Căn biệt thự cổ từ thời Pháp không có dấu hiệu nguy hiểm cho tới 5 phút trước khi đổ sập |
Trách nhiệm thuộc về Tổng công ty Đường sắt VN?
Trao đổi trên Vietnamnet sáng 23/9, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, nhà 107 Trần Hưng Đạo là tài sản của Tổng công ty Đường sắt VN, được Tổng Cty sử dụng từ năm 1955. Do đó, việc duy tu sửa chữa khi nhà xuống cấp thuộc trách nhiệm của Tổng công ty này và Ban quản lý dự án 1 - đơn vị sử dụng.
Hiện tại, Tổng công ty thuộc Bộ GTVT quản lý. Bộ đã giao Tổng cty tập hợp tất cả các hồ sơ của ngôi nhà từ thời đơn vị này ký tiếp quản, bởi có thể hồ sơ hoàn công nhà vẫn còn.
“Cần phải xem xét trong quá trình tiếp quản khai thác được cải tạo như thế nào để đối chiếu làm việc với các cơ quan chức năng”, Thứ trưởng Đông nói.
Ngoài ra, Thứ trưởng còn cho biết thêm, hiện Tổng công ty Đường sắt đang sử dụng một hệ thống nhà cổ thời Pháp thuộc như: ga Nha Trang, Đà Lạt... Cũng phải kiểm tra lại xem tu sửa định kỳ có đảm bảo không.
Không thể phá dỡ do vướng bảo tồn
Theo báo cáo của Tổng cty Đường sắt VN, khu đất 107 Trần Hưng Đạo, Hà Nội đã được cơ quan này ký hợp đồng thuê nhà, đất với Thành phố Hà Nội. Trước năm 2000 là đóng tiền thuê nhà, từ những năm 2000 đến nay là nộp tiền thuế sử dụng khu đất này.
Nhận thấy công trình bị hư hỏng nặng do thời gian sử dụng đã lâu, có nguy cơ sụp đổ, úng ngập toàn bộ tầng hầm nên VNR đã có nhiều văn bản báo cáo, xin cho phép phá dỡ để xây dựng trụ sở làm việc, đồng thời đầu tư xây dựng tại Số 31 Láng Hạ làm khu tái định cư.
Tuy nhiên, trao đổi với Đất Việt, Phó Tổng giám đốc VNR khẳng định, sau nhiều văn bản gửi đi, lãnh đạo Hà Nội và phía Sở Xây dựng mới chấp thuận việc xây dựng tại Số 31 Láng Hạ nhưng vẫn chưa chấp thuận việc liên quan đến tòa nhà số 107 Trần Hưng Đạo do những vướng mắc về thủ tục pháp lý về bảo tồn cổ.
Trong thời gian quản lý, để duy trì công năng sử dụng, VNR đã 3 lần thực hiện việc cải tạo, sửa chữa chống sập, dột nhưng không làm ảnh hưởng tới kết cấu tòa nhà như chống sập sàn tầng 1, trần tầng 2 hội trường; thay thế cửa tầng 2 nhà hội trường; xây dựng hệ thống trạm bơm thoát nước, chống úng ngập tầng hầm.
Khi được hỏi về trách nhiệm của Tổng công ty Đường sắt VN khi để nhà sập gây hậu quả nghiêm trọng, ông Hoạch cho biết, hiện cơ quan Công an đang điều tra theo chức năng và thời điểm này Tổng công ty “chưa nói được gì cả”.
Theo báo cáo của ngành đường sắt, vào lúc 12h 35 phút ngày 22/9, cán bộ công nhân viên Ban Quản lý dự án Khu vực 1 (đơn vị đường sắt đang trực tiếp quản lý và sử dụng tòa nhà) phát hiện tường của tòa nhà bị nứt và đã báo cáo lãnh đạo Ban kịp thời tổ chức sơ tán toàn bộ cán bộ công nhân viên ra khỏi tòa nhà. Đúng lúc 12h40 phút, (5 phút sau), toàn bộ khu 2 tòa nhà 107 Trần Hưng Đạo bị sập đổ. Sự cố sập tòa giữa biệt thự cổ Số 107 Trần Hưng Đạo, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm làm 2 người chết và 5 người khác bị thương, trong đó có 2 người bị thương nhẹ đã được xuất viện, 3 trường hợp khác đang tiếp tục được điều trị tại BV Việt Đức và Bạch Mai. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.