Bộ KH&CN vượt chỉ tiêu cải cách kiểm tra chuyên ngành

Tác giả: Bùi Minh

saosaosaosaosao
Ứng dụng 17/10/2018 10:33

Theo nhận xét từ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ KH&CN đã chuyển 279/299 mặt hàng sang hậu kiểm, được cộng đồng DN đánh giá cao.


5(79)
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá cao nỗ lực của Bộ KH&CN trong cải cách kiểm tra chuyên ngành. Ảnh: VGP 

Bộ KH&CN đi đầu trong cải cách

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, thời gian qua, Chính phủ đã yêu cầu khẩn trương tiến hành việc cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh và 50% các thủ tục, mặt hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành.

Tuy nhiên, trong tổng số 6.191 điều kiện kinh doanh, đến nay mới cắt được 1.517 điều kiện. Còn trong 9.926 dòng hàng mới cắt giảm được 1.700 dòng hàng. Ví dụ Bộ GTVT có các phương án đầu tiên về cắt giảm các điều kiện kinh doanh đã hơn 4 tháng với cam kết cắt giảm 56% điều kiện, nhưng đến nay vẫn chưa xong.

“Chúng ta đã làm được nhiều việc, nhưng hôm nay mời nhiều hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia để minh chứng việc cắt giảm có thực chất không hay gom 2 thành 1 hoặc cắt cái nọ mọc cái kia. Tất nhiên tình trạng này nếu có thì cũng là số rất ít, nhưng tinh thần là phải rất minh bạch”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết. 

Thông báo về các kết quả đạt được trong kiểm tra chuyên ngành, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết đầu tiên là đã đẩy mạnh quản lý rủi ro, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Điển hình tiêu biểu là Bộ KH&CN đã chuyển 279/299 mặt hàng sang hậu kiểm, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Đặc biệt, thời gian qua, nhờ nỗ lực chung của các Bộ ngành mà đã giảm cơ bản danh mục mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành chồng chéo. Năm 2017, các doanh nghiệp mất 30 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng cho kiểm tra chuyên ngành với trên 100.000 mặt hàng phải kiểm tra, nhưng chỉ phát hiện 0,06% số lô hàng có vi phạm, tức là tỷ lệ rất thấp.

“Trước đây, có mặt hàng do 4 bộ kiểm tra, có mặt hàng do 2, 3 cơ quan trong một bộ kiểm tra, nhưng nay mỗi mặt hàng chỉ giao 1 bộ và 1 đơn vị của bộ, không còn chồng chéo như trước”, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết.

Cùng với đó, các bộ đã ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn các mặt hàng để kiểm tra, phân cấp, công bố rất rõ, “tránh tình trạng kiểm tra không có tiêu chuẩn, quy chuẩn, tức là kiểm tra mò, suy diễn, không minh bạch”.

Đồng thời, đã đẩy mạnh việc công nhận lẫn nhau, công nhận kết quả kiểm tra của các đơn vị, đối tác nước ngoài; đẩy mạnh việc xã hội hóa hoạt động kiểm tra (có cả các doanh nghiệp tư nhân tham gia); hầu hết danh mục hàng hóa được ban hành gắn với mã HS; thực hiện quyết liệt cơ chế một cửa, thủ tục điện tử. Ngoài ra, số tờ khai hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành đã giảm, nếu năm 2015 tỷ lệ lô hàng phải làm tờ khai lên tới 30% thì năm 2017 đã giảm còn 19,4%.

“Ví dụ, khi Chính phủ ban hành Nghị định 116 về kinh doanh ô tô thì cơ quan hải quan đã rất đổi mới, vận dụng linh hoạt để 200 xe, 400 xe cũng coi là một lô hàng, còn như trước đây nếu lượng xe quá 2 con số là phải khai sang tờ khác”, Bộ trưởng cho biết.

Còn tình trạng nhiều Bộ chưa hoàn thành mục tiêu

Tổ công tác của Thủ tướng cũng ghi nhận 7 bộ đã vượt chỉ tiêu được Chính phủ giao trong đơn giản hóa, cắt giảm các dòng hàng phải kiểm tra. Đó là Bộ Công Thương đã cắt giảm 402/702 dòng hàng, Bộ TT&TT cắt giảm 89/146 dòng hàng, Bộ LĐTB&XH cắt giảm 33/33 dòng hàng, Bộ KH&CN cắt giảm  22/24 dòng hàng, Bộ GTVT cắt giảm 80/134 dòng hàng, Bộ Xây dựng cắt giảm 33/64 dòng hàng, Bộ TN&MT cắt giảm 38/74 dòng hàng.

Bên cạnh đó, có những bộ còn rất nhiều dòng hàng chưa cắt giảm, cần tiếp tục cắt giảm, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và y tế. Tuy nhiên, cần lưu ý đây là hệ quả từ nhiều nhiệm kỳ trước, cần có thời gian để xử lý, hiện Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế đang rất tích cực triển khai. 

6(53)
Buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng với các Bộ, ngành liên quan về cải cách kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm điều kiện kinh doanh...Ảnh: VGP  

Bộ trưởng cũng nêu rõ những tồn tại trong công tác này, mà trước hết là nhiều cơ quan chưa áp dụng quản lý rủi ro. Ví dụ đã có quy định nếu 3 lần liên tiếp đạt yêu cầu thì lần thứ 4 không phải kiểm tra, nhưng thực tế vẫn kiểm tra.

Cùng với đó, tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra còn lớn, vẫn chiếm tới 19,4% tổng số lô hàng xuất nhập khẩu. Kiểm tra nhiều mặt hàng nhưng chưa có kết nối giữa các cơ quan, tần suất kiểm tra còn cao trong khi vi phạm phát hiện thấp. Theo kết quả mới nhất trong năm 2018 thì tỷ lệ lô hàng vi phạm cũng mới phát hiện 0,06%, tức là không khác gì năm 2017, không có tiến bộ.

“Điều này chứng tỏ dư địa cải cách còn rất lớn, doanh nghiệp của chúng ta cũng có ý thức tuân thủ quy định rất tốt. Cùng với đó, việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này còn chậm, 3 bộ chưa cải cách mạnh mẽ nội dung này. Trong cơ chế một cửa, mới có 53/283 thủ tục được kết nối, tỷ lệ rất thấp,” Tổ trưởng Tổ công tác nhận xét.

Ý kiến của bạn

Bình luận