Ảnh minh họa |
Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải ngân nguồn vốn ODA các dự án do VEC làm chủ đầu tư.
Hiện tại, VEC làm chủ đầu tư đồng thời nhận nợ đối với nguồn vốn ODA thuộc 4 dự án đường bộ cao tốc gồm Nội Bài-Lào Cai, Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, Đà Nẵng-Quảng Ngãi và Bến Lức-Long Thành.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, 4 dự án đường bộ cao tốc trên đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch các năm 2016, 2017, 2018. Đến nay, hai dự án đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây đã hoàn thành đưa vào khai thác. Còn lại, hai dự án đang được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành đưa vào khai thác toàn tuyến là cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi vào năm 2018 và tuyến cao tốc Bến Lức-Long Thành vào năm 2019.
Tại văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc yêu cầu VEC nhận nợ đối với nguồn vốn ODA thuộc 4 dự án đường bộ cao tốc nêu trên, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng trong khi chờ cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương chuyển từ cơ chế vay lại nguồn vốn ODA sang cơ chế cấp phát ngân sách Nhà nước, giao Bộ Tài chính và VEC tạm thời dừng phê duyệt các hồ sơ giải ngân đối với toàn bộ nguồn vốn ODA thuộc 4 dự án cho VEC làm chủ đầu tư.
Về vấn đề này, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho rằng, việc các dự án tạm thời dừng phê duyệt các hồ sơ giải ngân đối với toàn bộ nguồn vốn ODA thuộc 4 dự án trên như đề nghị của Bộ Tài chính sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến độ của các dự án đang triển khai, nhất là các dự án sắp hoàn thành.
“Hơn nữa, nếu tạm dừng giải ngân sẽ dẫn đến chậm hoàn thành thi công hoàn trả các tuyến đường địa phương bị hư hỏng trong quá trình phục vụ thi công dự án, gây mất an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân dọc tuyến đường,” đại diện Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận.
Bên cạnh đó, theo Bộ Giao thông vận tải, dừng giải ngân các dự án cao tốc cũng dẫn đến phá vỡ phương án tài chính dự án, ảnh hưởng đến những chính sách của dự án đã cam kết với các nhà tài trợ, tiềm ẩn nguy cơ khiếu kiện từ phía các nhà thầu, đặc biệt là các nhà thầu nước ngoài do chậm thanh toán theo quy định của hợp đồng, ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ đối với các nhà tài trợ và các tổ chức tín dụng quốc tế.
Để các dự án triển khai đúng tiến độ, tránh xảy ra các vấn đề phức tạp, khó khăn, vướng mắc, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép trong thời gian chờ ý kiến chính thức của cấp có thẩm quyền về chấp thuận chủ trương chuyển từ cơ chế vay lại nguồn vốn ODA sang cơ chế cấp phát ngân sách Nhà nước được tiếp tục giải nhân vốn nước ngoài (ODA) theo kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 và năm 2018 đã được Thủ tướng giao cho các dự án.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.