Bộ GTVT góp ý phương án đầu tư dự án Vành đai 4 TP.Hà Nội

Tác giả: Nam Hải

saosaosaosaosao
Đường bộ 07/06/2024 17:14

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ liên quan đến đề xuất của UBND TP.Hà Nội về dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Bộ GTVT góp ý phương án đầu tư dự án Vành đai 4 TP.Hà Nội- Ảnh 1.

Thi công dự án đường Vành đai 4 TP.Hà Nội

Theo đó, góp ý về các nội dung hoàn thiện chính sách pháp luật đối với dự án PPP, Bộ GTVT đề nghị UBND TP.Hà Nội phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để được hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo chức năng nhiệm vụ quy định tại Luật PPP, các Nghị định số 35/2021/NĐ-CP, số 28/2021/NĐ-CP và số 99/2021/NĐ-CP.

Thông tin thêm về việc hoàn thiện chính sách pháp luật đầu tư theo phương thức PPP, Bộ GTVT cho biết, thời gian qua, Bộ GTVT đã tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các dự án PPP gửi các cơ quan liên quan để nghiên cứu, hoàn chỉnh chính sách pháp luật. Ngoài ra, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2021/NĐ-CP; Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2021/NĐ-CP.

Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị UBND TP.Hà Nội phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, cập nhật những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án để hoàn chỉnh chính sách pháp luật.

Liên quan đến khó khăn vướng mắc khi áp dụng cơ chế chính sách về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022, đối với nội dung: "Cho phép các nhà thầu thi công khác trong cùng dự án tiếp tục được khai thác phần trữ lượng còn lại của mỏ vật liệu đã được xác nhận mà không phải thực hiện thủ tục đăng ký khai thác theo cơ chế đặc thù", Bộ GTVT đề nghị UBND TP.Hà Nội làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn cụ thể.

Đối với nội dung kéo dài thời hạn áp dụng cơ chế chính sách đặc thù về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, Bộ GTVT cho biết, nội dung này đã được Chính phủ báo cáo Đoàn giám sát theo Nghị quyết số 94/2023/QH15 của Quốc hội tại báo cáo số 159/BC-CP ngày 12/4/2024 và báo cáo Quốc hội tại báo cáo số 186/BC-CP ngày 26/4/2024.

Liên quan đến việc điều chỉnh các dự án thành phần, trước tiên là điều chỉnh các hạng mục giữa các dự án thành phần, Bộ GTVT cho biết, theo báo cáo của UBND TP.Hà Nội, các nhánh kết nối của 8 nút giao liên thông là hạng mục thuộc dự án thành phần 3 nên khi đường song hành đưa vào khai thác (năm 2025) không thể kết nối với các đường hiện hữu.

"Vì vậy, việc đề xuất điều chuyển các nhánh giao kết nối giữa đường song hành với đường hiện hữu từ dự án thành phần 3 sang các dự án thành phần đường song hành để kết nối và khai thác hiệu quả dự án đường song hành là cần thiết", Bộ GTVT cho biết.

Đề cập đến nội dung điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án thành phần, Bộ GTVT cho biết, theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội:"Trường hợp tăng tổng mức đầu tư của dự án thành phần, địa phương được giao làm cơ quan chủ quản hoặc cơ quan có thẩm quyền của dự án thành phần có trách nhiệm cân đối bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương để thực hiện dự án thành phần đó. Trường hợp giảm tổng mức đầu tư của dự án thành phần, ngân sách trung ương dự kiến bố trí cho dự án thành phần đó giảm tương ứng".

Trên cơ sở Nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội và quy định Luật PPP, Luật Đầu tư công và pháp luật khác liên quan, thẩm quyền phê duyệt đầu tư các dự án thành phần thuộc dự án là UBND cấp tỉnh, trên cơ sở bảo đảm một số nguyên tắc: tổng mức đầu tư của các dự án thành phần không vượt so với sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án theo chủ trương đã được phê duyệt; đối với dự án thành phần PPP (dự án thành phần 3), tổng mức đầu tư không vượt quá 10% so với sơ bộ tổng mức đầu tư trong bước chủ trương đầu tư và không tăng phần vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án thành phần PPP; đối với các dự án thành phần còn lại, trường hợp tăng ngân sách nhà nước thì địa phương có trách nhiệm cân đối nguồn ngân sách địa phương đối với phần tăng để thực hiện.

"Căn cứ các nguyên tắc nêu trên, Bộ GTVT đề nghị UBND TP.Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh nghiên cứu triển khai thực hiện", Văn bản nêu rõ.

Về việc điều chỉnh dự án thành phần 3, Bộ GTVT cho biết, dự án thành phần 3 do Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi. Vì vậy, đối với nội dung này, Bộ GTVT đề nghị UBND TP.Hà Nội căn cứ ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định) để triển khai thực hiện.

Trước đó, Bộ GTVT nhận được văn bản số 3107/VPCP-CN ngày 8/5/2024 của Văn phòng Chính phủ về việc tham gia ý kiến đối với đề xuất của UBND TP.Hà Nội tại văn bản số 1228/UBND-ĐT ngày 25/4/2024 về dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
Ý kiến của bạn

Bình luận