Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Vốn Nhà nước tham gia dự án PPP mức 70 – 75% là hợp lý

Tác giả: L. Chi

saosaosaosaosao
Đường bộ 09/11/2023 16:09

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, việc nâng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia vào dự án PPP là vấn đề cần tính toán, cân nhắc. Qua tính toán cho thấy mức 70 – 75% là hợp lý, tuy nhiên một số dự án có thể cao hơn.

Có cơ chế, chính sách đặc thù sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ

Hôm nay (9/11), theo chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Vốn Nhà nước tham gia dự án PPP mức 70 – 75% là hợp lý - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ

Giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua thảo luận tại Tổ và Hội trường cho thấy, về cơ bản các đại biểu ủng hộ đề xuất của Chính phủ với các chính sách như dự thảo Nghị quyết, đồng thời nêu nhiều vấn đề cần rà soát hoàn thiện. Bộ trưởng cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến đại biểu để hoàn thiện dự thảo.

Về tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia vào dự án PPP, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây là vấn đề khó và nhạy cảm. Trước đây không quy định tỷ lệ, sau này có Luật PPP đưa ra tỷ lệ 50%, dù thời điểm đó đưa ra tỷ lệ này đều có căn cứ rõ ràng nhưng đến nay nhận thấy quy định này không còn phù hợp như các dự án đi qua các địa phương có lưu lượng xe thấp, nhu cầu vận tải không cao thì nhà đầu tư không quan tâm, hay các dự án đi qua các đô thị thì chi phí giải phóng mặt bằng là rất lớn…

Do đó sự cần thiết nâng tỷ lệ vốn Nhà nước với yêu cầu là bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân và bảo đảm tính khả thi. Bởi nếu tỷ lệ thấp thì không thu hút nhà đầu tư, nhưng nếu nâng cao quá thì không còn ý nghĩa của dự án PPP nữa.

"Nâng tỷ lệ vốn Nhà nước lên là vấn đề cần tính toán, cân nhắc. Qua tính toán cho thấy mức 70 – 75% là hợp lý, tuy nhiên một số dự án có thể cao hơn song từng dự án cụ thể, tùy khả năng cân đối vốn của Nhà nước để quyết định tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nói và cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến của ĐBQH để trong thời gian tới rà soát nghiên cứu sửa đổi Luật PPP.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nhất trí về việc cần có quy định về nguyên tắc và tiêu chí để có cơ sở triển khai. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng cho biết sẽ phải rà soát lại để bảo đảm toát lên được tính đặc thù, đặc biệt riêng cần phải có một cơ chế này. Đó là tính hiệu quả hay tính hợp lý hay tính cấp bách. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ phối hợp với Ủy ban Kinh tế để rà soát, đồng thời có báo cáo lại Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước trình Quốc hội với tinh thần là phải rà soát kỹ nguyên tắc và tiêu chí.

Tại phần giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng làm rõ các dự án trình lần này đều là những dự án đã được xác định trong đầu tư công trung hạn đã chuẩn bị thủ tục đầu tư, đã bố trí nguồn vốn nhưng có vướng mắc. Do đó nếu khi được Quốc hội thông qua cơ chế, chính sách đặc thù thì sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời, do nhiều địa phương có đề nghị nên Chính phủ đã thiết kế "quy định mở". Theo đó, một số dự án chưa kịp hoàn thiện thủ tục với yêu cầu từ nay đến khi Quốc hội thông qua thì phải hoàn thiện; cũng như trong quá trình thực hiện tiếp theo có phát sinh một số dự án nữa thì căn cứ vào nguyên tắc tiêu chí để nếu đáp ứng đủ thì sẽ trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

"Đây đều là những dự án đã chuẩn bị xong, đủ điều kiện và đang triển khai nên rất mong Quốc hội thông qua danh mục các dự án đã được rà soát và trình Quốc hội lần này", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.

Đề xuất 5 nhóm chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Vốn Nhà nước tham gia dự án PPP mức 70 – 75% là hợp lý - Ảnh 2.

Dự án đầu tư nâng cấp cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ được triển khai theo hình thức PPP

Trước đó, chiều 27/10, thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình Quốc hội về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Dự thảo Nghị quyết gồm 10 điều với nội dung chính gồm 5 nhóm chính sách, trong mỗi chính sách sẽ có danh mục thí điểm kèm theo.

Chính sách 1 là đối với các dự án giao thông đường bộ, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án.

Chính phủ lý giải, theo quy định hiện hành, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào các dự án PPP không vượt quá 50% tổng mức đầu tư dự án. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, một số dự án giao thông đường bộ có tổng mức đầu tư lớn, trong khi nhu cầu vận tải chưa cao, nên cần có sự tham gia vốn nhà nước nhiều hơn để đảm bảo tính khả thi khi kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP.

Ngoài ra, có một số dự án đi qua khu vực đồng bằng có nhu cầu giải phóng mặt bằng nhiều, chiếm tỷ lệ cao trong tổng mức đầu tư dự án. Nếu áp dụng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP theo quy định sẽ khó bảo đảm hiệu quả tài chính và không thể hấp dẫn các nhà đầu tư để triển khai theo phương thức PPP. Chính sách đề xuất nhằm tạo động lực hơn nữa trong việc thu hút, huy động vốn đầu tư tư nhân, bảo đảm hiệu quả tài chính dự án, hấp dẫn các nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng.

"Do đó, Chính phủ đề xuất quy định cho phép tỷ lệ vốn tham gia của nhà nước không quá 70%, tương tự như Quốc hội đã cho phép áp dụng cơ chế tại khoản 5 Điều 4 Nghị quyết số 98/2023/QH15 đối với TP.HCM. Chính sách này áp dụng cho 1 dự án thuộc địa phận tỉnh Thái Bình", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.

Chính sách 2 về thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đi qua các địa phương, đề xuất là Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định giao UBND cấp tỉnh có khả năng bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương (bao gồm cả vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương nếu có) làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đi qua địa phương mình.

Chính sách này áp dụng cho 7 dự án thuộc địa bàn các tỉnh Sơn La, Ninh Bình, Hậu Giang, Cần Thơ, Khánh Hòa, Bình Phước.

Chính sách 3 về các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương: Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao một UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương và sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ vốn đầu tư cho địa phương khác để đầu tư thực hiện dự án.

Chính sách này áp dụng cho 10 dự án thuộc địa bàn các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Hải Dương, Đà Nẵng, Quảng Nam, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đồng Tháp.

Chính sách 4 về cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Nội dung đề xuất là nhà đầu tư, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án hạ tầng giao thông đường bộ.

Nhà đầu tư, nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường; chịu sự quản lý, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng khoáng sản; nộp thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật có liên quan về thuế, phí, pháp luật về bảo vệ môi trường.

Chính sách này áp dụng cho 16 dự án thuộc địa bàn các tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Lai Châu, Lào Cai, Ninh Bình, Đồng Nai, Lâm Đồng, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bắc Kạn, Kiên Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hậu Giang.

Chính sách 5 về cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022, gồm 4 nội dung. Theo đó, cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án khởi công mới trong giai đoạn 2021-2025 căn cứ các nguồn vốn: dự kiến từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022; dự kiến vốn ngân sách nhà nước trong năm 2024-2025 khi có điều kiện hoặc trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, áp dụng cho 6 dự án của Bộ GTVT, Ninh Bình, Thái Bình, Bình Phước, Bình Dương, TP. Cần Thơ .

Đồng thời, cho phép các dự án do địa phương quản lý đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư tương ứng với số vốn ngân sách trung ương bố trí tăng thêm cho dự án từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022, áp dụng cho 7 dự án của tỉnh Lạng Sơn, Sơn La, Thừa Thiên Huế, Bắc Kạn, Quảng Ngãi, Tiền Giang, Đồng Tháp, Tuyên Quang.

Bên cạnh đó, cho phép giao kế hoạch từ nguồn tăng ngân sách trung ương năm 2022 cho các dự án khi các dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư và nguồn vốn này được thực hiện và giải ngân trong 3 năm từ 2023-2025, áp dụng cho 30 dự án của Bộ GTVT, các địa phương gồm: Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Lâm Đồng, TP. HCM, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Vĩnh Long, TP. Cần Thơ.

Ngoài ra, bố trí vốn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 để thanh toán chi phí giải phóng mặt bằng (bao gồm phần chậm trả) các dự án giao thông đường bộ thuộc nhiệm vụ của ngân sách trung ương phát sinh sau khi dự án đã quyết toán, áp dụng cho 1 nhiệm vụ chi của tỉnh Nghệ An.

Đối với nhóm các chính sách 1, 2, 3, 4, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép áp dụng trong thời gian đến hết năm 2025; đối với chính sách 5 trình Quốc hội cho áp dụng 1 lần. Các dự án sau khi được áp dụng cơ chế đặc thù được thực hiện đến khi hoàn thành dự án.


Ý kiến của bạn

Bình luận