Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường |
Tiếp nối nhiều ý kiến nêu ra đối với dự án cao tốc Bắc - Nam trong buổi sáng, chiều cùng ngày, tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 17/10, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường được mời giải trình thêm. Theo ông Trường, Bộ GTVT đang tập trung vào 4 lĩnh vực cơ bản:
Về đường bộ, tập trung đầu tư vào tuyến Bắc – Nam, đường HCM qua Tây Nguyên cơ bản hoàn thành. Thứ hai là tập trung đầu tư, tăng cường kết nối giao thông vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long đã tương đối đạt hiệu quả, đầu tư cho tuyến Hà Nội đi các tỉnh phía Bắc cơ bản hoàn thành.
Về hàng không, tập trung khai thác 5 sân bay quốc tế: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ. 5 sân bay này đã đầu tư đáp ứng được giai đoạn từ nay đến năm 2025. Về cảng biển, tập trung đầu tư vào các cảng biển lớn như cảng Hải Phòng, cảng Cái Mép – Thị Vải.
Về đường sắt, theo thứ trưởng, đây là lĩnh vực khó khăn. “Vừa rồi chưa thông qua được chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao nên lần này Bộ GTVT tiếp tục trình Quốc hội và Chính phủ đầu tư đường sắt Bắc – Nam tốc độ cao, làm cơ sở cho việc lập quy hoạch giải phóng mặt bằng”, ông Trường nói.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT, giai đoạn từ nay đến 2020 và sau 2020, yêu cầu phát triển giao thông rất lớn, đặc biệt về đường bộ, qua tính toán thấy, hệ thống đường cao tốc theo kế hoạch của Bộ GTVT là xây dựng trên 2.000 km đường cao tốc, hiện nay có khoảng trên 700 km đường cao tốc, thiếu hơn 1.300km nữa để hoàn thành kế hoạch.
“Bộ GTVT cũng quyết tâm xây dựng 1.300 – 1.500 km đường cao tốc nữa, có rất nhiều tuyến đường nhưng sau khi xem xét lại thấy cần tập trung vào tuyến đường cao tốc Bắc – Nam vì đây là tuyến huyết mạch của quốc gia.
Như các nước trong khu vực, đường cao tốc phải đi trước nền kinh tế từ 5-10 năm. Chính vì thế, nếu không đầu tư đường cao tốc Bắc – Nam từ bây giờ thì sẽ khó khăn cho 5 năm sau, bởi vì QL1 với tốc độ khai thác như hiện nay sẽ hư hỏng bởi lưu lượng quá cao, lưu lượng xe quá tải lớn”, ông Trường cảnh báo.
Để đạt được tốc độ vận chuyển bình quân, theo ông Trường, từ nay đến 2020 cần đến 950 nghìn tỷ đồng cho đầu tư giao thông, tuy nhiên qua báo cáo, chỉ cân đối được trên 200 nghìn tỷ đồng, chỉ được 1/4… “Chúng tôi cho rằng, nếu có tiền đầu tư vào chỗ nào cũng đúng cả, không thể nói dàn trải vì chỗ nào cũng rất cần đường giao thông”, ông Trường phân trần.
Thứ trưởng Bộ GTVT cũng bày tỏ lo lắng với việc huy động vốn từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước khó khăn. “Vốn nước ngoài thì họ đưa 2 yêu cầu là phải bảo lãnh tỷ giá và bảo lãnh doanh thu cho họ. Vừa rồi định chuyển nhượng đường cao tốc cho một nhà đầu tư Ấn Độ, người ta chuẩn bị mua, nhưng khi họ đưa ra yêu cầu bảo lãnh tỷ giá mình không bảo lãnh được nên họ lại lắc đầu.
Cho nên đối với đầu tư trung hạn của Bộ GTVT, đề nghị tối thiểu phải được như nguồn vốn mà Bộ trình. Bộ kiến nghị riêng đường cao tốc phải phát hành nguồn trái phiếu riêng, như vừa rồi Quốc hội phát hành gói riêng cho QL1 thì mới có thể làm được”, Thứ trưởng Trường giãi bày.
Ông Trường phân tích, với nguồn ngân sách khó khăn, nếu lấy vốn trung hạn ra khoảng 70 nghìn tỷ làm đường cao tốc, khiến các công trình khác sẽ phải hoãn thì rất khó khăn.
“Đề nghị Quốc hội nghiên cứu đối với đường cao tốc thì có gói riêng để có thể đầu tư trước một số đoạn, từ nay đến 2022 hoàn thành gần 1.400 km đường cao tốc Bắc – Nam. Chúng ta cố gắng hoàn thành trong 5-7 năm cũng là 1 kỳ tích, vì công suất của đường cao tốc rất lớn, gấp 4-5 lần công suất đầu tư của tuyến đường bình thường”, ông Trường nói.
Trước những đề nghị đưa ra của nhà đầu tư nước ngoài, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý xem có phù hợp với tình hình thực tế không. Trong khi chúng ta đang thực hiện cơ chế thị trường, có sự điều tiết linh hoạt của nhà nước, mà nhà đầu tư lại yêu cầu bảo lãnh tỷ giá, doanh thu như vậy có phù hợp không? Đề nghị cân nhắc thận trọng, theo ông Hiển, câu chuyện này không đơn giản, và những yêu cầu như vậy là rất khó thực hiện.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.