Về việc đầu tư nâng cấp mở rộng tuyến QL14D và QL14G, Bộ GTVT cho biết, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, QL14D dài 75 km trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, điểm đầu giao đường Hồ Chí Minh, huyện Nam Giang và điểm cuối tại cửa khẩu Nam Giang, quy mô cấp III - IV, 2 - 4 làn xe, hiện trạng tuyến đường cơ bản đạt tiêu chuẩn đường cấp VI đến cấp V miền núi.
QL14G dài khoảng 66 km từ Túy Loan, Hòa Vang, TP.Đà Nẵng đến đường Hồ Chí Minh, Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, quy cấp IV, 2 làn xe, hiện trạng tuyến đường qua tỉnh Quảng Nam dài 40 km cơ bản đạt tiêu chuẩn đường cấp V và đang khai thác bình thường.
Về đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến nêu trên để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh và bảo đảm an toàn giao thông, trong phạm vi nguồn lực cân đối được, đối với tuyến QL14G, Bộ GTVT đã ưu tiên đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác 4 cầu (Km32+480, Sông Vàng, Dốc Rùa 2 và Sông Kôn) bằng nguồn vốn vay JICA của Nhật Bản; đồng thời, đã nghiên cứu lập dự án và giao Cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư3 nhưng do khó khăn về vốn nên chưa thể triển khai.
Đối với tuyến QL14D, từ năm 2015, Bộ GTVT đã có đề xuất đầu tư từ nguồn vốn vay ADB nhưng do các quan ngại về tác động môi trường, thủ tục liên quan rừng bảo tồn thiên nhiên quốc gia Sông Thanh, rừng đặc dụng Nam Sông Bung và lưu lượng trên tuyến không cao nên dự án chưa triển khai.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao UBND tỉnh Quảng Nam nghiên cứu đầu tư tuyến QL14D theo phương thức đối tác công tư (PPP), UBND tỉnh Quảng Nam đã chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan và nhà đầu tư nghiên cứu phương án đầu tư. Tuy nhiên, do vướng mắc về thủ tục pháp lý và quy định của Luật PPP, UBND tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo đề xuất dừng nghiên cứu đầu tư dự án theo phương thức PPP và đề xuất chuyển sang hình thức đầu tư công.
Trên cơ sở đề nghị của tỉnh, báo cáo của Bộ GTVT, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà có ý kiến tại văn bản số 798/VPCP-CN ngày 01/02/2024 giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Quảng Nam cân đối nguồn vốn thực hiện dự án theo quy định. Thực hiện chỉ đạo, Bộ GTVT đã giao Ban QLDA Thăng Long tổ chức lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án để có thể triển khai ngay khi cân đối bố trí được vốn.
Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách nhà nước được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 giao Bộ GTVT rất hạn hẹp (tập trung chủ yếu cho các dự án động lực quan trọng, cấp bách theo các nguyên tắc, tiêu chí của Quốc hội, Chính phủ), Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính nghiên cứu, tham mưu cấp thẩm quyền xem xét, bố trí vốn để triển khai các tuyến.
Về đề xuất bổ sung nguồn vốn bảo trì đường bộ để thực hiện công tác bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến QL14D, Bộ GTVT cho biết, trong điều kiện nguồn vốn cho công tác bảo trì đường bộ còn hạn hẹp không đáp ứng được nhu cầu bảo trì, sửa chữa hệ thống quốc lộ, để bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến QL14D, trong các năm qua, Bộ GTVT đã giao Cục Đường bộ Việt Nam thường xuyên thực hiện công tác bảo trì, sửa chữa phục vụ khai thác (trong đó: năm 2022 sửa chữa định kỳ làm mới 1 công trình với kinh phí 7,5 tỷ đồng; năm 2023 sửa chữa định kỳ làm mới 3 công trình với kinh phí 26,974 tỷ đồng; năm 2024 đã bố trí khoảng 58,114 tỷ đồng cho công trình chuyển tiếp (27,940 tỷ đồng) và công trình làm mới (30,174 tỷ đồng); năm 2025 dự kiến đã bố trí khoảng 18,591 tỷ đồng; và giao Sở GTVT Quảng Nam làm chủ đầu tư).
"Trong thời gian tới, Bộ GTVT giao Cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp các bên liên quan và địa phương thực hiện tăng cường công tác kiểm tra và duy tu, sửa chữa để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông", Bộ GTVT nêu rõ.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.