Nhà đầu tư 194 cần huy động thêm thiết bị để bù khối lượng bị chậm
Văn bản cho biết, hiện nay, Bộ trưởng Bộ GTVT đã công điện yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung và quyết liệt cao nhất để dự án cao tốc đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo sớm hoàn thành.
Bộ GTVT ghi nhận trên công trường, thời gian vừa qua, các đơn vị đã có nhiều cố gắng đẩy nhanh tiến độ thi công của dự án. Trong tháng 10/2023 đã thực hiện quy đổi thành tiền khoảng 245 tỷ đồng, lũy kế sản lượng đến cuối tháng 10 được 5.988/7.587 tỷ đồng (đạt 78,94% giá trị hợp đồng).
Đặc biệt là đối với đoạn Km52+00 - Km92+260 do nhà đầu tư Công ty Cổ phần Tổng công ty Đầu tư xây dựng 194 quản lý, thực hiện đã có nhiều tiến bộ vượt bậc. Tuy nhiên, cần phải cố gắng và huy động thêm thiết bị nhân công để bù lại khối lượng công việc chậm lấy lại tiến độ (chậm 4,4% so với kế hoạch được điều chỉnh).
Theo Bộ GTVT, thời hạn thực hiện dự án không còn nhiều, trong khi khối lượng còn lại rất lớn, khu vực dự án bắt đầu vào mùa mưa nên diễn biến thời tiết bất thường khó có thể kiểm soát tiến độ thi công nền, móng, mặt đường...
Để đáp ứng tiến độ, Bộ GTVT cho biết, đến nay, mặt bằng cơ bản đã được các địa phương bàn giao. Tuy nhiên, vẫn còn vướng mắc cục bộ tại một số vị trí (2 đoạn đường gom phát sinh tại lý trình Km93+195 - Km93+320 phải tuyến, Km94+566 - Km94+740 phải tuyến; Phạm vi điều chỉnh đầu đường dẫn cầu vượt Lợi Hải - Phước Kháng Km72+193; Đường điện 22kV trên tuyến chính tại Km84+00...), Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA 85, doanh nghiệp dự án phối hợp làm việc với địa phương xác định thời gian hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng cụ thể đối với từng vị trí còn vướng mắc để triển khai và kiểm điểm tình hình thực hiện.
Trong trường hợp có nguy cơ ảnh hưởng tới tiến độ dự án và vượt thẩm quyền cần có văn bản báo cáo Bộ GTVT đề làm việc với UBND các tỉnh đôn đốc, chỉ đạo các địa phương và các đơn vị có liên quan kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Phải đảm bảo thông xe tuyến chính trước ngày 31/12/2023
Về công tác thi công, trên cơ sở khối lượng công việc còn lại, Ban QLDA 85, doanh nghiệp dự án chỉ đạo các nhà thầu, tư vấn giám sát xây dựng chi tiết kế hoạch thực hiện từng hạng mục công việc, lưu ý cần có dự phòng cho cả điều kiện thời tiết bất lợi như hiện nay.
Đặc biệt là đối với các hạng mục đường "găng" của dự án như: Đào đá nền đường Km56+00 - Km61+00 (còn khoảng 350.000 m3), lao lắp dầm cầu (còn 129 phiến dầm), bê tông nhựa (còn khoảng 125.000 tấn, nút giao Du Long... thuộc đoạn do Công ty Cổ phần Tổng công ty Đầu tư xây dựng 194 quản lý và hầm Núi Vung do Tập đoàn Đèo Cả quản lý, kèm theo yêu cầu về huy động nguồn lực tài chính, máy móc, thiết bị, tập kết vật tư… tổ chức thi công 3 ca 4 kíp để đảm bảo hoàn thành thông xe tuyến chính trước ngày 31/12/2023 như đã chấp thuận.
Trong đó, đối với đoạn Km52+00 - Km92+260, Bộ GTVT đề nghị nhà đầu tư lưu ý tăng cường huy động bổ sung tối thiểu một số thiết bị, gồm: Công tác đào phá đá nền đường, cần tăng cường thêm nhân lực khoan nổ hoàn thiện mái ta luy dương nền đào; tăng cường bổ sung xe vận chuyển đá... để tăng tốc độ đào nền đạt khoảng 12.000 - 13.000 m3/ngày đảm bảo bù lại cho phần tiến độ chậm vừa qua.
Công tác thi công cầu cần tăng cường ván khuôn đúc gờ lan can; tăng cường các tổ nhân công đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thiện gờ lan can, bản mặt cầu, khe co giãn... tăng cường thiết bị vận chuyển dầm để đẩy nhanh công tác lao lắp dầm...
Đối với công tác thảm bê tông nhựa cần chủ động tập kết vật liệu đá thi công bê tông nhựa; tăng cường bổ sung thêm tối thiểu 1 dàn rải bê tông nhựa công suất lớn để triển khai đồng thời tối thiểu 2 mũi bê tông nhựa.
Về công tác ATGT cần khẩn trương tập kết đầy đủ hệ thống ATGT về công trường, tăng cường bổ sung thiết bị, nhân lực đóng cọc, lắp đặt hộ lan mềm, lắp đặt dải phân cách giữa, lưới chống chói, thi công hàng rào bảo vệ, hệ thống biển báo...
Đối với đoạn Km92+260 - Km134+00, Bộ GTVT đề nghị nhà đầu tư lưu ý chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thiện đào đá đồi Km119; tiến độ gia cố mái ta luy dương đồi Km121, Km126 và hoàn thiện các cầu Bắc hầm 1, Bắc hầm 2, hoàn thiện hệ thống ATGT, hàng rào...
Đối với hầm Núi Vung, Bộ GTVT đề nghị nhà đầu tư kiểm soát chặt chẽ về chuyển vị hầm đoạn qua vùng địa chất yếu, trường hợp cần thiết, nghiên cứu giải pháp gia cường đảm bảo an toàn kết cấu công trình lâu dài trong quá trình khai thác; Kiểm soát chặt chẽ tiến độ thi công, tiến độ lắp đặt thiết bị hầm, thiết bị phòng cháy chữa cháy... đảm bảo hoàn thành toàn bộ dự án trước ngày 30/3/2024. Trong đó, lưu ý đẩy nhanh tiến độ hoàn thành bê tông vỏ hầm trước ngày 31/12/2023 và thi công đồng thời lớp CTB, bê tông mặt đường hầm phải.
Bộ GTVT yêu cầu lãnh đạo Ban QLDA 85 tăng cường kiểm tra, giám sát hiện trường để chỉ đạo, kiểm tra công tác huy động nhân lực, thiết bị, tổ chức thi công của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án định kỳ 2 tuần/ lần, tổ chức kiểm điểm đánh giá tiến độ với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, nhà thầu thi công tại hiện trường để có giải pháp thúc đẩy tiến độ từng mũi thi công.
Đặc biệt là đoạn thuộc đường "găng" của dự án, kịp thời đôn đốc, cảnh báo doanh nghiệp dự án, nhà thầu thi công khi phát hiện nguy cơ chậm tiến độ, khẩn trương có biện pháp khắc phục; trường hợp nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không khắc phục, để xảy ra chậm trễ, phải xử lý nghiêm theo quy định hợp đồng và có phương án triển khai đảm bảo hoàn thành dự án theo kế hoạch.
Kiểm soát chặt chất lượng công trình
Liên quan đến công tác quản lý chất lượng, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, Bộ GTVT chỉ đạo Ban QLDA 85 tăng cường kiểm tra, yêu cầu doanh nghiệp dự án, tư vấn giám sát kiểm soát chặt chẽ về chất lượng công trình theo đúng các yêu cầu kỹ thuật, đặc biệt đối với các hạng mục đường "găng" đang bị chậm tiến độ; kiểm soát chất lượng vật liệu đầu vào, chất lượng thi công các hạng mục công trình (đất đắp, cấp phối đá dăm, CTB, bê tông nhựa,...); Sắp xếp, tổ chức công trường gọn gàng, thi công hoàn thiện dứt điểm các hạng mục bảo vệ mái taluy để chống xói lở...
Tăng cường kiểm công tác an toàn lao động, đặc biệt các khu vực thi công nguy cơ xảy ra tai nạn lao động: Lao dầm, thi công bản mặt cầu... tuyệt đối không được để xảy ra tai nạn.
"Yêu cầu doanh nghiệp dự án và Ban QLDA 85 kiểm tra, đánh giá các khu vực nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường xung quanh đặc biệt tác động tới môi trường sống của người dân có giải pháp khắc phục ngay. Tăng cường vệ sinh công trường, đảm bảo giao thông trong quá trình thực hiện, tuân thủ quy định hiện hành và các điều khoản của hợp đồng. Trường hợp phát hiện các đơn vị thi công không đảm bảo chất lượng, vi phạm quy định... Doanh nghiệp dự án kịp thời có hình thức xử lý hoặc thay thế các đơn vị thi công", Văn bản nêu rõ.
Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA 85 chỉ đạo doanh nghiệp dự án, nhà thầu, tư vấn giám sát khẩn trương tiếp thu ý kiến, kiểm tra, rà soát, chỉ đạo khắc phục kịp thời các tồn tại được cơ quan thường trực Hội đồng Kiểm tra nhà nước nêu tại các đợt kiểm tra hiện trường; Giải trình, làm rõ các nội dung theo ý kiến của cơ quan thường trực Hội đồng (nếu có) và các ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT tại các văn bản ban hành trước đây.
Ngoài ra, Bộ GTVT chỉ đạo Ban QLDA 85 căn cứ mô hình thu phí điện tử không dừng được Bộ GTVT thống nhất tại Văn bản 12189 ngày 27/10/2023 khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thiết kế điều chỉnh đảm bảo chất lượng, phù hợp yêu cầu kinh tế, kỹ thuật và thống nhất đồng bộ với hệ thống cao tốc trên toàn quốc, tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế điều chỉnh theo chỉ đạo của Bộ GTVT đáp ứng tiến độ hoàn thành. Trong quá trình triển khai yêu cầu các đơn vị của Bộ kịp thời trả lời các vướng mắc của nhà đầu tư.
"Giao Cục Quản lý đầu tư xây dựng phối hợp với Cục đường cao tốc Việt Nam, định kỳ tổ chức kiểm tra, giám sát và kiểm điểm tiến độ thực hiện của các bên liên quan nhằm đáp ứng tiến độ hoàn thành dự án", Bộ GTVT nêu rõ.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.