Vụ tai nạn xảy ra mới đây nhất vào khoảng 12h30 ngày 7/9, tại giao lộ Trường Chinh – Lê Trọng Tấn (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng). Nạn nhân được xác định là em Lê Thị Hồng A (học sinh lớp 8, trú tại khu tập thể 375 Hòa Phát, quận Cẩm Lệ).
Thời điểm trên, xe tải mang biển số Đà Nẵng do tài xế Trần Văn Phúc (40 tuổi, trú phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) lái từ đường Lê Trọng Tấn rẽ phải ra đường Trường Chinh thì bất ngờ tông vào xe đạp điện do em A điều khiển chạy cùng chiều. Cú va chạm khiến nạn nhân ngã xuống đường, bị xe tải cán qua người tử vong tại chỗ.
Nói tới tình trạng học sinh bị tai nạn giao thông, tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Ngọc Sơn – Khoa phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Việt Đức - cho biết, anh gặp nhiều ca bị tai nạn do xe đạp điện, nhiều cháu bé chấn thương sọ não vì phương tiện này.
Có lẽ ca đau lòng nhất là cháu N.H.L 11 tuổi, trú tại Hà Nam, đi học bằng xe đạp điện. Cháu bị ngã xe, va vào xe ô tô đang đi bên cạnh dẫn tới chấn thương sọ não. Khi cháu lên bệnh viện cấp cứu, các bác sĩ không cứu được do chấn thương quá nặng, gia đình phải xin bé về nhà.
Tương tự, bệnh nhân Nguyễn Thị Th., 14 tuổi, ở Mỹ Hào, Hưng Yên được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, không tỉnh táo, sưng nề hàm mặt, xương gò má trái, chảy máu tai, chân trái sưng nề biến dạng… Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị đa chấn thương, dập não, vỡ xương thái dương, gãy xương mác bên chân trái.
Người nhà cho biết, Th. và bạn tham gia giao thông bằng xe đạp điện và không làm chủ được tốc độ, đâm vào ô tô khiến bạn đi cũng Th. đã tử vong còn Th phải đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương.
TS Sơn cho biết, còn rất nhiều ca tai nạn đáng tiếc do xe đạp điện. Không chỉ những cháu vi phạm luật giao thông đi xe lượn lách, vượt đèn đỏ, ngược chiều mà còn có rất nhiều cháu đi đường cũng bị mất chân vì xe đạp điện.
TS Sơn cho biết, xe đạp điện là phương tiện tương đối thuận tiện, có vẻ an toàn khi tốc độ trung bình từ dưới 30, 40 km/h. Các học sinh có thể đi học với vận tốc khoảng 20km/h. Đây là vận tốc thích hợp khi nhanh hơn xe đạp thường và chậm hơn xe máy. Nhưng phương tiện này vẫn có thể gây thương tích khi tham gia giao thông.
Các ca tai nạn do xe đạp điện thường nhẹ hơn so với tai nạn xe máy. Hay gặp nhất xước chân tay, bong gân. Nhưng cũng có các cháu bị ngã bị chấn thương sọ não, gãy chân tay, gãy đầu xương quay khi chống tay xuống đường, gãy trên đồi cầu.
TS Sơn cho biết thêm, xe đạp điện nếu đi ở tốc độ 40km thì khi ngã, chấn thương nặng như đi xe máy. Trong khi đó, trẻ đi xe đạp điện chẳng có mấy cháu đội mũ bảo hiểm. Khi bị tai nạn, nhất là chấn thương sọ não ở tuổi học sinh, sẽ để lại chấn thương động kinh, học hành kém, trí óc lơ ngơ không tiếp thu được.
TS Sơn khuyến cáo, dù là xe đạp điện, vận tốc nhỏ nhưng giao thông trong thành phố nó cũng rất nguy hiểm. Chính vì thế cần có thói quen đội mũ bảo hiểm. Nhà trường, gia đình nên giáo dục các cháu tham gia giao thông vẫn phải đội mũ bảo hiểm như đi xe máy và tuân thủ luật lệ giao thông đường bộ.
Một nghiên cứu về an toàn giao thông (ATGT) với đối tượng học sinh phổ thông Trung học phổ thông (THPT) tại Hà Nội, do Ủy ban ATGT Quốc gia và Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) đã chỉ ra, đây là đối tượng tham gia giao thông dễ bị tổn thương nhất. Có khoảng 52% học sinh THPT sử dụng xe đạp điện, xe máy điện và 7% đi xe máy trái phép. Sự thay đổi từ phương tiện từ đi bộ và xe đạp, sang xe đạp điện và xe máy điện có thể lý giải tại sao học sinh THPT lại chiếm tới 90% các vụ TNGT của trẻ em. Năm 2016, tỷ lệ TNGT của nhóm đi xe đạp điện, xe máy điện và xe máy là cao nhất (khoảng 0,49-0,5 vụ/học sinh), nghĩa là bình quân cứ 2 học sinh thì có 1 liên quan tới TNGT trong năm 2016. Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, có tới 55% các vụ TNGT xảy ra với học sinh THPT là do xe máy điện và xe đạp điện. Nguyên nhân TNGT hàng đầu là chạy xe quá tốc độ (chiếm 20%), qua đường không đúng cách (chiếm 18%) và chuyển hướng không đúng cách (chiếm 16%). Học sinh đi xe không đội mũ bảo hiểm, khi chuyển hướng, không đánh giá đúng vận tốc phương tiện đi tới và không bật tín hiệu xin đường, đi hàng hai, hàng ba, vượt đèn đỏ, phanh gấp,... Tỷ lệ học sinh đi xe không có gương chiếu hậu rất cao. Với xe máy điện chiếm khoảng 81%, xe đạp điện chiếm khoảng 90%. Điều này tiềm ẩn rủi ro mất ATGT cho học sinh sử dụng xe máy điện và đạp điện khi tham gia giao thông. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.