào các dự án thành phần.

Về trung tâm điều hành tuyến, Bộ GTVT thống nhất nguyên tắc mỗi dự án xây dựng 1 trung tâm điều hành tuyến, trường hợp các dự án có chiều dài ngắn có thể nghiên cứu kết hợp với các dự án liền kề, trên cơ sở kết hợp các chức năng như điều hành thu giá dịch vụ, quản lý vận hành đường cao tốc, vận hành hầm (nếu có)... Quy mô trung tâm điều hành tuyến phải xác định trên cơ sở chức năng và phụ thuộc vào quy mô mỗi dự án.

Bộ GTVT giao Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông chủ trì, phối hợp với Vụ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn, chỉ đạo các ban QLDA, tư vấn trong quá trình lập hồ sơ thiết kế hệ thống ITS và hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC), đảm bảo tính thống nhất, kết nối liên thông trên toàn Dự án.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận