Liên hệ quảng cáo
Thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng
Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang gửi tới sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang do Ban Dân nguyện chuyển đến với nội dung kiến nghị: "Cử tri đánh giá cao sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ trong việc bố trí nguồn lực đầu tư cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông đối với các tỉnh phía Nam.
Cử tri đề nghị quan tâm hơn nữa, huy động các nguồn lực để đầu tư, xây dựng thêm nhiều tuyến đường cao tốc đối với khu vực phía Nam, qua đó đồng bộ hạ tầng, tăng liên kết vùng, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực".
Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang, Bộ GTVT cho biết, trong thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hệ thống đường cao tốc khu vực phía Nam, bao gồm vùng Đông Nam bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có những bước phát triển mạnh mẽ.
Cụ thể, trước khi bước vào nhiệm kỳ 2021 - 2025, toàn khu vực chỉ có 91 km đường cao tốc, gồm tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và cao tốc Hồ Chí Minh - Trung Lương.
Đến nay, các tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2, Phan Thiết - Dầu Giây đã được đưa vào kịp thời, nâng tổng chiều dài đường cao tốc trong khu vực lên 223 km (tăng 132 km).
Cùng với đó là các tuyến cao tốc đang triển khai xây dựng, như: Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Bên Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, An Hữu - Cao Lãnh, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cần Thơ - Cà Mau, Cao Lãnh - Lộ Tẻ, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi với tổng chiều dài 712 km.
Dự kiến đến năm 2026, tổng chiều dài hệ thống đường cao tốc khu vực phía Nam sẽ đạt 935 km.
Thi công đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh
Để tăng cường liên kết vùng và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực, các tuyến đường cao tốc đã và đang được nghiên cứu đầu tư, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2026 - 2030.
Trong đó, một số tuyến đã được cấp có thẩm quyền quy định đầu tư, bố trí đủ vốn ngân sách nhà nước để triển khai như: Gia Nghĩa - Chơn Thành, Dầu Giây - Tân Phú - Bảo Lộc - Liên Khương, TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành, TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Mỹ An - Cao Lãnh.
Cùng với đó là một số tuyến đã được Thủ tướng Chính phủ giao địa phương nghiên cứu đầu tư như: Vành đai 4 - TP. Hồ Chí Minh, Gò Dầu - Xa Mát.
"Như vậy, với các dự án này, đến năm 2030, hệ thống đường cao tốc khu vực phía Nam sẽ cơ bản được đầu tư theo quy hoạch, đáp ứng tốt nhu cầu vận tải trung và dài hạn của khu vực", Bộ GTVT nêu rõ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.