Bộ GTVT xóa nhiều "điểm nghẽn" để cải thiện môi trường kinh doanh

Tác giả: Ánh Minh

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 18/02/2025 08:38

Bộ GTVT hướng tới mục tiêu tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập trong lĩnh vực GTVT, giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.

Bộ GTVT xóa nhiều "điểm nghẽn" để cải thiện môi trường kinh doanh- Ảnh 1.

Trung tâm logistics ITL ga Yên Viên, TP. Hà Nội

Xóa bỏ những tư duy, cơ chế là "điểm nghẽn"

Bộ GTVT vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 02/2025 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025.

Theo đó, Bộ GTVT quán triệt, chấp hành nghiêm, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, thực chất các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghhiệp theo quy định của Hiến pháp 2013.

Cùng với đó là kịp thời tạo lập và hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tháo bỏ rào cản, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, chi phí thấp để khơi thông nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước, nhất là đầu tư tư nhân và thúc đẩy hợp tác công tư, đồng thời khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo, các mô hình kinh doanh mới, phù hợp và thích ứng linh hoạt với xu thế phát triển.

Quan điểm của Bộ GTVT cũng chú trọng việc nâng cao chất lượng xây dựng chính sách, pháp luật. Trong đó tập trung vào tháo gỡ "điểm nghẽn" về thể chế. Đồng thời sửa đổi đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm các quy định, thủ tục hành chính đơn giản, giảm gánh nặng tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.

Bộ GTVT thực hiện nghiêm yêu cầu chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật, từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm", xóa bỏ cơ chế "xin - cho". Quy trình lấy ý kiến cần thực chất; tham vấn rộng rãi các đối tượng chịu tác động; tổ chức đối thoại công khai. Đồng thời nâng cao chất lượng thực thi văn bản pháp luật; giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm đúng thời hạn và không đặt thêm các yêu cầu, điều kiện đối với doanh nghiệp.

Bộ GTVT cũng sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực và tăng cường giám sát kiểm tra; thực hiện phân cấp hơn nữa cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trên tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Bộ GTVT cũng thiết lập cơ chế rõ ràng về bảo vệ cán bộ khi giải quyết thủ tục đầu tư, kinh doanh trong trường hợp có sự không thống nhất, khác biệt về quy định giữa các văn bản pháp luật.

Bộ GTVT
Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; phân công phải 5 rõ: Rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm.

Quan điểm chỉ đạo của Bộ GTVT cũng nhấn mạnh việc duy trì và nhân rộng các kinh nghiệm chính sách tốt, tiên tiến về quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thực thi nghiêm cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa, nhất là công tác kiểm tra chất lượng, theo hướng chuyển sang hậu kiểm, áp dụng quản lý rủi ro trên cơ sở đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và mức độ rủi ro của hàng hóa.

Bộ GTVT
Đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã thực hiện là phải có kết quả. Tinh thần là cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển.

8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm

Đề cập đến các mục tiêu, Bộ GTVT cho biết sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh trong lĩnh vực GTVT theo hướng giảm chi phí tuân thủ, bảo đảm an toàn và phù hợp với thông lệ quốc tế tốt; thực hiện phân cấp, phân quyền; thúc đẩy tinh thần kinh doanh; khuyến khích đổi mới, sáng tạo; đồng thời củng cố niềm tin, tạo điểm tựa cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Qua đó nâng cao vị thế của đất nước trên các bảng xếp hạng toàn cầu.

Bộ GTVT hướng tới mục tiêu tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập trong lĩnh vực GTVT, giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.

Đồng thời tiếp tục hoàn thiện mạng lưới GTVT trong cả nước, bảo đảm sự kết nối và phát triển hài hòa, hợp lý giữa các phương thức vận tải; ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ của cách mạng khoa học công nghệ vào dịch vụ vận tải, logistics; nghiên cứu phát triển phương thức vận tải tiên tiến.

Bộ GTVT cũng sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và logistics, bảo đảm an toàn, nhanh chóng, tiện nghi, hiện đại, thân thiện với môi trường đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng quốc tế về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh.

Đồng thời thích ứng với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế - chính trị thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Từ đó góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể được đề ra tại Nghị quyết 02/2025 của Chính phủ.

Bộ GTVT xóa nhiều "điểm nghẽn" để cải thiện môi trường kinh doanh- Ảnh 2.

Tàu container nước ngoài lưu thông qua cảng Đình Vũ và cảng Tân Vũ, tiến ra Biển Đông

Để hiện thực hóa các mục tiêu, Bộ GTVT đặt ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cho các cơ quan, đơn vị.

Thứ nhất là rà soát các quy định của pháp luật, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư trong lĩnh vực GTVT.

Thứ hai là nâng cao chất lượng danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực GTVT.

Thứ ba là tháo gỡ các "điểm nghẽn", xây dựng giải pháp đột phá về thể chế, cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút, chuyển giao, làm chủ công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến.

Thứ tư là đổi mới công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa lĩnh vực GTVT và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Thứ năm là cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao chất lượng quy định và hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực GTVT.

Thứ sáu là nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh trong lĩnh vực GTVT.

Thứ bảy là thực hiện rà soát kế hoạch thanh tra và điều chỉnh trong trường hợp thấy cần thiết để bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm toán nhà nước; không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp.

Mặt khác, Bộ GTVT cũng sẽ đẩy mạnh thực hiện một số chỉ tiêu nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công.

Ý kiến của bạn

Bình luận